Giá vàng trong nước “nhảy múa” xuất phát từ lực mua mạnh của các tổ chức, chứ không phải cá nhân nhỏ lẻ

Giá vàng trong nước “nhảy múa” xuất phát từ lực mua mạnh của các tổ chức, chứ không phải cá nhân nhỏ lẻ

Nhà đầu tư “đứt tay” vì “bắt vàng rơi”

(ĐTCK) Trước xu hướng giá vàng tăng “phi mã”, nhất là trong 2 ngày 5-6/7 vừa qua, không ít nhà đầu tư bất chấp rủi ro tăng “nóng” mà nhảy vào “bắt vàng rơi”. Vì vậy, việc giá vàng giảm hàng triệu đồng mỗi lượng ngay sau đó đã khiến nhiều người “đứt tay”.

Chị Nguyễn Ngọc Châu (TP. HCM) cho biết, kể từ sau “cơn sốt vàng” năm 2011, chị đã không còn quan tâm nhiều đến vàng và chuyển sang đầu tư bất động sản, chứng khoán. Thế nhưng, trong những ngày vừa qua, việc giá vàng liên tục tăng mạnh khiến chị “đứng ngồi không yên”, nên đã “tranh thủ” gom vài chục lượng trong sáng ngày 5/6. Thời điểm này, giá vàng trong nước tăng thẳng đứng, chạm ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, cho dù giá vàng quốc tế chỉ tăng nhẹ.

Mặc dù biết mua vàng đúng vào thời điểm giá cao, song do kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng trong những ngày tới, nên chị Châu cũng như không ít nhà đầu tư khác đã “ngã ngửa” khi giá vàng bất ngờ quay đầu giảm mạnh ngay trong chiều cùng ngày. Giá vàng đã giảm xuống dưới mốc 38 triệu đồng/lượng trong chiều ngày 7/7, thậm chí có thời điểm về dưới mốc 37 triệu đồng/lượng ngày 12/7, khiến chị Châu “mất trắng” hơn 60 triệu đồng cho 20 lượng vàng đã gom một tuần trước đó.

Trước tình trạng giá vàng trong nước “nhảy múa” trong những ngày qua, một chuyên gia thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh vàng nhận xét, lực mua mạnh chủ yếu đến từ các tổ chức (ngân hàng, nhà đầu tư lớn), chứ không phải cá nhân nhỏ lẻ. Vì thế, việc “làm giá” trên thị trường vàng là điều khó tránh.

Quả thực, giá vàng quốc tế những ngày 5-7/7 diễn biến trái chiều so với giá vàng trong nước. Có thời điểm, giá vàng trong nước đã tăng mạnh, rồi quay đầu giảm mạnh, cho dù giá vàng quốc tế vẫn theo đà tăng. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lên tới 3 triệu đồng/lượng, đồng thời khoảng cách giữa giá mua-giá bán cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng dần. Thế nhưng, nhiều người vẫn xếp hàng để mua vàng, bất chấp diễn biến bất thường.

"Lực mua mạnh chủ yếu đến từ các tổ chức, chứ không phải cá nhân nhỏ lẻ. Vì thế, việc “làm giá” trên thị trường vàng là điều khó tránh"

- một chuyên gia thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng giải thích, trong những ngày giữa tuần trước, lực cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung vàng miếng trên thị trường vốn dĩ đã khan hiếm kể từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được ban hành, thì nay lại càng khan hiếm hơn. Một khi cung-cầu không cân bằng, nhà đầu tư vàng sẽ phải mua lại từ các nguồn của tổ chức theo giá mà họ niêm yết. Do đó, khoảng cách giữa giá mua-giá bán là do cung-cầu quyết định, nói cách khác, giá vàng tăng hay giảm đều do thị trường trong nước tự điều chỉnh. Trong khi thông thường, giá vàng trong nước được điều chỉnh theo giá quốc tế.

Có thể nói, thị trường vàng trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ sự kiện Brexit, trước các dự báo thị trường vàng thế giới sẽ còn tăng mạnh bởi đây là tài sản trú ẩn an toàn khi kinh tế thế giới biến động, nên đã kích thích các nhà đầu tư trong nước ồ ạt gom vàng. Trong thời điểm vàng miếng SJC tăng giá mạnh (ngày 5-6/7), số lượng vàng miếng được mua từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tăng đột biến. Vì vậy, không lạ khi nhiều người “lõm nặng” khi vàng quay đầu giảm mạnh trở lại.

Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng cảnh báo, nếu cứ đổ xô mua vàng khi giá tăng “nóng” và có diễn biến bất thường, thì rủi ro là điều khó tránh khỏi. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) khuyến nghị, cung-cầu về vàng miếng trên thị trường nội địa đang mất cân đối, nên khó tránh việc giá cao bất thường khi lực cầu tăng mạnh. Vì vậy, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư vàng trong những thời điểm này.

Trong khi đó, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường vàng và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, nhằm đảm bảo tốt nguồn cung và kiểm soát tình hình, tránh tình trạng đầu cơ và làm giá, thì giá vàng trong nước sẽ ổn định trở lại.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, nếu muốn “cầm cương” thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước có một giải pháp khả thi, đó là dùng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối để đưa ra thị trường (bán đấu thầu vàng như từng thực hiện trong năm 2014), với giá chỉ định thấp hơn giá thị trường. Nếu không, giá vàng trong nước sẽ rất dễ bị “đội” lên khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng và lực cầu thị trường nội địa tăng mạnh trong thời gian tới.

Tin bài liên quan