Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed sẽ có bài phát biểu vào đầu tuần, do đó, giới đầu tư kỳ vọng có thể đón nhận được tín hiệu về việc liệu Fed có tiến hành hạ lãi suất lần thứ ba liên tiếp vào cuối tháng này.
Các số liệu cho thấy, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại khiến giới đầu tư tin tưởng việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ diễn ra.
Đáng chú ý, vào ngày thứ Tư, biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed sẽ được công bố, có thể hé lộ chút phương hướng cho động thái tiếp theo của cơ quan này.
Căng thẳng giữa các thành viên Hội đồng Mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed gia tăng kể từ tháng 9, khi 3 thành viên FOMC không đồng ý việc hạ lãi suất 0,25% lần thứ hai sau khủng hoảng tài chính năm 2008 cho tới nay.
Trong đó, Jim Bullard, Chủ tịch Fed tại St Louis Fed và Eric Rosengren, Chủ tịch Fed tại Boston cho rằng, kinh tế Mỹ đang ở thế vững vàng, tiêu dùng kích thích tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất nhiều thập kỷ.
Nếu giảm lãi suất quá nhanh, quá mạnh sẽ tạo nên những rủi ro, nhất là việc hạn chế dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Fed trong trường hợp khủng hoảng kinh tế xảy ra và đẩy nợ xấu tăng cao.
Bên cạnh thông tin từ Fed, sự kiện được theo dõi sát sao bậc nhất là cuộc đàm phán tiếp theo về các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trì hoãn việc áp thêm 5% thuế lên 250 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và xem đây là một hành động thiện chí. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có tín hiệu nào cho thấy cả hai bên sẽ có sự nhượng bộ trong vòng đàm phán.
Bloomberg đưa tin từ một nguồn thân cận cho rằng, giới chức Trung Quốc tỏ ra không chấp nhận một thoả thuận thương mại nào mà ông Trump đang theo đuổi.
Theo kế hoạch từ phía Trung Quốc, quốc gia này sẽ không đưa vào các điều khoản bao gồm việc cam kết cải tổ các chính sách lĩnh vực công nghiệp hay khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn là 2 mục tiêu chính hứng chịu những chỉ trích từ Mỹ.
Trong khi đó, giới đầu tư toàn cầu lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, thể hiện ở việc chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm gần 2% trong các phiên cuối tuần trước, sau khi số liệu sản xuất và bảng lương tư nhân đều đáng thất vọng.
Hiện tại, giới chuyên gia nhận định, nếu có điều gì đủ sức khiến ông Trump suy nghĩ lại trên bàn đàm phán, thì đó là đà bán tháo tại phố Wall.
Nếu các cuộc đàm phán một lần nữa sụp đổ, sẽ khó tránh khỏi thị trường chứng khoán ngập sắc đỏ. Điều này sẽ tác động tới suy nghĩ của ông Trump.
Vào những thời điểm nhiều âu lo như hiện tại, trái phiếu luôn chứng tỏ sức mạnh. Sau khi bị bán tháo khoảng 1.000 tỷ USD trên thị trường toàn cầu trong tháng 9, trái phiếu lại chứng kiến dòng tiền chảy vào tìm bến đỗ an toàn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi leo lên mức 1,9%/năm trong tháng 9 đã giảm về mức 1,52%/năm và đóng cửa phiên đầu tuần này ở mức thấp nhất từ trước tới nay (1,46%/năm).
Lợi suất trái phiếu Nhật Bản và khu vực châu Âu cũng có diễn biến tương tự, thậm chí xuống dưới mức 0%/năm trong 2 tuần qua, khi các số liệu kinh tế kém khả quan đẩy nhà đầu tư tìm tới trái phiếu để trú ẩn.