Trong dòng chảy lịch sử của đất nước, văn chương có một vị trí quan trọng trong đời sống. Trong thời chiến, qua những áng văn chương, chân dung con người Việt luôn là những hình ảnh bất khuất, dũng cảm không bao giờ cúi đầu trước cường quyền, những hình ảnh ấy qua văn chương, lời thơ đã trở thành những lời hiệu triệu xây dựng và gia cố khối đại đoàn kết dân tộc tạo nên giá trị lớn lao với tiến trình đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thưa ông, những nhà văn, nhà thơ phải có tâm thế như thế nào để có thể tạo ra những giá trị to lớn vậy?
Tới đây, Hội Nhà văn sẽ tổ chức Hội nghị những người viết trẻ toàn quốc lần thứ 10. Khẩu hiệu của Hội nghị này là: “Vì sao chúng ta viết’’. Chúng tôi muốn những nhà văn trẻ phải trả lời được câu hỏi đó trước khi cầm bút viết tác phẩm của mình.
Nếu những trang viết không hướng tới những điều đẹp đẽ của con người, không truyền cảm cho con người tình yêu thương và lòng tin, không gieo vào bạn đọc những giấc mơ đẹp đẽ thì văn chương để làm gì. Không trả lời được câu hỏi đó, nhà văn sẽ không để lại điều gì cho bạn đọc và có thể trở thành kẻ phản bội cái đẹp, phản bội con người.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều với Vua và Hoàng hậu Na-uy tại hoàng cung. |
Trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, các nhà văn đã dấn thân vào cuộc kháng chiến như một ngươi lính chân chính bảo vệ Tổ quốc mình. Chính vậy mà mỗi trang viết của họ đã dựng lên tình yêu Tổ quốc và sự dâng hiến cao cả của con người Việt Nam cho dân tộc.
Trong suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các nhà văn Việt Nam đã làm ra một lịch sử riêng biệt cho đời sống văn chương nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và và Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á Phi. |
Khi chúng tôi làm tuyển tập thơ về chiến tranh của các nhà thơ Việt Nam trong 10 thế kỷ, các nhà thơ Mỹ giúp chúng tôi dịch tuyển thơ này ra tiếng Anh đã vô cùng ngạc nhiên khi những bài thơ viết về chiến tranh lại không thấy sự sợ hãi, chết chóc, thù hận, mà ở đó dâng lên bài ca về quê hương, gia đình, cha mẹ, về giấc mở trở về nhà sau khi chiến tranh kết thúc để chăm sóc cha mẹ, sinh con đẻ cái, cày cuốc và gieo gặt.
Chính vậy, các dịch giả đã đề nghị chúng tôi đặt tên tuyển thơ đó là Khát vọng hòa bình, thay cho ý định ban đầu của chúng tôi là Những bài thơ viết về chiến tranh. Những áng văn thơ như vậy đã tạo ra tâm thế, tư thế và nền văn hóa của một dân tộc.
Nhà văn Larry Heinemann, giải sách Quốc gia Mỹ nói: “Chúng ta có thể chiến thắng một đội quân, nhưng chúng ta không thể chiến thắng một nền văn hóa. Đất nước Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và kỳ diệu. Họ không bao giờ bị khuất phục’’.
Khi khói súng tan đi, súng gươm vứt bỏ, thì lúc đó, hình ảnh cánh cò, đồng lúa của nước Việt Nam tươi đẹp, với những hình người lính chiến hôm trước - người thợ cày hôm nay lại được phác họa bằng những câu ca dao, những bài văn đậm chất trữ tình. Thậm chí, dù trong lòng vẫn chưa nguôi ngoai những di chứng của cuộc chiến ngày hôm trước, nhưng họ vẫn sẵn lòng tha thứ cho kẻ thù để hướng về phía trước. Có vẻ như bằng cách thiết thực nhất, đơn giản mà hiệu quả, văn chương đã kéo gần con người các dân tộc, quốc gia đến gần nhau hơn, hiểu nhau và tôn trọng nhau hơn, cùng hướng tới khát vọng rất con người, đó là tình yêu nhân loại. Theo ông, phải chăng điều được gọi là “văn hóa Việt” đã tạo nên sự chuyển hướng kỳ diệu tới vậy?
Sau năm 1975, người Mỹ đã tuyên bố: “Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam là phát hiện về văn hóa’’.
Tôi muốn nói về một câu chuyện rất đặc biệt.
Trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ đã chuyển về Mỹ một khối lượng tài liệu không nhỏ từ phía kẻ thù. Tài liệu đó là tất cả những giấy tờ, tài liệu của những người du kích, những cán bộ nằm vùng, những chiến sỹ giải phóng quân… bị đánh rơi, bị bắt giữ hay bị hy sinh mà quân đội Mỹ thu được.
Những tài liệu này được chuyển về Mỹ để nghiên cứu và khai thác như một trong những hoạt động của tình báo quân đội Mỹ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đọc thơ tại Ailen. |
Tài liệu này bao gồm đủ các loại thông tin liên quan đến những người lính của chúng ta. Khoảng giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, những tài liệu này được giải mật. Đại học Massachusetts đã mua lại hàng ngàn mét micro phim chụp các tài liệu này để làm tài liệu nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.
Khi đọc những thước micro phim này, những người nghiên cứu chiến tranh Việt Nam ở Đại học Massachusetts phát hiện ra một điều hết sức kỳ lạ. Đó là hầu hết trong những cuốn sổ tay của các du kích, các cán bộ nằm vùng, các chiến sỹ giải phóng quân đều chép những bài thơ.
Đây là điều mà trong lịch sử chiến tranh thế giới, người ta chưa bao giờ thấy như vậy. Những người nghiên cứu bắt đầu đọc các bài thơ đó. Và họ nhận ra những bài thơ trong những cuốn sổ tay ám khói bom đạn và cả máu của người hy sinh là một tình yêu con người lớn lao và một khát vọng hoà bình mãnh liệt. Họ biết rằng, đó chính là yếu tố làm nên sức mạnh của đội quân kẻ thù của họ và đã đánh bại họ.
Ngay sau đó, Nhà xuất bản báo chí Massachusetts quyết định tuyển chọn và dịch một tập thơ của những người lính giải phóng làm trong sổ tay ở chiến trường để giới thiệu với công chúng Mỹ.
Cách đây chừng 2 thập kỷ, ông từng nói: “Trong số rất nhiều cựu binh, lính Mỹ ở Việt Nam đó, nhiều người đã đoạt Giải Pulitzer, trở thành ứng cử viên Giải Nobel. Họ đã dùng văn chương là phương tiện uy quyền nhất để nói về dân tộc Việt Nam, cuộc chiến ở Việt Nam từ ngay trong chiến tranh. Chính chiếc cầu nối giữa chúng ta với người dân Mỹ và bằng chiếc cầu đó, những điều mà văn chương Việt Nam đề cập đến, những sự rung cảm, những vẻ đẹp tinh tế nhưng cũng rất giản dị về Việt Nam và tất cả những điều gì người Việt Nam đã sống, đã lao động, đã chiến đấu, đã mơ ước... đã thay đổi quan điểm của người Mỹ”. Đến nay, không chỉ người Mỹ, mà là các quốc gia khác trên toàn thế giới, vai trò của chiếc cầu đó thế nào, thưa ông?
Tôi muốn nói tới một bài thơ có tên Chơi bóng rổ với Việt cộng của nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen.
Kevin đã đóng quân ở núi Bà Đen. Bài thơ được viết trước khi quan hệ Việt Nam và Mỹ được bình thường hoá. Đó là một năm trước cửa ngôi nhà của Kevin ở khu Dochester, Boston xuất hiện một Việt Cộng. Việt cộng đó tên là Nguyễn Quang Sáng.
Trong khi quan hệ giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ còn rất căng thẳng, thì Kevin đã tìm cách đưa các nhà văn Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Các nhà văn Việt Nam đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt nam. Người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một Việt Nam khác ngoài một Việt Nam của những cuộc chiến tranh liên miên.
Tôi đã ở trong ngôi nhà của Kevin nhiều lần. Tôi vẫn còn nhớ trên sân sau nhà Kevin dựng một cái cột có túi lưới để chơi bóng rổ.
Hầu như các nhà văn Việt Nam đến nhà Kevin cũng thử ném bóng một đôi lần vào những buổi chiều với những cựu binh Mỹ. Nhưng đó không phải một cuộc thi đấu bóng rổ. Đó là lúc những cựu binh Mỹ và những người Mỹ khác bắt đầu quan sát kẻ thù của họ. Họ cố tìm ra điều gì đã làm cho những người lính Việt Nam có thể chịu đựng những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ và chết chóc một cách kỳ lạ như vậy.
Và trong bài thơ này, Kevin, hay có thể nói cách khác là những người Mỹ, đã tìm ra một trong những câu trả lời ấy trong bài thơ Chơi bóng rổ với Việt cộng:
Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều lần Kevin đọc bài thơ Chơi bóng rổ với Việt cộng ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Ở đâu, bài thơ đó cũng được người nghe đón chào một cách đặc biệt.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trên báo Colombia. |
Một lần ở thư viện Boston, Kevin đã đọc bài thơ này. Sau khi nghe xong bài thơ, một cựu binh Mỹ đã đến ôm lấy tôi, ứa nước mắt và nói: “Hãy đến nhà tôi chơi bóng rổ và ăn tối”.
Rồi sau đó, Kevin đã xuất bản tập thơ mang tên Chơi bóng rổ với Việt cộng. Hầu hết những bài thơ trong tập thơ đó ông viết về Việt Nam với Thành Cổ Loa, với trà sen, với một đêm rằm trung thu ở Hà Nội, với những đêm nghe hò Huế trên sông Hương… Tất cả những bài thơ đó đều mang trong nó hơi thở thẳm sâu của tâm hồn và văn hóa Việt Nam.
Tập thơ này đã dựng lên chân dung những con người Việt Nam, để từ đó dựng lên chân dung văn hóa Việt. Bài thơ có sức mạnh lạ thường đã thay đổi cách nhìn của rất nhiều người Mỹ về con người Việt Nam.
Năm 2017, chính quyền Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ đã tôn vinh nhà thơ Kevin Bowen bằng cách có một “Ngày Kevin Bowen’’ ở thành phố Boston. Một trong ba lý do để chính quyền Boston tôn vinh nhà thơ này được ghi rõ trong bản công trạng là: “Ông (Kevin Bowen) đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa của một kẻ thù cũ - Việt Nam’’.
Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng hay chính xác là sự sống còn của một đất nước là văn hóa của dân tộc đó. Tôi rất vui khi có mặt tại lễ tôn vinh đó và thay mặt người dân Việt Nam cám ơn nhà thơ Kevin Bowen.
Cũng năm đó, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt tập sách có tên Những người đi qua biển bao gồm những bài viết của các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ và Việt Nam.
Trước kia, những lính Mỹ đi qua biển mang vào Việt Nam súng đạn. Còn sau khi chiến tranh kết thúc, những cựu binh Việt Nam đi qua biển mang tới Mỹ những bài thơ ngợi ca tình yêu con người. Văn học thực sự đã dựng lên cây cầu và xóa đi những biên giới của hận thù và xây dựng tình hữu nghị của các dân tộc với nhau.
“Bài hát về cố hương” từng được in trong tập “Sự mất ngủ của lửa” của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha. Sau khi được đọc nhiều lần tại trong những hội thơ quốc tế, nhiều học giả đã nhận định bài thơ “có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng”. Nhà văn có thể nói rõ hơn về “sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng” đó?
Năm 2011, bài thơ Bài hát về cố hương được dịch và in trên báo Văn học nước Nga và được bình chọn là bài thơ nước ngoài hay nhất năm.
Dịch giả Nguyễn Kim Hiền là người dịch bài thơ này cũng một nhà thơ Nga đã hỏi ông Tổng biên tập tờ Văn học nước Nga lý do gì mà bạn đọc chọn bài thơ đó là bài thơ nước ngoài hay nhất trong năm. Ông Tổng biên tập trả lời: “Vì nó rất Việt Nam”.
Đọc thơ bất cứ đâu trong nước hay nước ngoài, tôi đều đọc bài thơ đó. Tôi gọi đó là bản tuyên ngôn của tôi về làng tôi. Bài thơ khẳng định căn cước văn hóa của tâm hồn tôi, nguồn cội tôi và tình yêu của tôi. Có lẽ sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng chút nào đó là từ những nguyên nhân đó.
