TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chúc mừng các đơn vị tư vấn M&A tiêu biểu 2013-2014

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chúc mừng các đơn vị tư vấn M&A tiêu biểu 2013-2014

Nhà tư vấn tiêu biểu dự liệu về thị trường M&A

(ĐTCK) 4 công ty chứng khoán gồm MBS, Bản Việt, Bảo Việt và VPBS đã được Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 - sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và AVM tổ chức - bình chọn và vinh danh nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2014 cùng 6 công ty luật hàng đầu Việt Nam. ĐTCK có cuộc trao đổi với đại diện một số DN.

“Thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 sẽ tăng trưởng 20-30%/năm”

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)

Nhà tư vấn tiêu biểu dự liệu về thị trường M&A ảnh 1
Xu hướng M&A tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng 20-30%/năm do nhiều yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất, sau một thời gian phát triển, mô hình kinh doanh của nhiều DN đã bộc lộ những điểm yếu, hoặc không còn phù hợp với tốc độ, xu hướng phát triển của thị trường.

Do đó, việc tái cấu trúc mô hình là cần thiết để đảm bảo hoạt động và phát triển bền vững. Đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư ngành tham gia vào các công ty. Bên cạnh đó, Nhà nước đang tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc các DNNN thông qua việc mua bán, sắp xếp lại và đặc biệt là cổ phần hóa DNNN. Danh sách và lộ trình thực hiện cổ phần hóa cho các DNNN, nhất là những công ty lớn đã được công bố cũng là một yếu tố thuận lợi cho khả năng bùng nổ về M&A tại Việt Nam.

Ngoài ra, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều DN có nhu cầu vốn để phát triển thông qua kênh phát hành riêng lẻ. Trong số này, những DN tốt sẽ rất thuận lợi trong việc tìm đối tác chiến lược tham gia đợt phát hành.

Theo nhận định của MBS, xu hướng M&A thời gian tới sẽ tập trung vào các ngành nghề như hàng thực phẩm, tiêu dùng, bất động sản, tài chính - ngân hàng…

Về phía DN, để đảm bảo cho một thương vụ M&A thành công, các chủ DN cần lưu ý mấy điểm trọng yếu sau.

Thứ nhất là quản trị DN. Một DN hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư là DN có hệ thống quản lý chặt chẽ với tầm nhìn rõ ràng cho sự phát triển của DN trong tương lai. Đi kèm với một hệ thống quản lý tốt là hệ thống kế toán, tài chính minh bạch và rõ ràng, phản ánh đúng sức khỏe tài chính của DN.

Thứ hai là vị thế sẵn có của DN. DN có thương hiệu và lợi thế về thị phần, về sản phẩm... sẽ có lợi thế trong việc thu hút nhà đầu tư, đặc biệt đối với nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Thứ ba là khả năng hiểu rõ giá trị thực của DN. Thực tế, vấn đề định giá DN luôn luôn là điểm cân não giữa nhà đầu tư và DN trên bàn đàm phán, nhằm đạt được sự đồng thuận giữa người mua và người bán. Do vậy, trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu DN sẽ cần đến nhà tư vấn chuyên nghiệp để xác định rõ giá trị DN của mình và cùng với nhà tư vấn thuyết phục người mua trong quá trình đàm phán.

“Làn sóng M&A trên 10 tỷ USD phải mất 3-4 năm nữa”

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư  CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chính phủ lên kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong hai năm 2014-2015 là cơ hội lớn để đón làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, làn sóng M&A kỳ vọng vào con số trên 10 tỷ USD, theo tôi, phải mất 3-4 năm nữa và việc kỳ vọng cuối năm 2015 sẽ cổ phần hóa hết 432 DNNN trên là không đơn giản. Dù vậy, đây cũng là thời điểm thuận lợi để các công ty tư vấn làm việc với các bên bán trong nước để hiểu nhu cầu của DN và tìm kiếm các cơ hội kết nối. Với bên mua, nhiều chủ thể có sự quan tâm từ trước, nhưng để tham gia thì tùy thuộc vào mỗi DNNN có chấp nhận thay đổi hay không.

Cái khó đối với những DNNN dù lớn, tiềm năng tăng trưởng tốt, nhưng vẫn chưa thu hút NĐT bởi tư duy nhà nước vẫn chưa thay đổi. Chẳng hạn, về tỷ lệ sở hữu, thông thường NĐT nước ngoài muốn tham gia sâu, có quyền lực thực sự trong công ty để thay đổi tận gốc việc quản trị, điều hành DN, nhưng tại Việt Nam, Nhà nước vẫn nắm cổ phần đa số tại nhiều DN.

