Thiếu hiểu biết…
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký Công văn số 5228/UBND - SKHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.
Lý do được lãnh đạo Đà Nẵng đưa ra là nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp tục triển khai Dự án, đảm bảo việc luân chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tại thời điểm đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II đã thực hiện được hơn 60% khối lượng công trình, giải ngân hơn 600 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư được duyệt là 1.069 tỷ đồng.
Thậm chí, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào chiều ngày 16/7/2018, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, công tác xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn II đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị chủ cảng đã sẵn sàng cho lễ khánh thành, tiếp nhận tàu vào khai thác ngay trong tháng 8/2018.
Được biết, Dự án được khởi công vào cuối tháng 7/2015, bao gồm việc xây dựng 2 cầu tàu, gồm một cầu 310 m và một cầu tàu 210 m, trang bị 2 hệ thống cẩu và hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Khi hoàn thành, Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container và tàu trọng tải lớn lên đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 100.000 GRT và sẽ kết hợp với hệ thống kho bãi có sẵn tại xí nghiệp và các công ty thành viên, nâng tổng diện tích cảng Tiên Sa lên gần 31 ha.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, chủ đầu tư Dự án đã thực hiện quy trình ngược là xây công trình xong mới tiến hành xin duyệt chủ trương đầu tư.
Vi phạm này đã được Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng thừa nhận là thiếu hiểu biết về Luật Đầu tư năm 2014, nên đã chậm trễ trong việc lập hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đã tổ chức triển khai thực hiện.
Trước đó, trong Văn bản 1766/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 22/3/2018 gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc nhà đầu tư và UBND TP. Đà Nẵng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng đã hoàn thiện các thủ tục về đất đai, thi công Dự án cơ bản hoàn thành là không phù hợp với trình tự thực hiện dự án đầu tư quy định tại Điều 22, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Vì vậy, việc thẩm định Dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư không còn ý nghĩa, không còn là căn cứ để nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, thực chất là hợp pháp hóa thủ tục cho nhà đầu tư.
... hay hiểu rất sâu?
Cần phải nói thêm rằng, theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, Dự án được triển khai thực hiện sau ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án lẽ ra phải được tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Cụ thể, tại điểm c, Khoản 1, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014 quy định dự án “Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia” thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Khoản 1 và 2, Điều 26, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về trách nhiệm thực hiện dự án đầu tư quy định: “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Đối với dự án đầu tư thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan”.
Đối chiếu với các quy định nói trên, ngay cả khi công trình đã cơ bản hoàn thành, cơ sở pháp lý mà Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng nắm trong tay là khá lỏng và không đầy đủ, chỉ bao gồm:
Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 9/4/2015 của UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án; Văn bản số 5750/BGTVT-KHĐT ngày 8/5/2015 của Bộ GTVT chấp thuận về nguyên tắc mặt bằng tổng thể bến cảng Tiên Sa (giai đoạn II) theo đề xuất của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng;
Quyết định số 622/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 2/10/2015 phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình năng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn II) của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng; Giấy phép xây dựng số 1346/GPXD ngày 5/7/2016 của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho nhà đầu tư được phép xây dựng cầu cảng và bến conteneir 50.000 DWT, cầu cảng và bến conteneir 20.000 DWT.
Trong số này, hai văn bản quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án đầu tư và giấy phép xây dựng đều được ban hành sau thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.
“Đây là lỗi nhận thức chưa đầy đủ của nhà đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng chịu phạt vi phạm hành chính và nghiêm túc tiến hành hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định”, ông Sia nói.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngay sau khi nhận được Công văn số 1766/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 22/3/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phải làm rõ vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại khu vực trong việc Dự án chưa hoàn thành thủ tục theo quy định, nhưng vẫn triển khai công tác thi công xây dựng, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp xử lý và khắc phục.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II không phải là phát triển một cảng biển mới hoàn toàn, chỉ là việc mở rộng thêm 2 cầu tàu, do vậy, không nhất thiết phải xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
“Là một đơn vị khai thác cảng biển chuyên nghiệp lớn của cả nước, lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không thể không biết điều này”, vị lãnh đạo này nói.
Được biết, trong trường hợp được áp dụng Luật Đầu tư 2014, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi đầu tư thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư (thuộc Phụ lục 1, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
Trước đó, trong Công văn số 2201/SKHĐT - DN ngày 28/8/2017 xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, trong hồ sơ đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II, nhà đầu tư này có xin một loạt ưu đãi được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm theo Thông tư số 78/2014/TT - BTC ngày 18/4/2014 của Bộ Tài chính; ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu 100% theo Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13; ưu đãi tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản 3 năm theo Nghị quyết số 46/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 100% theo Thông tư số 153/2011/TT - BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính.
“Hiện chưa có đủ cơ sở để kết luận Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã chấp nhận tự việt vị với mức phạt hành chính vài triệu đồng để đổi lại việc nhận được các khoản ưu đãi lớn hơn từ Nhà nước, nhưng đây là vấn đề cần được làm rõ khi thực hiện quy trình duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II”, một chuyên gia nhận định.