Sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp do lo ngại về cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ với đồng Lira của nước này lao dốc có thể lan rộng ra thị trường khác, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố. Ngoài ra, đà lao dốc của đồng Lira cũng đã chững lại, giúp nhà đầu tư bớt đi phần nào lo lắng.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones tăng 112,22 điểm (+0,45%), lên 25.299,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,03 điểm (+0,64%), lên 2.839,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,19 điểm (+0,65%), lên 7.870,89 điểm.
Tương tự, đà lao dốc của chứng khoán châu Âu cũng đã được hãm lại trong phiên thứ Ba nhờ đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ hãm đà rơi. Ngoài ra, đà tăng trưởng nửa đầu năm của Đức tốt hơn dự báo cũng hỗ trợ tích cực cho chứng khoán châu Âu, bù đắp phần nào những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 30,81 điểm (-0,40%), xuống 7.611,64 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 0,13 điểm (+0,00%), lên 12.358,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,91 điểm (-0,16%), xuống 5.403,41 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên bị bán tháo trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu xuất khẩu được nhà đầu tư mua bắt đáy khi đà tăng của đồng yên chững lại. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ khi dữ liệu vừa công bố cho thấy dấu hiệu chững lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đại lục cũng kéo chứng khoán Hồng Kông giảm theo trong phiên thứ Ba và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ ở mức 5,5%, mức chậm nhất trong gần 20 năm. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc cũng giảm nhẹ trong tháng 7.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 498,65 điểm (+2,28%), lên 22.356,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 183,64 điểm (-0,66%), xuống 27.752,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,91 điểm (-0,18%), xuống 2.780,96 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi xuống mức thấp nhất 1,5 năm, giá vàng giao dịch lình xình và đóng cửa tăng nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba bất chấp đồng USD tiếp tục tăng, lên mức cao nhất 14 tháng.
Kết thúc phiên 14/8, giá vàng giao ngay tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.193,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 1,8 USD/ounce (+0,15%), lên 1.200,7 USD/ounce.
Việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đồng USD tăng mạnh khiến giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba, nhưng mức giảm không mạnh và giá dầu thô Mỹ vẫn giao dịch trên ngưỡng 67 USD/thùng.
Kết thúc phiên 14/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,16 USD (-0,24%), xuống 67,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,21%), xuống 72,46 USD/thùng.