Sinh năm 1940 tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nuôi giấc mơ trở thành một kỹ sư chế tạo máy để giúp người dân xứ Nghệ bớt vất vả, nhưng cuộc đời lại dẫn lối để ông Nguyễn Đình Lương trở thành một nhà đàm phán có kiến thức sâu rộng, chuyên nghiệp, đầy bản lĩnh, sự kiên cường, mềm dẻo, cương nhu linh hoạt, tận tâm, cần mẫn và đáng tin cậy.
Hơn 2 thập kỷ là người đàm phán thương mại cấp Chính phủ, ông Nguyễn Đình Lương đã trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, với Singapore, Canada, Na Uy, Thụy Sỹ… và sau cùng là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) kéo dài suốt 5 năm từ năm 1995 -2000.
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký kết ngày 13/7/2000, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001, đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp; làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin - cho”; bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện; tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu “độc quyền” và “phân biệt đối xử”.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton chủ trì họp báo tại Nhà trắng sau khi Hiệp định BTA được ký kết. (Ảnh: NVCC) |
Hiệp định BTA được ký kết đã mở ra con đường mới của sự hòa ái, hữu nghị và phát triển cho Việt Nam. Một trang sử mới đã được mở ra khi những cựu thù trở thành đối tác và dần dần trở thành bạn tốt theo cách nhân dân hai nước cùng có lợi, khép lại quá khứ, nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải.
Đặc biệt, cánh cửa hội nhập đã rộng mở cho Việt Nam sau khi BTA được ký kết, mở đường cho Việt Nam đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hơn 240 lần từ khi bình thường hóa quan hệ. Từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 123 tỷ USD vào năm 2022. Nhờ hợp tác làm ăn với Hoa Kỳ và thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi. Năm 1995, GDP của Việt Nam chỉ khoảng 33 tỷ USD, nhưng bây giờ đã lên trên 400 tỷ USD.
Nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam ngày 10 và 11/9/2023, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Đình Lương để nghe những câu chuyện của người trong cuộc về tác động của BTA và cả những quan sát về quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong quá khứ, hiện tại, tương lai.
Một buổi chiều thu Hà Nội nắng vàng ươm như trải mật, trong tư gia giản dị, an yên của nhà đàm phán kỳ cựu Nguyễn Đình Lương trên phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội, đối lập với phố xá ồn ào và tiếng bán mua của những hàng trái cây ngoài cổng, bằng chất giọng ấm áp, sôi nổi xứ Nghệ, ông luôn khiêm nhường tự nhận mình chỉ là “người thợ cày” cần mẫn trên cánh đồng BTA, với khát khao duy nhất là mang lại lợi ích cho đất nước, để Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Vóc người thấp đậm, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt nheo nheo như cười khi trò chuyện với những câu từ minh triết, trí tuệ và đầy hóm hỉnh, nhà đám phán bậc thầy ngẫm lại hành trình gập ghềnh, gian khó đã qua. Ông bảo, nếu không sinh ra từ vùng đất nắng gió xứ Nghệ, không được rèn giũa bản lĩnh trong sự kiên cường, khó nhọc từ thuở ấu thơ, có lẽ, ông khó lòng vượt qua tầng tầng, lớp lớp khó khăn để đi đến cái kết có hậu như mơ, nơi tràn đầy hoa trái ngọt lành.
Theo ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) phía Việt Nam, việc Tổng thống Joe Biden thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là chuyến đi mang đậm tính lịch sử và tương lai quan hệ hai nước đang rất rộng mở. Sau chuyến đi này của ông Joe Biden, sẽ có làn sóng mới đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ.
Thưa ông, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 10 đến 11/9/2023 - đúng vào dịp hai nước kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, xin ông chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về sự kiện này?
Tôi rất vui. Tôi cho rằng, đây là một chuyến đi mang đậm tính lịch sử. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời đến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ đã thừa nhận chính thể của Việt Nam.
Sau khi BTA được ký kết, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ đều đến Việt Nam, nhưng chủ yếu là các chuyến thăm ngoại giao. Còn lần này, Tổng thống Joe Biden sang Việt Nam để xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Việt Nam, thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, khám phá các cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở các nước khu vực.
Điều này chứng tỏ, Chính phủ Hoa Kỳ rất coi trọng Việt Nam và Việt Nam khá quan trọng. Quan trọng vì chiến lược Đông Nam Á - Thái bình Dương không thể thiếu Việt Nam, có lẽ, ông Joe Biden xác định như thế. Cùng với đó, Việt Nam đang phát triển, kinh tế đang lên nhanh, chính trị lên nhanh, là hình mẫu để nhiều nước trên thế giới noi theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9/2023. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, theo quan sát của ông, quan hệ giữa hai nước đã thay đổi như thế nào trong gần 3 thập kỷ qua?
Sự thay đổi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thực sự quá nhanh!
Thay đổi ở chỗ, từ kẻ thù “không đội trời chung”, trở thành bạn. Phải nói rằng, hậu quả chiến tranh giữa hai nước trước đây quá sâu sắc, quá nặng nề. Thế nhưng, năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, đến năm 2013, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hơn 240 lần từ khi bình thường hóa quan hệ, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 123,9 tỷ USD vào năm 2022.
Đó là những con số không tưởng tượng nổi.
Kể từ khi BTA được ký kết, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, thành đối tác. Trong quá trình phát triển này, kinh tế là trụ cột. Kinh tế càng phát triển nhanh bao nhiêu thì giao lưu càng nhiều, càng hiểu nhau, càng tin tưởng nhau. Từ đó, mới phát triển được các vấn đề hợp tác khác, đơn cử như an ninh, quốc phòng.
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000, tại Thủ đô Washington D.C. |
Thưa ông, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã mở ra cánh cửa hội nhập cho Việt Nam, mở đường cho Việt Nam đàm phán và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương khác. Là Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam, ông nhận thấy kinh tế Việt Nam đã phát triển như thế nào trong 22 năm qua, kể từ khi BTA có hiệu lực?
Đây là lối rẽ của nền kinh tế Việt Nam, là bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam.
Sức nặng pháp lý của BTA đã góp phần giúp Việt Nam phá vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp; làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin - cho" không hiệu quả; bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện; tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu “độc quyền” và “phân biệt đối xử”...
Theo BTA, chúng ta thiết kế lại một khung pháp luật mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa gạt bớt những cản trở trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là huy động mọi tiềm lực xã hội để phát triển.
Có thể nói, BTA đã làm thay đổi tất cả, từ luật pháp, cơ cấu kinh tế, quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác... Việt Nam hiện làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.
Kinh ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ và thế giới tăng nhanh, góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam và giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Sau khi BTA ký kết xong, toàn bộ hệ thống luật lệ của Việt Nam đã phải thay đổi. Đặc biệt, hệ thống luật lệ cho ngành dịch vụ, trước đó Việt Nam chưa từng có, đã được xây dựng.
Chính phủ Việt Nam hiện nay điều hành nền kinh tế hoàn toàn khác, điều hành theo hội nhập, điều hành theo mô hình hiện đại của thế giới. Tôi đặc biệt vui mừng khi nhìn thấy Việt Nam đã và đang hình thành được đội ngũ doanh nghiệp ngày càng hùng mạnh, có tiếng nói.
Đó là những thay đổi lớn lao đối với nền kinh tế.
2 trưởng đoàn đàm phán ký tắt Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 14/7/2000 tại Nhà Trắng. |
Sau khi BTA được ký kết, ông kỳ vọng nhất điều gì?
Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế hiện đại nhất thế giới, và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Với những cam kết vững chắc chưa từng có từ phía Việt Nam trong BTA, đặc biệt là Chương Sở hữu Trí tuệ và Chương Phát triển Quan hệ Đầu tư, và sau đó, theo BTA, Quốc hội Việt Nam tiến hành ngay việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ, tôi chờ mong đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Tôi kỳ vọng một hàm lượng Mỹ nổi trội trong nền kinh tế Việt Nam sẽ giúp đất nước ta nhanh chóng cải tạo cơ cấu kinh tế của mình, giúp Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế lạc hậu, giúp Việt Nam nối tiếp tốt các chuỗi giá trị toàn cầu, và giúp Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực.
Tôi hiểu người Mỹ, hiểu văn hóa và kinh tế Mỹ. Thế nên, tôi luôn mong muốn, khi người Mỹ vào làm ăn ở Việt Nam, “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ” sẽ du nhập, và dần dần phổ biến trong mọi hoạt động kinh tế Việt Nam. Như đã xảy ra ở nhiều nước xung quanh.
Nước Mỹ có nền kinh tế năng động nhất thế giới, có trình độ quản lý kinh tế hiện đại nhất thế giới, và có trình độ công nghệ cao nhất thế giới. Người Mỹ kinh doanh năng động, hiệu quả, có bài bản, có chiến lược, chiến thuật. Người Mỹ quản lý kinh doanh tốt, quản lý chất lượng tốt, quản lý lao động tốt, bảo vệ môi trường tốt, tiếp thị tốt, duy trì năng suất lao động tốt...
Những thứ đó mà du nhập được vào Việt Nam, và người Việt Nam tiếp thu được, chắc chắn người Việt Nam sẽ giỏi, và kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt.
Chúng ta trông chờ đầu tư từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (lũy kế tổng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực đến tháng 8/2023). Bóng dáng “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ” trong nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa rõ nét, dù người Việt Nam sang Mỹ và ngược lại người Mỹ sang Việt Nam khá đông.
Thế mới hay rằng, nhìn thấy hoa thơm quả ngọt, đừng vội tưởng nó sẽ rơi vào tay mình, rụng vào miệng mình. Muốn sờ, muốn hái được hoa trái của BTA, của hội nhập, chúng ta còn nhiều việc phải làm, và phải làm cật lực.
Nguyên nhân nào khiến dòng chảy FDI vào Việt Nam chưa như mong đợi, thưa ông?
Lý do thứ nhất là Việt Nam ở cạnh thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân quá hấp dẫn. Gần như các tập đoàn kinh tế lớn của Hoa Kỳ đã dồn sự quan tâm khai thác thị trường Trung Quốc. Yếu tố này là khách quan, bởi với nhà đầu tư, lợi ích cao hơn hết.
Gần như 500 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ đều dồn về Trung Quốc làm ăn. Số doanh nghiệp đi đầu tư nước ngoài còn lại cũng có quá nhiều mảnh đất màu mỡ, nên nước nào có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn sẽ được doanh nghiệp Hoa Kỳ lựa chọn nhiều hơn.
Thứ nữa là môi trường pháp lý, kinh doanh của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn. Trong khi, người Mỹ sẽ đầu tư chỉ khi nào thực sự yên tâm với đồng tiền bỏ ra.
Với Mỹ, tôi kỳ vọng nhất vẫn là xuất khẩu, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục tăng, Mỹ vẫn đứng đầu. Còn về đầu tư, tôi kỳ vọng và dự đoán sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Joe Biden lần này, sẽ có một “dòng vàng cắm cờ hoa” mới chảy vào lãnh thổ Việt Nam cũng như làn sóng mới đầu tư vào nước ta, nhất là lĩnh vực công nghệ.
Vậy theo ông, Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để thu hút FDI từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiệu quả hơn?
"Chơi" với Mỹ, chúng ta cần làm bài bản, nghiêm túc, đúng luật. Sau hơn thập kỷ có BTA, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có tăng mà vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng thì chúng ta cần nhìn nhận rõ về môi trường đầu tư của mình, để có chính sách phù hợp thu hút được đầu tư.
Nhưng, trước hết, phải có tư duy hội nhập, phải có kiến thức hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn, mới mong học được cách điều hành kinh tế - xã hội thời hội nhập.
Theo tôi, muốn thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ ta cần làm tốt 3 chính sách cơ bản là: cơ chế phải thay đổi; hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông phải hoàn thiện nhanh; và đào tạo nhân lực. Hoa Kỳ và các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ giúp được ta một phần về đào tạo nhân sự, nhưng cơ chế và hạ tầng cơ sở thì là việc của ta, của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thế giới giờ đây phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nên doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thay đổi về tư duy để bắt nhịp với thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng.
Từ thành công của Hiệp định BTA, ông có nghĩ rằng, trong tương lai Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai nước không?
BTA chủ yếu vạch ra để Việt Nam thay đổi, thực hiện từng bước cho đến khi có nền kinh tế thị trường. Nó khác với một FTA, vì không có thể chế.
Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ phải ký một FTA khác. Trình độ của hiệp định đó phải cao hơn, trong đó có cả thể chế, môi trường... Tôi tiếc khi trước đây, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được ký kết.
Ông nhận định như thế nào về tương lai của quan hệ giữa hai nước?
Tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ rất rộng mở. Việt Nam là đất nước 100 triệu dân, quy mô như vậy là không hề nhỏ. Trong khi đó, kinh tế thị trường ở Hoa Kỳ cho phép bất cứ ai có hàng hóa tốt, cạnh tranh được đều có thể vào đây. Vì thế, nếu có hàng hóa tốt, kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Đặc biệt, kỳ này, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang giúp Việt Nam phát triển công nghệ cao, nên tôi tin rằng, sẽ có làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam sẽ phát triển rất vững. Và hơn thế, khi hợp tác được với Hoa Kỳ, thì chúng ta có thể làm việc được với tất cả các quốc gia, thị trường khác, bởi tiêu chuẩn của Hoa Kỳ rất cao.
Tôi tin, Việt Nam sẽ phát triển nhanh, vì theo tôi quan sát, các nước phát triển xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, xa hơn là Australia, Hoa Kỳ… đều muốn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, chiều 10/9/2023. (Ảnh: Đức Thanh) |
Chương 2 - Người thợ cày trên cánh đồng BTA