Thống kê giao dịch chứng khoán phái sinh trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) trên thị trường chứng khoán phái sinh chiếm từ 1 - 2%, thì tháng 4 và 5 chiếm lần lượt 6,84% và 7,66%.
Trong tháng 5, bình quân mỗi phiên có gần 84.700 hợp đồng tương lai trị giá 7.451 tỷ đồng được giao dịch, tăng 4,9% về khối lượng và tăng 6,1% về giá trị so với tháng 4. Với tỷ trọng giao dịch 7,66%, ước tính, khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức trong nước đạt bình quân gần 6.500 hợp đồng/phiên, trị giá 577,6 tỷ đồng/phiên, tăng 17,5% về khối lượng và tăng 18,8% về giá trị so với tháng 4. So tháng 5 với tháng 3 và tháng 1, giá trị giao dịch của khối nhà đầu tư này lần lượt gấp 2,4 lần và hơn 6 lần.
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán cho rằng, thời gian gần đây, các nhà đầu tư lớn tăng cường sử dụng công cụ phái sinh để phòng hộ rủi ro cho danh mục cổ phiếu cơ sở, đồng thời tăng “lướt sóng” trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, tỷ trọng tham gia của khối nhà đầu tư tổ chức vẫn quá nhỏ so với nhà đầu tư cá nhân.
Theo vị trưởng phòng phân tích trên, diễn biến trên thị trường phái sinh rất khó lường. Ðó là lý do khiến công ty chưa thực hiện tự doanh, dù có nghiệp vụ này. Gần đây, sàn phái sinh thường xuyên có biến động bất ngờ, chỉ số VN30 nhiều lúc lên xuống 1 điểm, thay vì vài ba “lai” (1 lai là 1/10 điểm) như trước, khiến giá phái sinh biến động mạnh theo, nếu nhà đầu tư không vững tâm lý thì rất dễ rơi vào tình trạng mua cao - bán thấp, bán thấp - mua cao.
Ðặc biệt, mức giá đóng cửa đôi khi tăng vọt hoặc giảm mạnh. Chẳng hạn, trong hai phiên cuối tuần qua, giá hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng từ mức thấp nhất phiên vọt lên gần cao nhất phiên khi đóng cửa, phiên sau đó đóng cửa ở mức thấp nhất phiên; mức chênh lệch so với chỉ số cơ sở từ dương chuyển sang âm.
Mặt khác, công ty e ngại nhà đầu tư cho rằng, vừa tư vấn đầu tư, vừa tự doanh sẽ có sự xung đột lợi ích, đối đầu giữa công ty và nhà đầu tư. Ngoài ra, công ty có bộ phận phân tích giỏi, nhưng chưa chắc sẽ mang lại lợi nhuận từ tự doanh chứng khoán phái sinh.
“Báo cáo hàng ngày của một chuyên viên phân tích kỹ thuật được nhà đầu tư đánh giá cao, nhưng khi vị chuyên viên này bỏ tiền túi ra đầu tư chứng khoán phái sinh thì kết quả lại thua lỗ. Ðứng ngoài thị trường nhận định sẽ chính xác hơn, chứ đồng tiền liền khúc ruột, ai mà không hoảng khi thấy giá biến động bất ngờ ngược dự báo, dẫn đến quyết định giao dịch thiếu hợp lý”, vị trưởng phòng phân tích chia sẻ.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong thời gian gần đây là khối lượng hợp đồng mở (OI), tức khối lượng hợp đồng lưu hành tại thời điểm cuối phiên, chưa được thanh lý hoặc chưa được tất toán,
tăng cao.
Cụ thể, tháng 3, khối lượng OI cuối mỗi phiên trung bình gần 20.800 hợp đồng, chiếm 16,5% khối lượng giao dịch. OI trung bình trong tháng 4 và 5 lần lượt là 25.570 hợp đồng và 30.960 hợp đồng, chiếm tỷ lệ 31,7% và 36,5% khối lượng giao dịch.
Theo lý thuyết, OI được coi là thước đo dòng tiền chảy vào thị trường phái sinh, OI tăng cho thấy nguồn tiền mới được thêm vào thị trường và ngược lại. Ngoài ra, OI tăng báo hiệu thị trường tăng điểm, OI giảm báo hiệu thị trường giảm điểm.
“Dòng tiền chảy vào thị trường tăng lên, nhưng không hẳn giá sẽ tăng, bởi OI là tổng số lượng hợp đồng của người mua, cũng là tổng số lượng hợp đồng của người bán. Bên mua kỳ vọng giá tăng thì bên bán dự báo giá giảm. Không dễ kiếm tiền trên sàn phái sinh. Tôi dự định chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán đang miễn phí giao dịch nhằm tiết kiệm chi phí”, một nhà đầu tư tại công ty chứng khoán có mức phí môi giới 6.000 đồng/hợp đồng nói.
Năm 2018, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) có khoản lãi không nhỏ từ hoạt động tự doanh. Phí môi giới chứng khoán phái sinh và tự doanh ở thị trường phái sinh đóng góp khoảng 100 tỷ đồng doanh thu cho Công ty, trong đó tự doanh chứng khoán phái sinh đóng góp 45 tỷ đồng. Số tiền gửi ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh thời điểm cuối năm 2018 của HSC là 102,2 tỷ đồng (cuối năm 2017 là 91,8 tỷ đồng).
Tuy nhiên, thời điểm cuối quý I/2019, tiền gửi ký quỹ giao dịch chứng khoán phái sinh của HSC chỉ hơn 500 triệu đồng. Báo cáo tài chính quý I/2019 của nhiều công ty chứng khoán khác không cho thấy hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh trong kỳ.