Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhà đầu tư chứng khoán đã quá lạc quan, trừ Warren Buffet

(ĐTCK) Nhà đầu tư đang chứng kiến đà hồi phục theo hình chữ V, nhưng đó là đối với thị trường chứng khoán chứ không phải đối với nền kinh tế.

Nhiều quan điểm khác nhau cho rằng sự khác biệt này không mang nhiều ý nghĩa và họ tin rằng Fed có thể khôi phục lại nền kinh tế về trạng thái ban đầu.

Trong khi đó, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet đã không hề xuất hiện trong hành động mua cổ phiếu thời gian gần đây và ông cũng là người bán ròng các cổ phiếu ngành hàng không.

Chỉ số S&P 500 đã mất 1/3 giá trị từ mức cao kỷ lục vào ngày 19/2 và cho đến ngày 23/3, chỉ số này đã lấy lại được 50% những gì đã mất nhờ vào các chính sách hỗ trợ chưa từng có của Fed như nhanh chóng mua lại các chứng chỉ quỹ ETFs và trái phiếu rác.

Diễn biến chỉ số S&P 500

“Sự phục hồi 27% của thị trường cổ phiếu là điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta vẫn chưa biết liệu virus sẽ tác động lâu dài như thế nào đến nền kinh tế, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh và vẫn chưa có sự xuất hiện của vacxin. Sự gia tăng các đơn trợ cấp thất nghiệp chỉ ra một thập kỷ tạo ra việc làm của Mỹ đã bị đảo ngược trong vòng một tháng. IMF cũng dự báo kinh tế sẽ trải qua thời kỳ ảm đạm nhất kể từ những năm 1930”,  Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank AG nói.

Theo các chuyên gia kinh tế Bloomberg, thị trường chứng khoán là thị trường phản ứng sự kỳ vọng trong tương lai về thu nhập của doanh nghiệp và mặc dù thị trường thường lạc quan thái quá, đây là một tình huống hoàn toàn mới.

Làm thế nào để bất cứ ai chắc chắn rằng có thể ước tính thu nhập trong tương lai hay hiện tại? Có rất ít chỉ báo phản ảnh cụ thể, nếu nhìn vào quý 1/2020 có thể ước lượng chính xác sự mất mát của thị trường, tuy nhiên có thể xem xét các khoản dự phòng mà các ngân hàng đang trích lập cho khoản vay trước đây, cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2020 để ước tính sự mất mát của thị trường.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có doanh nghiệp đi ngược xu hướng. Cổ phiếu Amazon đã đạt mức giá cao mới trong thời gian qua, nhưng hầu hết các cổ phiếu khác đều giảm điểm mạnh. Hơn một nửa số nhân viên được thuê bởi các doanh nghiệp nhỏ và trung bình, những doanh nghiệp dễ bị tổn thương do khủng hoảng, điều này buộc nhóm nhân viên ở đây cần phải được hỗ trợ tài chính để vượt qua khó khăn.

Gói hỗ trợ mới được công bố của Fed trị giá 2,3 nghìn tỷ USD và kể từ tuần này, các doanh nghiệp có thể trực tiếp đến Ngân hàng Trung ương để nhận hỗ trợ. Với việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, giá chứng khoán tăng mạnh, động thái của Fed đặt ra câu hỏi liệu giá cổ phiếu có thể duy trì trong bao lâu nhờ dòng tiền này. Do các chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài hơn một thập kỷ, hiệu quả của chính sách nhiều khả năng sẽ suy giảm đáng kể.

Thảm họa giảm giá của phố Wall đã được tránh nhờ các biện pháp khẩn cấp của Chính phủ Mỹ và Fed, tuy nhiên các chính sách kích cầu đều hướng tới thanh khoản và giảm lãi suất đi vay. Trong khi đó, về trung dài hạn tăng trưởng là điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư trên thị trường, điều mà không ai đảm bảo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng.

Người tiêu dùng sẽ chỉ quay lại với thói quen chi tiêu bình thường nếu họ có thu nhập thường xuyên trở lại và chính phủ sẽ không tăng thuế để bù đắp cho những thâm hụt hiện tại do những chính sách quá dễ dãi hiện tại. Cổ tức sẽ bị cắt giảm hoặc bị huỷ bỏ, các khoản thu nhập sẽ chỉ có thể phục hồi một phần, các mặt hàng như xe hơi và hàng điện tử có thể bị trì hoãn sang các năm sau đó.

“Thị trường chứng khoán hiện tại đang đặt cược lớn vào kết quả lâu dài của tất cả những chính sách kích thích kinh tế. Việc dỡ bỏ phong toả hay việc phát triển vacxin đầy hứa hẹn có thể là những gì tạo nên kỳ vọng tích cực. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, diễn biến trên thị trường cho thấy sự tự tin đang thái quá”, các chuyên gia kinh tế Bloomberg nhận định.

Tin bài liên quan