Nhận diện đầy đủ hơn về thị trường

Nhận diện đầy đủ hơn về thị trường

(ĐTCK) Chứng khoán Tràng An, Chứng khoán Golden Brigde (GBS) đang gây nhức nhối cho nhiều nhà đầu tư khi tiền và cổ phiếu của họ bỗng dưng biến mất mà chưa có cách nào đòi được.

Ông chủ Việt Nam của 2 công ty này đã thoái vốn, để lại cả khối bê bối cho 2 ông chủ ngoại. Cả 2 ông chủ ngoại đang lăn lộn để tìm nguồn phù hợp trả nợ, nhưng ngay cả khi tìm được nguồn tiền thì con đường để nhà đầu tư đòi lại tài sản đã mất tại CTCK cũng không đơn giản.

Tại GBS, theo một số nguồn tin, Tập đoàn mẹ (tại Hàn Quốc) đang đàm phán và đứng ra bảo lãnh để vay ngân hàng một khoản tiền, nhằm hỗ trợ GBS xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, dòng tiền nếu về đến GBS cũng không thể dùng để trả nợ ngay, vì những quy định chặt chẽ của đối tác cho vay trong việc giải ngân vốn. Những mục đích chính của dòng vốn vay được (nếu có) là để tự doanh, để cung ứng dịch vụ ứng trước tiền bán, hoặc để bổ sung vốn lưu động, hoàn toàn không có việc ngân hàng cho Công ty vay tiền để trả nợ khách hàng. Vì thế, để GBS có dòng tiền trả nợ vào các tài khoản đã bị Công ty lạm dụng, chỉ có cách đi đường vòng. Tuy nhiên, GBS hiện đang bị cơ quan quản lý tạm “cấm cửa” giao dịch trên TTCK, nên khả năng hoán chuyển tiền thành cổ phiếu, cổ phiếu thành tiền giữa những tài khoản có vấn đề tại GBS chưa biết làm cách nào để thực hiện được.

Tại Chứng khoán Tràng An, khả năng hồi phục Công ty và trang trải nợ nần còn mờ mịt hơn khi khoản nợ đã lên khoảng 150 tỷ đồng và Công ty đã bị UBCK rút giấy phép hoạt động lưu ký. Ông chủ người Trung Quốc của Tràng An cũng đang tìm cách tìm kiếm nguồn tiền mới, tìm kiếm cổ đông chiến lược mới hoặc các nguồn vay với hy vọng có nguồn để xử lý đống nợ ngày càng chồng chất. TTCK Việt Nam vẫn trên đà xuống dốc, áp lực tồn tại với những CTCK bình thường đã khó, với những công ty ngập trong nợ nần hiện rất mong manh. Không biết những ông chủ ngoại còn kiên trì bám trụ bao lâu nữa? Không biết họ sẽ sẵn sàng bỏ bao nhiêu tiền nữa để cứu sống DN, nơi mà họ đã bỏ cả trăm tỷ đồng để đầu tư? Trong trường hợp nỗ lực của các ông chủ “đứt gánh giữa đường” thì ai sẽ tiếp tục duy trì thực thể DN, ai sẽ có trách nhiệm đến cùng trả nợ cho các khoản tiền của nhà đầu tư đã bị CTCK lạm tiêu?...

Trong khối DN niêm yết, hiện tượng làm mất niềm tin của thị trường dường như cũng tăng lên cùng sự khó khăn chung của nền kinh tế. Ngày càng nhiều DN lớn (ACB, STB, Sudico, ITA…) phải trải qua khủng hoảng về quản trị và ngày càng có nhiều DN nhỏ đảo chủ hoặc gặp bê bối trong kinh doanh. Sàn TP. HCM có khoảng 70 mã cổ phiếu có giá dưới 5.000 đồng; sàn Hà Nội tình trạng “mất giá” còn trầm trọng hơn, khi có tới trên 150 cổ phiếu giá dưới 5.000 đồng.

Liên quan đến TTCK, báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/10 vừa qua chỉ viết: “Tính đến tháng 9, VN-Index tăng 13% và HNX-Index tăng 5% so với cuối năm 2011. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 55% so với bình quân năm 2011. Mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 31% GDP. Vốn trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh qua TTCK 9 tháng đầu năm đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2011”.

Những con số tích cực trên chưa phản ánh về các khủng hoảng đang xảy ra ngày một nhiều trong lòng thị trường - điều cần phải được nhận diện rõ nét nhất để tìm giải pháp xử lý ở tầm vĩ mô. TTCK vẫn cứ lặng lẽ tuột dốc và niềm tin của nhà đầu tư cứ ngày một mong manh, chưa biết bao giờ mới tìm được điểm tựa.