Chứng khoán, bất động sản tăng
Trong năm 2020, giá vàng thế giới tăng khoảng 25% (đạt gần 1.900 USD/ounce) và giá vàng trong nước tăng 29%, khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư vào kênh này. Dự báo, giá vàng thế giới trong năm 2021 tiếp tục ở mức cao do lo ngại về dịch Covid-19 chưa được khắc phục hoàn toàn, dù đã có vắc-xin, trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt.
Nhưng khả năng giá vàng năm nay tăng mạnh như năm 2020 sẽ khó xảy ra, thậm chí giá có thể điều chỉnh nếu vắc-xin phòng dịch Covid-19 hiệu quả và được triển khai đại trà trên thế giới. Giá vàng trong tháng 4/2021 có thời điểm giảm còn 1.680 USD/ounce (gần đây dao động quanh 1.780 USD/ounce). Do vậy, đầu tư vào vàng nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao như năm 2020 được xem là khá rủi ro.
Với USD, từ đầu năm 2021 đến nay, trên thị trường quốc tế có biến động khá mạnh, nhưng theo chiều hướng giảm nhiều hơn. Năm 2021, dự kiến Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công và tăng cung tiền nên tỷ giá khó giảm. Do vậy, tỷ giá USD/VND trong năm nay được nhận định sẽ ổn định như giai đoạn đầu năm, với mức tăng trong khoảng 0 - 2%. Theo đó, USD không còn là kênh đầu tư đảm bảo hiệu quả sinh lời như trước.
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index trong năm 2020 tăng gần 15%, đạt hơn 1.100 điểm. Từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số tiếp tục tăng, vượt qua mốc 1.200 điểm, đem lại sự phấn khởi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, rất có thể thị trường sẽ có đợt điều chỉnh trong quý II trước khi tăng lại mức 1.200 điểm hoặc cao hơn.
Đối với thị trường bất động sản, tình trạng chựng lại cuối năm 2019 và dịch Covid-19 làm du lịch, thương mại đình trệ trong năm 2020 khiến nhiều người lo ngại kịch bản xấu sẽ xảy ra như giai đoạn 2011 - 2013.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường bất động sản từ đầu năm 2021 khởi sắc trở lại, thậm chí giá tăng mạnh ở một số phân khúc và khu vực. Điều này khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tăng tốt trong nửa cuối năm.
Phân khúc căn hộ tại TP.HCM ổn định với giá căn hộ tăng do nguồn cung vẫn còn hạn chế so với nhu cầu của người mua nhà để ở và đầu tư cho thuê.
Trong khi đó, phân khúc nhà phố tiếp tục gặp áp lực giảm giá do tình hình cho thuê kinh doanh chưa phục hồi và khả năng tăng giá phân khúc này thấp hơn so với đầu tư đất nền. Phân khúc đất nền vùng ven và địa phương nhiều khả năng sẽ phân hóa mạnh.
Những khu vực đô thị mới có triển khai khu công nghiệp và đầu tư hạ tầng giao thông lớn dự kiến sẽ có sự cấu trúc lại trong xu thế phát triển. Ngược lại, những đất nền vùng ven chưa có khả năng tập trung dân cư và thiếu hạ tầng sẽ bị suy giảm do áp lực trả nợ ngân hàng.
Nhìn chung, năm 2021 được xem là năm đầu tư mua bất động sản để tìm lợi nhuận tốt trong trung hạn. Một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính và thanh khoản thị trường thấp đã phải bán giảm giá.
Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có nguồn tiền mua được những bất động sản có vị trí tốt. Triển vọng của thị trường bất động sản 2021 là tích cực, nhất là khi lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi có dấu hiệu chuyển hướng sang nhà, đất, nhưng sẽ khó tăng giá trên diện rộng.
Cần kiểm soát dòng chảy tín dụng
Lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện duy trì ở mức thấp, thậm chí gặp áp lực giảm, nhưng dự kiến trong năm 2021 vẫn đạt khoảng 6 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn 1 năm. Năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,2% nên người gửi tiết kiệm tiếp tục nhận mức lãi thực dương và năm nay nhiều khả năng cũng vậy.
Thực tế, đa số nhà đầu tư tiếp tục chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, đây vẫn được xem là kênh đầu tư hiệu quả so với USD và ít rủi ro biến động giá như vàng.
Với bất động sản và chứng khoán, rủi ro luôn đi kèm, song cơ hội lợi nhuận cao hơn. Trong bối cảnh chứng khoán và bất động sản tăng giá, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm sẽ khiến nhà đầu tư tính toán lại khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn.
Thực tế, dòng tiền nhàn rỗi có dấu hiệu dịch chuyển sang bất động sản, chứng khoán. Trong đó, dòng tiền đổ vào chứng khoán chủ yếu theo tâm lý đám đông khi thấy giá chứng khoán tăng, giúp thanh khoản tăng cao.
Không chỉ dòng tiền nhàn rỗi chảy vào chứng khoán, bất động sản, mà còn có cả dòng tiền vay đầu tư, nên cần có sự kiểm soát dòng chảy tín dụng vào hai kênh này nhằm hạn chế rủi ro.
Với chỉ số lạm phát hiện tại, lãi suất vẫn thực dương. |
Tăng trưởng tín dụng quý I/2021 quay trở lại mức cao, tăng gần 3%, dự kiến cả năm sẽ cao hơn năm 2020 (12,13%). Triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2021 chắc chắn tốt hơn năm 2020, vì dịch bệnh Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhằm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh kinh tế được nhận định tăng trưởng 6 - 7%.
Hoạt động tín dụng được cải thiện, các ngân hàng đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi nên cổ phiếu ngân hàng có triển vọng sáng, song nhà đầu tư cũng nên thận trọng, vì khả năng phân hóa và nợ xấu gia tăng.
Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 và thu hồi được nợ vay, ngành ngân hàng đã kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Cơ chế mới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.
Dù vậy, trên báo cáo tài chính, các ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ, chưa ghi nhận thêm nợ xấu do dịch Covid-19 nên chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, làm cho kết quả có phần bị “thổi phồng”. Do đó, các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng vì vấn đề nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng trong tương lai.