Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại họp báo.Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại họp báo.Ảnh: VGP/Huy Thắng

Nhận diện các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng kỷ lục GDP quý I/2018

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả;

Ngành lâm nghiệp tăng 5,03%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,76%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng quý I năm nay đã đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau hai năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm trước.

Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm tăng 7,46%, thấp hơn so với tốc độ tăng 8,60% của cùng kỳ năm 2016 và 7,60% của cùng kỳ năm 2017, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: bán buôn và bán lẻ tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,79 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 7,60% so với mức tăng 6,03% của quý I/2017, đóng góp 0,32 điểm phần trăm;

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,56%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%; khu vực dịch vụ chiếm 43,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 11,19%; 34,14%; 43,92%; 10,75%).

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích thêm, sản xuất của Việt Nam thường mang tính mùa vụ nên quý I hàng năm thường tăng trưởng thấp và quý sau tăng cao hơn quý trước.

Tuy nhiên, năm nay yếu tố mùa vụ không tác động nhiều như những năm trước. Lý do là GDP quý I các năm tăng thấp, chỉ có quý I/2015 tăng 6,12%, còn lại quý I các năm khác chỉ tăng tăng trên 4% và trên 5%. Do đó, năm nay không có thể sẽ không lặp lại quy luật quý sau tăng cao hơn quý trước.

Các chỉ tiêu khác của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, du lịch, đăng ký doanh nghiệp, tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo đều đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát tốt. 

Còn ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,56% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng kỳ năm 2017, mức tăng chỉ ở là 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, Samsung đóng góp phần lớn, ước tính năm 2018, giá trị sản xuất của Samsung sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2017. Trong quý II/2018, tăng trưởng của Samsung sẽ tiếp đà của quý I/2018, song tỷ lệ tăng dự kiến giảm trong quý III và quý IV năm nay. 

Ông Dương Mạnh Hùng, Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia lại nhấn mạnh, một yếu tố GDP quý I/2018 tăng mạnh là do sản xuất nông nghiệp tăng mạnh nhất trong 13 năm qua, xuất nhập khẩu, du lịch, tiêu dùng trong dân cư...

Ngoài ra, sự tăng trưởng của khách du lịch cũng đóng góp cho GDP không chỉ chi tiêu trực tiếp mà còn gián tiếp lan tỏa tới các ngành dịch vụ khác nhau như dịch vụ, khách sạn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lạm phát có khả năng tăng cao do giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng lên trên 70 USD/thùng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm giá cả tăng, giá thịt lợn có xu hướng tăng vào cuối năm do cung không đủ cầu; thời tiết còn diễn biến phức tạp... 

Một số giải pháp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế là: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả các yếu tố làm tăng giá, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công...

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh doanh thời gian qua đã có nhiều cải thiện, số doanh nghiệp tăng mạnh nhưng cơ cấu các doanh nghiệp không thay đổi, khoảng 30% đăng ký mới hoạt động thương mại dịch vụ, cần có nghiên cứu cụ thể hơn về tình hình sức khoẻ doanh nghiệp, liệu có tương xứng với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh hay không.

Về tác động ngoại cảnh như biến động thương mại quốc tế (nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc), ông Nguyễn Bích Lâm nhận định điều này sẽ không đi quá xa và có thoả hiệp giữa các nền kinh tế lớn, do đó không ảnh hưởng quá lớn tới thương mại của Việt Nam.

Điều đáng lo ngại nhất là các chính sách giảm thuế của Hoa Kỳ, hút mạnh đầu tư, sản xuất về nội địa, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng quý I/2018 cao nhưng để đạt mức tăng trưởng 6,7% không đơn giản. 

Lý do là nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tổng cầu kinh tế thế giới, cần duy trì và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới. Một trong những động lực quan trọng là tổng cầu trong nước, tận dụng sự gia tăng mức tiêu dùng dân cư.

Tin bài liên quan