Ðắt nên bỏ ý muốn đầu tư
Theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 11/2019, giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm 5,34% so với tháng trước.
Ngay cả phiên có khối lượng giao dịch cao nhất cũng chỉ đạt 96.114 hợp đồng (ngày 25/11/2019), giảm 4,8% so với phiên đạt khối lượng cao nhất của tháng trước.
Ðáng chú ý, trong tháng 11/2019 khối lượng mở (OI) giảm khá mạnh, tới 14,52% so với tháng 10, dù cao nhất trong tháng là 17.643 hợp đồng. So với khối lượng OI cao nhất của tháng 10 thì OI cao nhất của tháng 11 giảm 38,3%.
Trong bối cảnh đó, tuy khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 11 tiếp tục tăng, gấp 1,4 lần so với tháng 10, khi đạt 31.189 hợp đồng, nhưng vẫn chiếm lệ rất khiêm tốn là 1,22% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Khi lý giải nguyên nhân thanh khoản thị trường phái sinh gần đây giảm cũng như tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này còn rất hạn chế, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, trong quá trình cung cấp dịch vụ, cũng như qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông ghi nhận sự than phiền của một số nhà đầu tư nước ngoài về chi phí giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đắt đỏ.
Theo đó, thay vì hiện thực hóa mong muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, họ đã từ bỏ ý định này.
Ðây là điều đáng tiếc với một thị trường chứng khoán phái sinh còn non trẻ như Việt Nam, lẽ ra cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hoạt động giao dịch trên thị trường.
“Gần đây nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đáng kể. Ðể phòng vệ cho rủi ro của danh mục đầu tư chứng khoán cơ sở, họ có nhu cầu giao dịch công cụ phái sinh.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với một nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc gần đây, chúng tôi ghi nhận, sau khi tìm hiểu về cơ chế giao dịch chứng khoán phái sinh ở Việt Nam, họ phát hiện chi phí giao dịch khá cao, nên đã từ bỏ ý định đầu tư cho mục đích phòng vệ rủi ro.
Họ khá ngạc nhiên khi chi phí giao dịch chứng khoán phái sinh ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn ở Hàn Quốc...”, vị đại diện công ty quản lý quỹ trên chia sẻ.
Cũng ghi nhận phản ánh tương tự, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, qua làm việc với các nhà đầu tư ở thị trường Mỹ gần đây, họ cũng than phiền về chi phí giao dịch chứng khoán phái sinh ở thị trường Việt Nam đắt đỏ so với nhiều thị trường, cũng như so với mức độ phát triển ban đầu của thị trường mà ở đó lẽ ra nên có cơ chế ưu đãi về phí, thuế để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, trước khi tính đến tăng các mức thu này.
Bởi vậy, dù nhìn nhận tiềm năng để đầu tư vào sản phẩm phái sinh còn nhiều, nhưng họ chưa mặn mà tìm đến Việt Nam.
Nên giảm giá dịch vụ quản lý vị thế từ 3.000 đồng xuống 1.000 đồng/hợp đồng/ngày
Theo phản ánh của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, mức phí giao dịch chứng khoán phái sinh ở Việt Nam có sự tăng lên kể từ sau ngày 15/2/2019 khi Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực.
“Trước khi Thông tư 127/2018/TT-BTC có hiệu lực, khá nhiều phiên có khối lượng giao dịch đạt 100.000 hợp đồng/ngày. Thế nhưng, sau khi văn bản này đưa vào áp dụng, ngay cả những phiên ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất trong những tháng gần đây, ít có phiên nào đạt khối lượng giao dịch đó. Sự suy giảm thanh khoản có tác động từ cơ chế tính phí giao dịch mới…”, chuyên gia đầu tư của một công ty quản lý quỹ chia sẻ.
Ðược biết, theo quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC, ngoài phải nộp mức phí giao dịch chứng khoán phái sinh với sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số là 3.000 đồng/hợp đồng, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là 5.000 đồng/ngày, nhà đầu tư còn phải nộp giá dịch vụ quản lý vị thế 3.000 đồng/hợp đồng/ngày (nắm giữ vị thế qua đêm)...
“Mức phí đó không chỉ cao với nhà đầu tư nước ngoài, mà cả nhà đầu tư trong nước, nhất là giá dịch vụ quản lý vị thế lên tới 3.000 đồng/hợp đồng/ngày. Mức phí dường như khuyến khích hành vi đầu cơ, sáng mua chiều bán để không phải trả phí nắm giữ vị thế qua đêm.
Nhà đầu tư nắm giữ càng nhiều vị thế trong thời gian dài cho mục tiêu phòng vệ rủi ro càng chịu sức ép lớn vì phải trả mức phí không hề nhỏ. Bởi vậy, ngay cả khi công ty chứng khoán miễn phí giao dịch chứng khoán, thì họ vẫn phải thu 2 khoản trên của nhà đầu tư để nộp cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chứ nhà đầu tư không phải miễn phí hoàn toàn...”, trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán niêm yết cho biết.
Ðiều đó có nghĩa là nghe qua tưởng nhà đầu tư không phải mất gì vẫn được giao dịch chứng khoán phái sinh, nhưng trên thực tế, họ đang phải trả chi phí không nhỏ.
Ngoài những công ty chứng khoán chấp nhận không thu phí để kéo khách hàng, còn những công ty thu với mức phí giao dịch thấp nhất thị trường hiện nay là khoảng 1.000 - 2.000 đồng/hợp đồng, thì rõ ràng mức phí nắm giữ vị thế qua đêm lên đến 3.000 đồng/hợp đồng là cao.
Với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài phải trả các khoản phí: giao dịch (bao gồm phần nộp cho HNX và phần giữ lại tính vào doanh thu của công ty chứng khoán), phí nắm giữ vị thế, họ còn phải chịu các chi phí liên quan đến rút, chuyển tiền; rủi ro biến động tỷ giá...
Cộng các khoản này cho thấy tổng chi phí mà nhà đầu tư nước ngoài phải trả cho giao dịch chứng khoán phái sinh là không nhỏ.
Nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ khó thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.
Từ kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán phái sinh thành công ở nhiều nước, theo ý kiến từ chuyên gia, với một thị trường phái sinh còn non trẻ như Việt Nam, lẽ ra Bộ Tài chính nên xây dựng mức ưu đãi về phí, thuế để thu hút nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tăng tham gia thị trường.
Thế nhưng, trên thực tế lại không như mong đợi của nhà đầu tư.
“Trong trường hợp không ưu đãi được nhiều, thì ít nhất Bộ Tài chính nên xem xét giảm mức giá dịch vụ quản lý vị thế từ 3.000 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày xuống còn khoảng 1.000 đồng là phù hợp.
Ðiều này vừa khuyến khích dòng tiền đầu tư nắm giữ vị thế dài hạn thay vì đầu cơ nhiều như hiện nay, vừa giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường. Khi đó, Nhà nước vẫn thu được nhiều từ phí giao dịch...”, lãnh đạo một công ty chứng khoán đề xuất.