Trong hai mùa tham gia Shark Tank, Shark Nguyễn Ngọc Thủy đưa ra đề nghị đầu tư vào 9 công ty trên sóng truyền hình, đến nay đã có tới 8 công ty được rót vốn với tổng số tiền đầu tư hơn 74 tỷ đồng.
Nổi bật là Startup Soya Garden, sau 2 năm lên sóng Shark Tank, Soya Garden khai trương cửa hàng thứ 31 trong hệ thống 100 cửa hàng, dự kiến sau 3 năm sẽ đạt 300 cửa hàng. Như vậy, tính từ khi Shark Thủy đầu tư, Soya tăng trưởng 1.550% về số lượng cửa hàng(từ 2 cửa hàng lên 31 cửa hàng) trên phạm vi toàn quốc.
Lý giải về con số kỷ lục này, Shark Thủy cho biết: “Khởi nghiệp đang được xem là quốc sách để đưa quốc gia đến con đường thịnh vượng. Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, cho khởi nghiệp, cho những ai đang nuôi giấc mơ kinh doanh. Với niềm tin ấy, tôi cược vào tiềm năng khát vọng của các startup trẻ, nhưng khát vọng cũng cần được nuôi dưỡng. Bên cạnh việc tôn vinh những thành công, cũng cần bao dung và chấp nhận thất bại. Ngay cả những nước phát triển tỷ lệ Khởi nghiệp thành công cũng dưới 10%, nhưng giá trị thành công mang lại sẽ gấp nhiều lần cái giá phải trả”.
So với mùa đầu tiên, quá trình thẩm định tại Shark Tank mùa 2 đã diễn ra nhanh chóng hơn. Ban tổ chức chương trình cho biết, có những thương vụ từ lúc thẩm định đến ký kết, giải ngân chỉ trong vòng 100 ngày, điển hình là thương vụ ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Intracom Group đầu tư vào Công ty CDTS, hay ông Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc SAM rót vốn vào Công ty Gạo hữu cơ Hoa Nắng.
Trong số 27 startup được cam kết đầu tư trong mùa 2, có 11 thương vụ đã nhận được giải ngân từ các nhà đầu tư, bao gồm: Power Centric, ShoeX, CDTS, Hoa Nắng, Jobsgo, Viral Works, Dota, We Escape, Talks café 100% English, Nhà hàng chay Pema và Bống chè Bưởi.
Bên cạnh đó, chương trình có thương vụ 1 triệu USD của Shark Phạm Thanh Hưng đầu tư vào Power Centric với sản phẩm pin tích điện từ năng lượng mặt trời MOPO được ghi nhận là có “deal-size” lớn nhất mùa 2.
Shark Hưng cho biết: “Trong quá trình thẩm định, điều mà tôi ấn tượng chính là ở con người Minh, cậu ấy có hoàn cảnh khá đặc biệt, nên rất độc lập và kiên trì, quyết đoán trong cuộc sống cũng như công việc. Ngoài ra, khi xem xét kỹ về các dòng sản phẩm và cơ cấu doanh thu tôi rất hài lòng".
Ông cũng nhận thấy Power Centric phát triển rất nhanh, trong thời gian ngắn đã hoàn thiện sản phẩm cốt lõi là Pin tích năng (Lithium-ion), nhưng các sản phẩm ứng dụng như xe điện Xyndi, tấm thu năng lượng mặt trời (Solar), phụ kiện như các trạm sạc công suất và dung lượng lớn và cả App trên điện thoại di động để người dùng kiểm soát tình trạng pin, và có thể tìm ra điểm sạc/đổi gần nhất trên công nghệ GPS.
"Tôi thật sự ấn tượng bởi một lĩnh vực rất tiềm năng có quy mô nhiều tỷ USD này”, Shark Hưng nhấn mạnh.
Kế hoạch tiếp theo của MOPO và Shark Hưng là đưa ra các sản phẩm và giải pháp năng lượng xanh hướng tới cá nhân và hộ gia đình.