Ngoài ra, NĐT nước ngoài khi đầu tư, họ thường hợp tác với đối tác có tiêu chuẩn quốc tế bởi họ không thể áp dụng toàn bộ công cụ quốc tế vào Việt Nam. Đây cũng là vấn đề thách thức để các thương vụ M&A lớn thành công.

Thực tế trong quá trình tư vấn cho nhiều DN Việt Nam của VPBS cho thấy, vấn đề minh bạch trong quản trị DN, minh bạch tài chính và định giá là những yếu tố NĐT nước ngoài rất quan tâm. Nhiều thương vụ bất thành vì không đáp ứng được  tiêu chuẩn ở những yếu tố trên.

Theo đó, để thành công, các DN cần thực hiện nhất quán toàn bộ quá trình xúc tiến, từ quá trình trao đổi thông tin, định giá, đến đàm phán đều minh bạch, rõ ràng. Ngay từ đầu, DN cần làm rõ những yêu cầu, chuẩn mực về quản trị DN từ đó mới có giải pháp xử lý. Nếu những vấn đề này được xử lý hài hòa theo thông lệ quốc tế thì chắc chắn, NĐT nước ngoài sẽ tham gia mạnh mẽ hơn.

BVSC được bình chọn lànhà tư vấn CPH tiêu biểu 2013-2014

Làm thế nào để làn sóng M&A mang giá trị thật cao hơn?

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư CTCK Bảo Việt (BVSC)

Số lượng hay giá trị thương vụ M&A là bao nhiêu, không phải là thông tin cần quá chú ý, bởi những thống kê này không phản ánh hết tính chất “ẩn sâu” bên trong. Chẳng hạn, 2 DN cùng hệ thống, đều là DN lớn thực hiện M&A với nhau tạo ra một DN lớn hơn thì coi đó là một thương M&A thành công với giá trị lớn là không đúng.

Từ năm 2010 đến năm 2013, hoạt động M&A tại Việt Nam tăng mạnh, bao gồm cả trường hợp NĐT nước ngoài tham gia góp vốn là đối tác chiến lược. Đến nay, hoạt động này có phần suy giảm bởi 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, một số thương vụ chưa đi đến hồi kết do NĐT đang trong quá trình tìm hiểu có chiều sâu, nhằm hiểu rõ bản chất DN, từ đó rút ra những “điểm” cần làm khi đầu tư vào DN.

Thứ hai, những công ty đạt được điều kiện về hiệu quả hoạt động đã “lộ dạng”, còn lại những công ty không đạt được kỳ vọng của NĐT, chẳng hạn thỏa thuận có giá trị nhỏ cũng sẽ không được quan tâm.

Vì sao gọi làn sóng thứ hai? Bởi sau quá trình M&A mạnh mẽ những năm trước, NĐT cần chiêm nghiệm lại những gì công ty đã đạt được từ khi NĐT chiến lược tham gia. Bên cạnh đó, NĐT cũng đang chờ đợi những DN tốt hơn sắp được CPH hoặc bán bớt vốn Nhà nước như Vinatex, Mobifone, PV Gas…, nhưng cơ hội để thành công trong giao dịch là không dễ.

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến tỷ lệ được mua và định giá, nhưng đây lại là điều hay bị tắc nghẽn ở các DN lớn Việt Nam. Trước đây, làn sóng M&A ồ ạt nên có trường hợp các đối tác tranh giành nhau đầu tư vào một DN.

Hiện tại, NĐT đã có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kỹ thương vụ phù hợp. Từ đó kỳ vọng một làn sóng M&A trong tương lai sẽ mang giá trị thật sự hơn.

Diễn đàn M&A còn là nơi các DN tự giới thiệu, kết nối các cơ hội đầu tư 

Để cổ phần hóa DNNN thành công, mức giá là một yếu tố quan trọng, nhưng không mang tính chất quyết định. Quan trọng hơn vẫn là phương pháp định giá dựa trên cơ sở nào. Chẳng hạn, dựa vào kết quả kinh doanh thì một NĐT chiến lược luôn có hướng nhìn khác, bản thân họ có thể giúp DN gia tăng giá trị lên gấp đôi. Đó mới là vấn đề để họ xem xét có đầu tư hay không.

Cùng với 4 CTCK nói trên, Diễn đàn M&A 2014 cũng vinh danh 6 công ty luật tư vấn M&A tiêu biểu gồm

-Công ty Vilaf Hồng Đức

-LNT & Partners;

-Baker & Mc Kenzie;

-LCT Partner;

-MayerBrown;

-Leadco.

Tất cả 6 công ty luật trên đều có tổng giá trị thương vụ tối thiểu 50 triệu USD trong năm và đều xếp hạng công ty luật hàng đầu của Việt Nam theo đánh giá của quốc tế.

Tin bài liên quan