Những phiên điều chỉnh vừa qua được nhìn nhận sẽ giúp thị trường chứng khoán có đà tăng bền vững hơn. Ảnh: Dũng Minh

Những phiên điều chỉnh vừa qua được nhìn nhận sẽ giúp thị trường chứng khoán có đà tăng bền vững hơn. Ảnh: Dũng Minh

Nhà đầu tư chứng khoán thót tim vì sóng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Diễn biến giao dịch trong những phiên gầy đây khiến nhiều nhà đầu tư “thót tim” khi chứng kiến không ít pha “giật cục” của chỉ số chứng khoán, dẫn đến các quyết định mua bán gây thua lỗ hoặc “mất hàng”.

Không dễ say sóng

Ở quanh mức 965 điểm trong tuần qua, đây là vùng đỉnh của chỉ số VN-Index trong năm 2020, thị trường ghi nhận những phiên giao dịch mang lại cảm xúc mạnh khi chỉ số có những thời điểm đột ngột rơi, sau đó một số mã cổ phiếu lớn bật tăng trở lại, giúp thị trường hồi phục vào cuối phiên. Theo đó, thị trường nhích dần từng phiên, chỉ số duy trì sắc xanh, dù số mã cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng.

Không ít cổ phiếu có diễn biến giá giảm mạnh, tăng mạnh, nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, giúp thanh khoản tăng cao. Đơn cử, cổ phiếu FLC có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE xét về khối lượng giao dịch, với 30 - 40 triệu đơn vị được chuyển nhượng mỗi phiên.

Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn dẫn dắt chỉ số chung, nhưng dòng tiền gần đây chảy mạnh hơn vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, tập trung vào các mã “nóng”, mang tính đầu cơ. Theo một số công ty chứng khoán, xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu nóng giúp nhà đầu tư có cơ hội thu lợi nhuận nhiều, nhưng cũng dễ bỏng tay. Đa số cổ phiếu nóng là các cổ phiếu nhỏ. Nếu doanh nghiệp có thông tin tốt, hoạt động kinh doanh cải thiện sẽ tạo động lực cho giá cổ phiếu tăng. Trường hợp không có thông tin hỗ trợ mà giá cổ phiếu tăng đột biến thì sẽ sớm quay trở lại vùng giá trị thật. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện nay được nhìn nhận có nhiều kinh nghiệm giao dịch và phần lớn không dễ say sóng các cổ phiếu đầu cơ.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mọi cổ phiếu đều có thể đầu cơ, nếu nhà đầu tư thấy có dấu hiệu của sóng. Tuy nhiên, đầu cơ cần có chiến thuật cụ thể, trong đó yếu tố quan trọng là cắt lỗ khi nào và như thế nào.

“Tôi không ủng hộ quan điểm đầu cơ sai thì ôm luôn, có rất ít mã cổ phiếu có thể làm theo cách đó, vì có thể khi bạn mua, giá cổ phiếu không còn rẻ nữa, hoặc nguy hiểm hơn là doanh nghiệp có vấn đề. Chuyện dễ say, dễ ngã ám chỉ những trường hợp đó, cho nên nếu vào sai sóng thì nên cắt lỗ ngay”, ông Lân nói.

Thị trường vẫn còn nhiều cổ phiếu chất lượng, ít rủi ro, có thể mang lại lợi nhuận trong trung và dài hạn

Các cổ phiếu được gọi là đầu cơ thường là các cổ phiếu có thị giá thấp, thích hợp với nguồn vốn vừa phải của các nhà đầu tư cá nhân. Trước đây, đa số nhà đầu tư cá nhân đầu tư theo đám đông, thiếu sự tìm hiểu chắc chắn về doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng “dễ say, dễ ngã”. Năm nay, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều nhà đầu tư mới, có hiện tượng đầu tư bầy đàn, say sóng, nhưng nền tảng của thị trường vững vàng dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên giá có xu hướng tăng, hầu hết nhà đầu tư vẫn đang có lãi.

VN-Index đã trở lại vùng điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, không hừng hực khí thế như trước, nên điểm số thay đổi qua từng phiên không nhiều. Hiện chỉ số P/E của VN-Index vẫn đang ở mức thấp so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ điều chỉnh mạnh được nhận định ít có khả năng xảy ra.

Góc nhìn dài hạn hơn

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những chuyển động bất ngờ trong trong 7 tháng qua, kể từ khi VN-Index lập đáy năm 2020 vào cuối tháng 3. Thị trường có xu hướng tăng, đan xen một số đợt điều chỉnh giảm. Đợt điều chỉnh gần nhất là tuần cuối tháng 10, sau đó thị trường lấy lại sắc xanh trong 2 tuần tiếp theo, từ ngày 2 - 13/11. Nhìn chung, thị trường chứng khoán vẫn đang mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, nếu VN-Index vượt qua mốc 950 điểm thì những biến động tăng về điểm số sẽ thuyết phục hơn, giúp chỉ số này hướng lên vùng 970 - 990 điểm trong thời gian còn lại của năm 2020.

Tiền vay ký quỹ (margin) tăng khá mạnh trong thời gian qua, nhưng dòng vốn từ nhà đầu tư mới tiếp tục gia tăng, hỗ trợ thị trường, giúp giá không giảm sâu trong những phiên điều chỉnh. Do đó, hầu hết nhà đầu tư không bị bán giải chấp, thậm chí không phải bổ sung ký quỹ. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có thể dự báo trước kết quả kinh doanh cả năm, vì vậy, nhà đầu tư bắt đầu sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu tiềm năng cho giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021.

Sau giai đoạn kinh tế suy giảm do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhóm ngành dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, nổi bật ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, bán lẻ, ngân hàng. Theo đó, các cổ phiếu đầu ngành sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán như VCB, CTG, MBB, PHR, GVR, PNJ, MWG, FPT, VNM, HPG…

Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các định chế tài chính, có cái nhìn dài hạn hơn, với tầm nhìn đầu tư sang năm 2021. Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hồi phục và qua số liệu tăng trưởng GDP theo từng quý cho thấy, kinh tế sẽ tăng trưởng theo hình chữ V. Kỳ vọng GDP tăng 6,5 - 6,7% trong năm 2021 so với kỳ vọng năm 2020 tăng 2,5 - 2,7%. Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng tốt. Hiện là thời điểm để sàng lọc và tìm ra cơ hội đầu tư cho năm 2021.

Một trong những nhóm ngành đáng quan tâm là ngân hàng. Hiện ngành ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Lãi suất huy động được điều chỉnh giảm, nhưng lãi suất cho vay giảm ít hơn, giúp biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng duy trì khá tốt. Bên cạnh đó, Thông tu 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước giúp các ngân hàng cơ cấu lại nợ doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm, do đó, lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn khả quan. Trong dài hạn, nhóm ngân hàng lớn với tiêu chuẩn về quản trị rủi ro cao dự kiến không ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng, nhất là các ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ trong quý III vừa qua.

Tin bài liên quan