Ý thông báo “đóng cửa” khu vực xung quanh Milan, thủ phủ công nghiệp của nền kinh tế; Ả Rập Xê út khơi mào cuộc chiến giá dầu, khiến giá loại năng lượng này giảm hơn 30% trong 1 ngày, nước Mỹ bắt đầu nếm trải nỗi đau vì dịch bệnh, khiến ông Trump nhận ra hoá ra “con người có thể chết vì cúm”; các chuyên gia phố Wall tỏ rõ lo ngại trong vấn đề gọi vốn của doanh nghiệp, nhiều khả năng dẫn tới cảnh khốn cùng…
Đây chỉ là một số yếu tố sẽ tác động tới các thị trường tài chính tuần này, nhưng cũng đã đủ sức khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn.
Dịch bệnh bùng phát tại trung tâm của Trung Quốc vào tháng 12/2019 hiện đã thành bóng đen bao phủ toàn cầu, có mặt tại khoảng 100 quốc gia, 6 lục địa và tính chất nguy hiểm gia tăng. Trong bối cảnh này, dễ hiểu khi giới đầu tư trở nên lo lắng và các thị trường tài chính bất ổn hơn bao giờ hết.
Những khu vực đã xác định có ca nhiễm bệnh
Đà bán tháo trên thị trường trong 2,2 tuần qua đã xoá sổ 7 nghìn tỷ USD vốn hoá thị trường. Chỉ số S&P 500 đã giảm 8% kể từ đầu năm tới nay nhưng nỗi đau chưa chấm dứt khi có liên tiếp 6 phiên điều chỉnh. Cơn bão này chưa dừng lại bởi chỉ số tương lai thị trường Mỹ tại châu Á đã giảm thêm 5% trong phiên giao dịch đầu tuần.
Chỉ số S&P 500 giảm 8% kể từ đầu năm tới nay
“Các thành viên thị trường cảm thấy thật khó khăn để bắt nhịp với biến động thì trường, cũng như loay hoay với quá nhiều điều khó đoán định trong 10 ngày qua. Đây là lý do tại sao chúng ta chứng kiến các phiên bán tháo đầy hoảng loạn trên toàn cầu, đẩy nhiều thị trường xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính tới nay”, Mohammed Ali Yasin, chiến lược gia trưởng tại Al Dhabi Capital Ltd cho biết.
Diễn biến của thị trường gợi nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng theo hướng còn tiêu cực hơn. Năm 2008, bong bóng bất động sản vỡ tung kéo theo đống nợ xấu tại hệ thống nhà băng, từ đó tạo nên những rủi ro với cả hệ thống tài chính. Các nhà quản lý và thành viên thị trường biết cách để “sửa chữa” vấn đề này chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Còn hiện tại, câu chuyện rất khác biệt. Các nhà khoa học vẫn đang tìm cách giải mã loại virut mới, tìm cách kiểm soát tình hình và điều chế vắcxin. Nhưng không ai biết cần bao nhiêu thời gian? Liệu có phải đợi tới tận năm 2021 để giải quyết tình hình như Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm đánh giá?
Chỉ số đo lường mức độ bất ổn của thị trường tăng lên trên 50 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2018
Mặc dù hiện tại, Trung Quốc đang công bố các thông tin tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng tất cả là nhờ các lệnh cách ly nghiêm ngặt trên nhiều thành phố. Liệu có xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần 2 khi mà quốc gia này đưa hoạt động sản xuất, đi lại về bình thường trong thời gian tới? Dù sao đi nữa, dịch Covid-19 vẫn khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối diện cú sốc lớn trong quý I/2020.
Với rất nhiều ẩn số xung quanh dịch bệnh, đội ngũ nhà kinh tế của Bloomberg đã xác định 4 kịch bản, từ việc nền kinh tế sớm phục hồi cho tới việc khủng hoảng kinh tế xuất hiện tại Mỹ, khu vực châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc tăng trưởng chậm ở mức kỷ lục và GDP toàn cầu thiệt hại tổng cộng 2,7 nghìn tỷ USD – tương đương GDP của nước Anh.
Sự phụ thuộc của các nền kinh tế vào hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc