Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ

Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013 khai mạc sáng nay là dịp để 6 phòng thương mại đại diện cho doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi trực tiếp với Chính phủ về chính sách cấp cao.

> 3 nhóm kiến nghị “nóng” gửi VBF

> VBF giữa kỳ 2013: hành động vì cải cách kinh tế

Đây là điểm mới của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm nay, bên cạnh báo cáo của nhóm công tác như thường lệ, theo đồng Chủ tịch VBF Alain Cany. VBF khai mạc hôm nay là một hoạt động trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG giữa kỳ 2013).

 

VBF năm nay sẽ bổ sung 2 nhóm công tác mới là Hải quan và Quản trị thông tin và Minh bạch.

 

"Nhóm công tác Hải quan được lập với mục đích tạo sự đối thoại nhiều hơn giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp về những công việc hàng ngày ảnh hưởng. Trong khi đó, nhóm công tác Quản trị thông tin và Minh bạch thể hiện mong muốn lớn hơn của tư nhân trong việc chống tham nhũng, minh bạch", ông Alain Cany phát biểu.

 

Nhà đầu tư nước ngoài chất vấn trực tiếp Chính phủ ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp nước ngoài sẽ chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Nhật Minh

 

Tại báo cáo cảm nhận về nền kinh tế Việt Nam, ông Alain Cany cho rằng, Chính phủ vừa qua đã có những tiến bộ lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô như giảm lạm phát, hạ lãi suất, ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, vẫn còn "điểm tối" là phần lớn doanh nghiệp chật vật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Trong hoàn cảnh này, VBF giữa kỳ 2013 lấy chủ đề Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: "Từ chương trình tới hành động". Theo đại diện đơn vị tổ chức, đây thể hiện niềm tin của giới doanh nghiệp rằng giờ là thời điểm Việt Nam chuyển từ chương trình nghị sự sang hành động cụ thể, quyết liệt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 

Giống như các năm trước, báo cáo được nhà đầu tư quan tâm nhất tại VBF vẫn là về ngân hàng và thị trường vốn. Ông Alain Cany cho biết, báo cáo về ngân hàng sẽ tập trung nhận xét các thương vụ hợp nhất sáp nhập gần đây, quá trình xử lý nợ xấu.

 

Liên quan đến Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ông Alain tỏ quan điểm "đáng tiếc" khi thời gian thực thi bị hoãn lại 1 năm, bởi nếu thực hiện đây sẽ văn bản giúp các ngân hàng Việt Nam có định nghĩa đầy đủ hơn về nợ xấu và trích lập dự phòng theo chuẩn quốc tế. Bởi vậy, nhóm công tác khuyến nghị các ngân hàng không nên chờ đợi Thông tư mà phải tiến hành tuân thủ tự nguyện.

 

Đồng tính với ý kiến của ông Cany, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho biết, các ngân hàng nên thực hiện Thông tư 02 trước khi chính thức có hiệu lực. "Điều này có lợi cho ngân hàng vì đơn vị nào công khai sớm nợ xấu và trích lập dự phòng thì sẽ tạo được lòng tin với người dân và nhà đầu tư", ông nhận xét.

 

Liên quan đến việc Chính phủ phê chuẩn việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC), Chủ tịch VBF khẳng định điều này sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được nợ xấu, song cần biết cụ thể hơn hoạt động của công ty này, tiến trình trong việc giúp ngân hàng dọn dẹp nợ xấu.

 

Một điểm cũng được nhóm công tác ngân hàng bàn tới là yêu cầu Chính phủ đề ra lộ trình rõ ràng để gia tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn. "Việc khống chế trần khiến đối tác chiến lược khó đưa ra những đóng góp với ngân hàng trong nước và đề xuất những cải cách cụ thể".

 

Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà thu nhập thấp, lãnh đạo VBF nhận định "đây là tín hiệu rất tích cực" trong việc cho phép tiếp cận vốn làm nhà ở xã hội, xử lý hàng tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, vị này khuyến nghị cần tăng thời gian vay vốn ưu đãi từ 10 năm lên 20 năm để có thêm nhiều đối tượng được tiếp cận với chương trình.

 

Trong khi đó, báo cáo của Nhóm công tác thị trường vốn lại tập trung nhận xét tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Theo đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), Việt Nam chưa triển khai triệt để quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, khi mà mức dư nợ của các doanh nghiệp Nhà nước lên đến khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó có tới 20 - 30% là nợ khó đòi.

 

Cơ quan này đề nghị tiếp tục xúc tiến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với những biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập.

 

Ngoài ra, nhóm công tác muốn Chính phủ làm rõ hơn vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), yêu cầu đơn vị này phải tuân thủ những quy định về công bố thông tin.

 

Bình luận cho vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cũng tán đồng quan điểm Chính phủ nên thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải trọng yếu như khách sạn, ngân hàng để tập trung vốn cho dự án cơ sở hạ tầng, điện.

 

"Dư địa chính sách tài chính của nhà nước sẽ rất lớn nếu rút vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh không phải là cốt lõi để chuyển sang đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, chứ không chỉ có tăng chi ngân sách", ông nhấn mạnh.

 

Ngoài các báo cáo trên, đại diện các nhóm công tác về Đầu tư và Thương mại, Du lịch, Khoáng sản, Ôtô xe máy cũng sẽ trình bày những cảm nhận và khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam...

 

Diễn đàn sẽ chính thức khai mạc vào sáng mai 3/6, trùng với thời điểm họp Quốc hội. "Những đề xuất mà VBF đưa ra cũng là những vấn đề Chính phủ đang thảo luận như tình hình kinh tế hiện nay, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí tiếp thị, quảng cáo cho doanh nghiệp", ông Lộc cho biết.