Trong rất nhiều bài viết của mình, quê ông - “làng Chùa” thường được ông nhắc đến, nhiều người đều có chung cảm nghĩ rằng, những điều ông viết đã vượt qua làng Chùa cụ thể, đó đây là hình bóng của giếng nước, cây đa, mái đình…, nó như là một khát vọng vô bờ để nhập vào cội nguồn, điều mà với bất cứ ai là người dân nước Việt đều được coi như “nếp hằn trong tiềm thức”. Phải chăng đó là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nó đơn giản, thiết thực và rất máu thịt với mỗi chúng ta?
Tôi không thể rời xa ngôi làng đó cho dù đến ngày nào đó những hình ảnh kia thay đổi. Sau mỗi chuyến đi đến một nước nào đó trên thế giới, tôi lại trở về và đi dọc làng tôi. Đi để hiểu thêm làng một chút nữa. Càng đi xa làng thì càng muốn trở về làng. Cuộc sống làng quê đã nhiều thay đổi và tiếp tục thay đổi.
Nhưng cái chúng ta mang theo không thay đổi là hồn cốt nơi ta sinh ra lớn lên, nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta đời đời ở đó. Để giữ gìn bản sắc dân tộc, người ta phải sống với tinh thần của nó trong cuộc sống ngày ngày chứ không hẳn là hình thức.
Thế giới đã bước sang một chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Con người đã sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách và ranh giới và hòa trộn rất nhiều sự khác biệt của các quốc gia vào một khối thống nhất.
Điều đó tạo cho con người sự hiểu biết sâu sắc hơn, mối quan hệ rộng lớn hơn và sự công bằng hơn cho xã hội loài người. Nhưng nó lại chứa ẩn một nguy cơ mà con người bắt đầu cảm thấy lo sợ. Đó là nguy cơ biên giới của các nền văn hóa sẽ bị xóa nhòa. Khi một nền văn hóa bị xóa nhòa nghĩa là cái chết của một nền văn hóa đã xuất hiện.
Quote: Khi một nền văn hóa bị xóa nhòa nghĩa là cái chết của một nền văn hóa đã xuất hiện. - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Ông là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, dịch giả với 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch đã được xuất bản, mới đây, mặc dù rất khiêm tốn khi nói rằng “chỉ đi ngang qua cánh đồng hội họa”, nhưng ông cũng rất nổi tiếng khi tiến hành triển lãm các tác phẩm hội họa của mình. Chính vì vậy, thực rất băn khoăn khi tiến hành cuộc trò chuyện với ông, khi chúng tôi không biết gọi ông là “nhà” gì, nhưng câu hỏi cuối cùng xin được hỏi ông với tư cách là nhà quản lý trong vị trí là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định một lần nữa sự hệ trọng của văn hóa và tính cấp bách phải xây dựng một nền văn hóa mới, con người mới. Chưa bao giờ văn hóa được đặt cao như bây giờ.
Người làng Chùa của tôi nói: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Chữ ở đây chính là văn hóa. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng: văn hóa không phải là sự bất động mà chuyển động không ngừng để cộng thêm vào nó những vẻ đẹp mới phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Nhà thơ danh tiếng Charles Simic, Giải Pulitzer viết: “Thế giới sẽ lụi tàn nếu con người không biết cúi xuống bế trẻ con lên’’. Bởi thế, một trong những chiến lược quan trọng nhất để phát triển đất nước là tạo ra những thế hệ người Việt có trí tuệ và mang tâm hồn của nền văn hóa Việt.
Việc gieo vào lòng những đứa trẻ mang dòng máu Việt những vẻ đẹp văn hóa Việt là điều sống còn.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều với các nhà văn châu Phi. |
Có lần phát biểu về những vấn đề của văn học thiếu nhi, có ý kiến cho rằng, sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài rất nhiều và rất hay. Sách thiếu nhi nước ngoài có thể nói chiếm khoảng 60 đến 70% số sách có trong nhiều gia đình hiện nay.
Đấy là một sự thật nhưng đấy cũng chứa đựng một nguy cơ mà bây giờ không nhiều người cảm thấy. Đó là một đứa trẻ Việt phải lớn lên trong tinh thần văn hóa Việt. Khi thấu hiểu được điều đó, chúng ta mới tạo dựng được căn cước văn hóa Việt cho những công dân Việt trong tương lai.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trò chuyện với nhà báo Ngọc Doanh, báo Đầu tư. |