Nhà nước, doanh nghiệp cần chung tay mở rộng thị trường

Nhà nước, doanh nghiệp cần chung tay mở rộng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của ông Trần Thiên Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán APG về giải pháp cải thiện khả năng “tiêu hóa” vốn của doanh nghiệp.

Để phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ đang đốc thúc nới lỏng thêm chính sách tài khóa và tiền tệ. Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông bình luận gì về định hướng điều hành này?

Đó là định hướng chính sách hợp lý trong bối cảnh không chỉ Việt Nam, mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đang thúc đẩy nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, để việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ đi đúng đích, đạt hiệu quả thì cần “thăm khám” thật kỹ “căn bệnh” của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp để có “thuốc” trị hữu hiệu.

Vậy theo ông, để việc bơm thêm vốn vào nền kinh tế hiệu quả, vấn đề mấu chốt cần phải xử lý nằm ở đâu?

Chính phủ đang thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng giải ngân đầu tư công chậm chạp nhằm bơm thêm vốn vào nền kinh tế, qua đó gia tăng dư địa cho tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công không chỉ nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, thiếu sự chỉ đạo rốt ráo của các bộ, ngành, địa phương, mà còn ở hệ thống cơ chế triển khai các dự án từ khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, đến đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, giải ngân, quyết toán… Càng những dự án lớn thì quy trình, thủ tục càng phức tạp và thời gian thực hiện kéo dài.

Bởi vậy, muốn tạo cú đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, các cơ quan quản lý cần rà soát thật kỹ lưỡng để quyết liệt đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư công.

Để đáp ứng tính chất “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, đáng lý một cấu phần trong trình tự triển khai dự án cần phải đợi 1 tháng để thẩm định thì nay nên rút xuống còn 5 ngày, hay những việc phải đợi 1 tuần để thẩm định, phê duyệt thì phải rút xuống còn 1 ngày.

Việc rút ngắn thời gian và thủ tục triển khai dự án phải được quy định cụ thể, chi tiết, để tránh tâm lý đang bao trùm không ít cơ quan quản lý, doanh nghiệp hiện nay là sợ làm sai do cơ chế không rõ, dẫn đến rủi ro bị truy cứu trách nhiệm.

Nếu vấn đề mấu chốt này không được làm triệt để, mà chỉ dừng lại ở hô hào, động viên, khích lệ, thì sẽ khó tạo ra bước đột phá trong cải thiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Với doanh nghiệp, theo ông, đâu là tâm điểm cần triển khai để tiếp sức cho họ cải thiện khả năng hấp thụ vốn, qua đó có đóng góp cao hơn cho tăng trưởng kinh tế?

Doanh nghiệp làm sao dám tiêu nhiều tiền để mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất một khi sản phẩm, dịch vụ làm ra không ai mua?

Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là thị trường bị thu hẹp nhiều do sức cầu của thị trường suy giảm mạnh.

Đơn cử như lĩnh vực du lịch, việc vắng bóng hoàn toàn du khách quốc tế khiến cho ngay cả khi lượng khách nội địa đang tăng cao, nhưng lợi nhuận mang lại cho các doanh nghiệp vẫn sụt giảm mạnh.

Nguyên nhân là do để kích cầu từ thị trường nội địa, các doanh nghiệp du lịch đã phải giảm giá sản phẩm, dịch vụ rất mạnh.

Mặt khác, mặt bằng chi tiêu của khách quốc tế thường cao hơn nhiều so với khách nội địa, nên việc không có khách quốc tế khiến doanh số của các doanh nghiệp du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Đây cũng là tình cảnh chung với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Do vậy, tâm điểm để cải thiện khả năng “tiêu hóa” vốn của doanh nghiệp nhanh hơn, mạnh hơn là cả nhà nước lẫn doanh nghiệp cần chung tay tìm kiếm và mở rộng thị trường, khơi thông sức cầu không chỉ ở thị trường nội địa mà cả quốc tế.

Việc mở cửa thông thương với nước ngoài một mặt cần thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng cần tính toán mở cửa với liều lượng hợp lý đối với các nền kinh tế đạt được sự bền vững trong kiểm soát dịch bệnh.

Một khi sức mua của thị trường gia tăng, thì đó là tín hiệu để doanh nghiệp mạnh tay trong đầu tư khôi phục cũng như mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Còn nếu không họ sẽ thiên về phòng thủ để giảm thiểu rủi ro. Khi đó, dù có thêm dòng tiền bơm vào nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, thì các công ty sẽ còn dè dặt trong vay thêm vốn để đầu tư, kinh doanh.

Tin bài liên quan