Sàn giao dịch vàng bị đóng cửa từ đầu năm nay để lại một khoảng trống lớn trên thị trường vàng.

Sàn giao dịch vàng bị đóng cửa từ đầu năm nay để lại một khoảng trống lớn trên thị trường vàng.

Nhắc lại chuyện sàn vàng

(ĐTCK-online) Khi mà chuyện vàng, USD vẫn còn nguyên tính thời sự sau đợt sốt nóng vừa qua, một đề xuất mới về quản lý thị trường vàng đã chính thức được phát ra. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức trình Chính phủ và các bộ ngành hữu quan Đề án thành lập Sở giao dịch vàng (SGD) Quốc gia tại Việt Nam.

Tạm thời chưa nhắc đến chi tiết của Đề án này mà hãy nhắc lại vài chuyện cũ. Khi các sàn giao dịch vàng bùng nổ hoạt động năm 2009, cũng theo đó bộc lộ hạn chế và để cuối cùng phải đóng cửa vào đầu năm nay, đã có hàng loạt ý kiến khác nhau về mô thức quản lý một thị trường vàng hiệu quả hơn thay vì cấm đoán.

Nhu cầu để quản lý thị trường hiệu quả rất đơn giản, bởi nước ta có nhiều vàng! Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những tranh luận về con số hàng nghìn tấn vàng do người dân nắm giữ. Chính xác là bao nhiêu thì khó xác định bởi những nguồn số liệu thống kê cho những kết quả khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất là vàng trong dân là rất lớn so với tương quan quy mô nền kinh tế.

Nhu cầu đầu cơ và tích trữ vàng có từ nhiều thế hệ đã tạo nên số lượng tích trữ lên đến con số đó. Trong mắt các nhà kinh tế thì vàng, một trong những đặc tính của nó chính là tiền, là nguồn vốn và đương nhiên, nguồn vốn thì rất cần cho bất kỳ một doanh nghiệp, một quốc gia nào để phát triển.

Cơ chế quản lý tốt chính là nhằm khơi thông lượng vàng được tích trữ theo kiểu truyền thống đối với tài sản quý là "vùi sâu chôn chặt", chuyển hóa nó thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Trên thực tế vài năm trở lại đây, lượng vàng tích trữ đã được chuyển hóa một phần sang nguồn vốn thông qua sản phẩm gửi tiết kiệm vàng của các ngân hàng. Các ngân hàng dùng để cho vay lại hoặc chuyển đổi sang tiền mặt để cho khách hàng vay, nhưng hình thái này cũng có “tác dụng phụ” và đã phải siết lại bằng Thông tư 22/2010/TT-NHNN vừa ban hành.

Ong Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, không dưới hai lần trên các diễn đàn công khai bày tỏ quan điểm phản đối việc ngăn cấm các ngân hàng thương mại mở tài khoản kinh doanh vàng tại nước ngoài, đồng thời đề cập tới nhu cầu phải có cơ chế đưa lượng vàng lớn trong dân vào lưu thông, tức là giúp chu chuyển nguồn vốn bằng vàng.

Trong giới kinh doanh vàng, nhiều ý kiến đã đề cập tới mô hình quản lý thị trường vàng tập trung trong tay Nhà nước. Khi đó, Nhà nước có thể quản lý thị trường vàng hiệu quả, tránh những tác động tiêu cực còn người dân và nhà đầu tư có thêm những kênh lựa chọn để đầu tư hay trao đổi loại hàng hóa đặc biệt này.

Nói những chuyện như trên để thấy, ý tưởng của đề xuất mới đây của BIDV về thành lập SGD Vàng Quốc gia là không mới, đề án này chỉ là một sự cụ thể hóa nhu cầu về việc tạo lập một trong những hình thức quản lý đối với thị trường vàng hiện nay mà thôi.

Hình dung dễ nhất về Đề án của BIDV đó là tạo lập một thị trường giao dịch vàng tập trung, giống TTCK hiện nay. SGD tập trung do Nhà nước nắm giữ đó sẽ định ra những quy tắc về giao dịch, những quy định về kiểm soát rủi ro, cho phép các ngân hàng, các công ty kinh doanh vàng trở thành thành viên giao dịch giống các CTCK, họ có thể tự doanh phục vụ nhu cầu của chính họ và cung cấp dịch vụ môi giới cho các nhà đầu tư,  người dân có nhu cầu mua bán vàng.

Mô hình này được BIDV đề xuất trên cơ sở nhu cầu của thị trường vàng trong nước và trên cơ sở nghiên cứu mô hình hoạt động của 5 SGD vàng có doanh số lớn nhất thế giới gồm Comex (Mỹ), Tocom (Nhật Bản), DGCX (Dubai), MCX (An Độ) và CGE (Trung Quốc).

Trong buổi trao đổi về Đề án, BIDV đã đề cập tới rất nhiều mặt có lợi và giúp khắc phục những tồn tại của thị trường vàng hiện nay khi mô hình này được triển khai như tăng cường tính minh bạch, thông suốt của thị trường vàng; giảm tình trạng lũng đoạn và thao túng, góp phần tạo trật tự khách quan cho thị trường vàng; giảm nhu cầu nhập vàng và hạn chế xuất nhập lậu vàng; giúp NHNN có thể can thiệp thị trường bằng việc điều chỉnh hoạt động của SGD…

Những tác động này là quan trọng nhưng có lẽ không cần phải diễn giải quá nhiều. Giống như TTCK khi tạo lập được và giao dịch tập trung ở một quy mô lớn đã tác động tốt thế nào tới nền kinh tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư là điều không cần phải bàn cãi.

Vấn đề ở chỗ đó là sự quyết tâm triển khai, như chính lãnh đạo BIDV thừa nhận, BIDV đề xuất mô hình này, nhưng không thể một mình BIDV làm được mà cần phải có sự triển khai từ phía các bộ, ngành liên quan và sự tham gia của nhiều ngân hàng cũng như các công ty kinh doanh vàng bạc thì mô hình mới có thể thành công.