Nhà đầu tư lấy lại niềm tin

Nhà đầu tư lấy lại niềm tin

(ĐTCK) Sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp do lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất nhanh trong năm nay, tâm lý của nhà đầu tư đã được giải tỏa phần nào trong phiên thứ Năm.

Sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp do giới đầu tư lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn trong năm 2018 sau khi biên bản cuộc họp trước đó được công bố cho thấy, các quan chức của Fed đã tự tin hơn trong việc tăng lãi suất, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng.

Nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng 0,59% bắt nguồn từ kết quả kinh doanh khả quan của Quanta Services, cùng sự hỗ trợ của United Technologies Corp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu năng lượng còn tăng tốt hơn 1,08% khi giá dầu tăng vọt khi bất ngờ nhận được thông tin hỗ trợ từ dữ liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ.

Ngoài ra, tâm lý lo lắng về việc Fed tăng lãi suất mạnh trong năm nay cũng được gỡ bỏ phần nào khi Chủ tịch Fed St. Louis, ông James Bullard cho rằng, các nhà điều hành cần cẩn trọng, không nên tăng lãi suất quá nhanh, vì nó có thể làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế. Sau phát biểu này, lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm trở lại sau khi leo lên mức cao nhất 4 năm trong phiên thứ Tư.

Về thông tin kinh tế, theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 45 năm, cho thấy triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall bị hãm bớt phần nào về cuối phiên khi nỗi lo vẫn còn và ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ, thậm chí Nasdaq còn trở lại dưới mức tham chiếu, đánh dầu phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones tăng 164,70 điểm (+0,66%), lên 24.962,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,63 điểm (+0,10%), lên 2.703,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,14 điểm (-0,11%), xuống 7.210,09 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm do niềm tin kinh doanh của Đức sụt giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 2 và Anh điều chỉnh giảm trong tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, phiên sụt giảm trước đó của phố Wall, cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất 4 năm trong phiên thứ Tư cũng khiến giới đầu tư trên thị trường châu Âu lo lắng.

Tuy nhiên, đà giảm sau đó cũng được hãm lại vào cuối phiên khi phố Wall hồi phục và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trở lại.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 29,18 điểm (-0,40%), xuống 7.252,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,58 điểm (-0,07%), xuống 12.461,91 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,06 điểm (+0,13%), lên 5.309,23 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà giảm điểm mạnh vào cuối phiên của phố Wall trong phiên tối trước đó đã khiến chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông điều chỉnh mạnh trở lại trong phiên thứ Năm sau phiên hồi phục hôm thứ Tư. Trong khi đó, ngay khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, chứng khoán Trung Quốc đã tăng vọt với mức tăng tốt nhất 18 tháng khi giới đầu tư ồ ạt bơm tiền vào chứng khoán.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 234,37 điểm (-1,07%), xuống 21.736,44  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 466,21 điểm (-1,48%), xuống 30.965,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 69,40 điểm (+2,17%), lên 3.268,56 điểm.

Tương tự chứng khoán, giá vàng cũng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó nhờ đồng USD điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh từ cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 22/2, giá vàng giao ngay tăng 7,4 USD/ounce (+0,56%), lên 1.331,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 0,6 USD/ounce (+0,05%), lên 1.332,7 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần do đồng USD điều chỉnh và kho dự trữ dầu thô tuần trước của Mỹ bất ngờ giảm.

Kết thúc phiên 22/2, giá dầu thô Mỹ tăng 1,09 USD (+1,74%), lên 62,77 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,97 USD (+1,46%), lên 66,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan