Nhà có… nhiều chị em gái!

Nhà có… nhiều chị em gái!

(ĐTCK) Cậu em thám tử, tên chính thức ghi trong công ty là cung cấp dịch vụ thông tin dân sự, kể cho tôi nghe về một bi kịch gia đình đã được chứng kiến.

Đôi khi gia đình tan vỡ tình cảm chỉ vì phân chia căn nhà hương hỏa của ông bà, cha mẹ không đồng đều.

1) Bữa rồi, một cậu em làm công việc, tạm gọi là thám tử, tên chính thức ghi trong công ty là cung cấp dịch vụ thông tin dân sự, kể cho tôi nghe về một bi kịch gia đình đã được chứng kiến.

Nhà bà cụ khách hàng ấy ở tận Sóc Trăng, nhưng cô con gái lớn đã phải thay mẹ lên Sài Gòn để kiếm tìm sự giúp đỡ. Chẳng hiểu ai mách thế nào, lại tới gặp thám tử, dù không phải vụ việc theo dõi hay điều tra gì.

Bà cụ ấy đã ngoài 80 tuổi, sau cả cuộc đời chắt bóp dành dụm, thì tài sản còn lại là căn nhà 4 tầng lầu khu trung tâm thành phố. Bà có 4 cô con gái, nhưng chỉ có con gái đầu là không lấy chồng, ở chăm sóc và phụ giúp việc buôn bán với mẹ sau khi cha qua đời. Ba cô sau đã ổn định gia thất, có nhà cửa khá giả và đều cách xa nhà mẹ đẻ chừng hơn 100 km.

Dù không được quần tụ như nhiều gia đình khác, nhưng 4 chị gái khá hòa thuận và đầm ấm. Cho đến khi bà cụ quyết định làm di chúc, để lại căn nhà cho 4 người con với cách chia 50% dành cho cô đầu và 50% còn lại chia đều cho 3 người con sau.

Lý do bà đưa ra rất đơn giản: con gái lớn không chồng con nên cần khoản tiền dưỡng già sau này. Hơn nữa, đã bao nhiêu năm trôi qua, cô đã hy sinh tuổi thanh xuân để chăm sóc cho mẹ. Những lúc bà ốm đau đều nhờ đến tay chị cả, còn các cô em do điều kiện lập gia đình xa, nên chỉ thỉnh thoảng mới về chơi. Vậy thì sự phân chia ấy là hợp tình, hợp lý.

Ấy nhưng, 3 cô con gái cùng sự hậu thuẫn của 3 đấng lang quân, phản đối mẹ và chị quyết liệt. Họ nói lớn giọng trong nhà không xong, thì mang đơn từ rải khắp nơi. Tất nhiên, chẳng cơ quan nào có quyền can thiệp vào sự chia chác và bản di chúc của người mẹ già còn vô cùng minh mẫn. Mọi chuyện bùng nổ đỉnh điểm khi toàn bộ vợ chồng, con cái của gia đình 3 cô kia lập tức chuyển về “chiếm cứ” mỗi người 1 tầng lầu. Cảnh cãi vã nhau xuất hiện không chỉ hàng ngày, mà hàng giờ, khiến sức khỏe của bà cụ bị suy giảm nghiêm trọng.

Bà cụ muốn nhờ các thám tử (chứ không phải luật sư) đưa ra các phương án khách quan và cân bằng. Tất nhiên, thám tử nào mà làm được những chuyện khúc mắc ấy. Nhưng họ vẫn xuống tận nơi, nhờ bạn bè làm công an, tòa án tới khuyên nhủ tất cả mọi người trong gia đình ấy trên danh nghĩa tình cảm cá nhân. Cuối cùng, 3 người con kia đã đồng ý “rút quân” và chấp nhận chia theo bản di chúc của mẹ già tội nghiệp.

2) Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương đã từng viết kịch và phim mang tựa đề: “Nhà có 3 chị em gái”, rồi sau đó lại tiếp tục viết: “Nhà có 5 anh em trai”. Tựa đề bài viết này của tôi, chỉ nhái theo các tác phẩm của nữ biên kịch xinh đẹp Thu Phương mà thôi. Chỉ cần đọc tựa, cũng đã đủ để hiểu bao nhiêu sự “nhiều chuyện” phức tạp xoay quanh gia đình.

Căn nhà, nơi chốn đi về suốt những tháng năm thơ ấu và trẻ dại, đã trở thành món hàng đặt lên bàn cân tính toán bởi những con người có chung dòng máu ruột thịt. Con mâu thuẫn với cha mẹ, anh gây sự với em, em từ mặt chị… có thể chỉ bởi tờ giấy di chúc của ông bà, cha mẹ.  Chuyện có thể còn phức tạp hơn nếu các cụ qua đời mà không có di chúc.

Thời gian gần đây, người Việt bắt đầu có ý thức về chuyện tài sản trước hôn nhân. Căn nhà được mua trước khi đăng ký kết hôn thì đã rõ ràng rồi, nhưng có khi, căn nhà được mua trong thời gian chung sống vợ chồng, vẫn có người đề nghị vợ hoặc chồng có đơn từ chối tài sản để rảnh rang hơn trong việc mua bán, hay nghĩ tới chuyện xa hơn là cuộc hôn nhân tan vỡ. Cá biệt hơn, có những hợp đồng hôn nhân được xác lập cùng nhiều điều khoản được hai bên thống nhất. Người ta rõ ràng và sòng phẳng. Tình ra tình, tiền ra tiền. Không nhập nhằng để tránh hậu họa. Nghĩ gần thì thấy cạn tình, nhưng nghĩ xa, theo cá nhân tôi, đó là cách văn minh nhất, dù không ai muốn tình cảm gia đình tan vỡ.

3) Chị bạn tôi kể chuyện, có ông anh bà con khá giàu có, nhưng hậu vận thì trắng tay. Ông có vợ và 2 người con, nhưng vì chẳng tin ai ngoài cô em ruột, nên toàn bộ tiền bạc làm ra được, ông mua nhà và nhờ em đứng tên. Một ngày, ông chạy xe gắn máy tông vào cột điện nên bị thương khá nặng. Người ta kêu vợ con ông tới và đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nằm trên băng ca, trong tình huống thập tử nhất sinh, ông chỉ kịp cầm tay vợ và kêu một câu duy nhất: “Thôi, thế là mất hết tất cả rồi!”.

Người đàn ông bạc số ấy đã nhắm mắt xuôi tay trong nỗi niềm ân hận. Mọi việc sau đó được chứng minh: cô em gái chiếm hết tài sản bao gồm nhiều căn nhà phố và căn hộ đã được anh trai nhờ đứng tên. Chị dâu và các cháu, để có tiền lo toan viện phí và đám tang đã phải bán căn nhà lớn đang ở, rồi mua căn nhà nhỏ hẹp trong con hẻm nhỏ xa trung tâm thành phố.

Những bi kịch ấy, có lẽ kể vài cuốn sách, cũng vẫn còn. Dù cho có nhiều cách thức hợp pháp để tài sản chỉ mang lại niềm vui chứ không ào tới nỗi bất hạnh cho người thân yêu. Nhưng tiếc rằng, nhiều người vẫn thờ ơ vô cùng.

Tin bài liên quan