Một số cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm là VIB, ACB, TCB, PLX, VCS, VSC, CVT… Ảnh: Dũng Minh.

Một số cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm là VIB, ACB, TCB, PLX, VCS, VSC, CVT… Ảnh: Dũng Minh.

Nhà đầu tư có tâm lý gom hàng khi VN-Index vượt mốc 1.000 điểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) VN-Index tuần qua đã vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm. Chỉ số chỉ điều chỉnh giảm trong phiên, sau đó tiếp tục tăng, khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý “gom hàng” hơn là bán ra hiện thực hóa lợi nhuận để rồi “mất hàng”.

Dòng tiền vẫn mạnh mẽ

Trên bình diện chung toàn thế giới, trong tuần qua cũng như trong tháng 11/2020, hầu hết thị trường chứng khoán đều chuyển động theo xu hướng tăng.

Trong đó, thị trường Mỹ lập đỉnh cao mới, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần như đã có kết quả chắc chắn và việc chuyển giao quyền lực dự kiến sẽ không bị cản trở như nhiều ý kiến lo ngại trước đó, đặc biệt là thông tin tích cực về vắc-xin phòng ngừa Covid-19.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước vẫn dồi dào, xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, trong khi đó, khối nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu kết thúc chuỗi bán ròng.

Giá trị giao dịch trên HOSE dao động phổ biến trên mức 9.000 tỷ đồng/phiên. Sắc xanh của chỉ số và không ít cổ phiếu tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư cũ, đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư mới.

Thực tế, có những quan ngại về khả năng thị trường điều chỉnh, nhưng diễn biến trong các phiên giao dịch cho thấy, mức độ điều chỉnh không đáng kể, sau đó chỉ số duy trì đà tăng. Không ít nhà đầu tư quay lại mua chính cổ phiếu đã bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận trước đó, vì xu hướng tăng giá chưa kết thúc.

Không ít cổ phiếu được nhà đầu tư bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận nhưng giá chưa kịp điều chỉnh xuống mức kỳ vọng để mua lại thì đã nhanh chóng bật tăng cao hơn, vì các nhà đầu tư khác “gom hàng”.

Nhìn chung, dòng tiền trên thị trường chưa có dấu hiệu chùn bước, mà nhanh chóng đảo liên tục giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội, từ nhóm vốn hóa lớn đến nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Bỏ qua một số ý kiến e ngại về việc thị trường chứng khoán đã có đợt tăng dài, nhiều nhà đầu tư vẫn tự tin tìm hiểu các cơ hội đầu tư và giải ngân quyết đoán hơn vào cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu đầu cơ.

Tất nhiên, nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn, thuộc doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III và triển vọng quý IV cũng như năm sau khả quan.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư quan tâm đến những cổ phiếu có câu chuyện chuyển sàn giao dịch, hoàn nhập dự phòng, mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức, thoái vốn nhà nước hay có “game” thâu tóm.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank nhìn nhận, thanh khoản bình quân của thị trường chứng khoán trong tháng 11 tăng mạnh so với giai đoạn đầu năm và chỉ số tiếp tục tăng điểm phản ánh dòng tiền từ các kênh đầu tư khác vẫn đang đổ vào kênh chứng khoán.

Trong đó, lãi suất ngân hàng ở mức thấp dự kiến kéo dài khiến một phần dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng đầu tư sang cổ phiếu, nhất là khi kênh trái phiếu doanh nghiệp gần đây “giảm nhiệt”.

Các quy định tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/9/2020 dành cho tổ chức phát hành khắt khe hơn và kể từ năm 2021 khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu trong các đợt phát hành riêng lẻ (nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ).

Chính vì vậy, trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay, kênh cổ phiếu được nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn, trở thành điểm đến của dòng tiền.

Về mặt phân tích kỹ thuật, theo Công ty Chứng khoán MB, chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) của VN-Index bắt đầu quay trở lại vùng quá mua, do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, vùng giá mục tiêu có thể ở vùng đỉnh của năm 2019 là 1.010 - 1.026 điểm, hoặc 1.028 - 1.030 điểm.

Đãi thị trường, tìm cổ phiếu

Ngoài việc chỉ số chứng khoán duy trì sắc xanh thì diễn biến tăng giá luân phiên giữa các cổ phiếu là yếu tố chính níu kéo dòng tiền.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, không phải cổ phiếu đã tăng giá mạnh thì không còn dư địa tăng và ngược lại, cổ phiếu chưa tăng giá cũng khó thu hút dòng tiền nếu nội tại doanh nghiệp không có sự chuyển biến, hoặc không có thông tin hỗ trợ. Một số nhóm cổ phiếu có thể tiếp tục tăng giá là ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, chứng khoán, dầu khí, dược phẩm, cao su, săm lốp, bất động sản.

Anh Tuấn chia sẻ, anh đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng (ACB, STB, MBB, VCB), bất động sản (NLG, HDG, NTL), vật liệu xây dựng (HPG, PLC, PTB).

Có những mã được xác định sẽ nắm giữ trung và dài hạn, nhưng có mã anh muốn “lướt sóng”. Với các mã “lướt sóng”, phương thức đầu tư ở thời điểm hiện tại là mua thêm cổ phiếu có sẵn trong danh mục để tận dụng nhịp tăng trong 1 - 2 phiên, thậm chí ngay trong phiên, thay vì phải chờ đợi 3 ngày để cổ phiếu về tài khoản.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco khuyến nghị, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư nên để ý đến nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh cải thiện nhưng giá chưa tăng nhiều; nhóm vốn hóa lớn đã tăng giá mạnh nhưng triển vọng kết quả kinh doanh quý IV/2020 khả quan; nhóm được hưởng lợi từ khả năng khôi phục xuất khẩu và các hiệp định thương mại.

Một số nhóm cổ phiếu đáng quan tâm là thủy sản, chứng khoán, ngân hàng, xi măng, dầu khí, cảng biển, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, điện, nước, khí đốt, công nghệ.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán VietinBank, hiện tại, đầu tư lướt sóng tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên chọn lựa kỹ cổ phiếu rồi nắm giữ trung và dài hạn. So với vài tháng trước, giá nhiều cổ phiếu ở mức cao, nhưng vẫn có tiềm năng tăng.

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán được hưởng lợi từ diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán, nhưng nhà đầu tư nên tập trung vào tốp đầu về thị phần môi giới.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Cuối năm là cao điểm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đối với nhóm ngành bất động sản nên có khả năng sẽ thu hút dòng tiền.

Dù trong tâm thế muốn “ôm hàng”, tiếp tục tìm kiếm cơ hội, hay “xả bớt hàng” để chốt lãi, thì nhà đầu tư vẫn nên chủ động nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, có tài chính vững mạnh, triển vọng phát triển, bởi đó là các cổ phiếu sẽ ngày càng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan