LienVietPostBank đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020 trước 3 tháng. Ảnh: Dũng Minh

LienVietPostBank đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020 trước 3 tháng. Ảnh: Dũng Minh

Nhà băng về đích sớm kế hoạch lợi nhuận 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết ngân hàng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận, song cũng tạo “điều kiện” để ngân hàng về đích sớm.

Cán đích trước 1-3 tháng

Sau 11 tháng của năm 2020, tổng tài sản MSB tăng 13% lên hơn 166.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và vượt 60% kế hoạch năm.

Hết tháng 11/2020, ABBank đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 18,28%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn (CAR) đạt 10,64%. Theo số liệu đến hết ngày 30/11, tổng tài sản ABBank đạt 92.337 tỷ đồng; huy động từ khách hàng đạt 72.013 tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 65.048 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân đạt 29.141 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019 và tăng 16% so với đầu năm; cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.833 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và 19% so với đầu năm.

ACB cho hay, tính đến ngày 30/11/2020, tổng tài sản đạt gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm; huy động đạt 343.000 tỷ đồng, tăng là 11,5%; tín dụng đạt 305.000 tỷ đồng, tăng 13,7%. Nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Sớm hơn, các ngân hàng Sacombank, VIB đều cho biết đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020 sau 10 tháng. Chẳng hạn, VIB đạt 4.560 tỷ đồng trước thuế, vượt kế hoạch cả năm 2020 là 4.500 tỷ đồng và kết quả của năm 2019 là 4.080 tỷ đồng. “Đáng nể” hơn, LienVietPostBank đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020 chỉ sau 9 tháng khi ghi nhận 1.741 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tính đến hết quý III/2020.

Việc nhiều ngân hàng sớm về đích là một tin vui, nhưng cũng cần nói thêm rằng kết quả này đến từ việc đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với dự kiến đưa ra hồi đầu năm với mức giảm phổ biến từ 10-20%.

Đơn cử, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra hồi tháng 6/2020 - thời điểm đánh giá được tác động của đợt dịch trong tháng 4/2020, các cổ đông ACB đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 khoảng 7.636 tỷ đồng, giảm so với con số dự kiến hồi đầu năm là 8.700 tỷ đồng.

Hay như LienVietPostBank đã giảm mục tiêu lợi nhuận 2020 thấp hơn 17% so với kết quả của 2019. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, dự báo quý cuối năm nay, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, nên Ban Lãnh đạo LienVietPostBank tin tưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động của Ngân hàng.

Với Sacombank, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt ra cho năm 2020 là 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện năm 2019... Tuy nhiên, Ban Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết sẽ phấn đấu vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay, tức ở mức tương đương năm trước và khả năng sẽ hoàn thành được khi đã cán đích lợi nhuận trước 2 tháng.

Cổ phiếu “vua” còn nhiều dư địa tăng giá

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về triển vọng lợi nhuận quý cuối năm, lãnh đạo nhiều nhà băng cho hay, đà tăng trưởng tín dụng cao mùa kinh doanh cao điểm cuối năm sẽ giúp lợi nhuận tiếp tục tăng.

Thực tế, tăng trưởng dư nợ của ngành ngân hàng đang từng bước cải thiện trong những tháng cuối năm 2020 và không ít ngân hàng được nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Điều này sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận của ngân hàng trong quý IV/2020.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, trong 11 tháng qua, tín dụng đã tăng 10% và mới được Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room lên 14%. ACB cho hay, tăng trưởng tín dụng 11 tháng đầu năm nay đạt 13,7%, tăng so với mục tiêu đặt ra cho năm nay khoảng 11,75% và nợ xấu được kiểm soát dưới 1%. Một lãnh đạo cấp cao Nam A Bank cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đang dần cải thiện trong những tháng cuối năm.

Mặc dù mục tiêu vượt qua là lợi nhuận điều chỉnh, nhưng kết quả khả quan này cùng với những dự báo tích cực về ngành ngân hàng cũng như làn sóng niêm yết, chuyển sàn đã tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu “vua” thời gian qua.

Đơn cử, cổ phiếu ACB đã tăng 8% trong ngày đầu chào sàn vào 9/12 vừa qua và tiếp tục đi lên khi đóng phiên sáng 25/12 ở mức 27.950 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ACB với kỳ vọng lợi nhuận sẽ tích cực và ổn định hơn trong năm 2021 cũng những năm tới, nhất là sau khi ngân hàng này ký kết hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khoản phí trả trước (upfront fee) mà ACB nhận được từ thương vụ này vào khoảng 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn hẳn so với ước tính trước đây là tối thiểu 90 triệu USD). Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho hay, Ngân hàng đang cân nhắc để đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 2021 phù hợp với thực tế.

Ngoài ACB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đã tăng không dưới 20-40% so với hồi đầu năm như CTG, STB, VPB, HDB…, thậm chí SHB còn tăng tới hơn 90%.

Không chỉ trên sàn niêm yết, các cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UPCoM cũng trong xu hướng đi lên từ đầu năm. Đơn cử, cổ phiếu NAB của Nam A Bank hiện giao dịch quanh mức 15.100 đồng/cổ phiếu, tăng so với mức giá 13.500 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM hồi giữa tháng 10/2020. NAB chuẩn bị chuyển sang niêm yết trên HOSE dự kiến vào đầu năm 2021 cũng là thông tin tích cực lên thị giá cổ phiếu này.

Thị giá cổ phiếu BVB của Viet Capital Bank hiện ở mức 14.600 đồng/cổ phiếu - cũng tăng so với mức giá phiên chào sàn vào đầu tháng 7/2020. Hay như cổ phiếu KLB của Kienlongbank trong tuần giao dịch từ ngày 14-18/12 là mã tăng giá mạnh nhất ngành với mức tăng gần 21%...

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, nên ngành được xem là huyết mạch của nền kinh tế như ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng. Đó là chưa kể thị giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay đang được định giá khá thấp so với mức tăng trưởng của các ngân hàng nên cơ hội tăng còn nhiều. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu “vua” trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm tới khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn và tín dụng tích cực trở lại, việc đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận…, cổ phiếu ngân hàng có nhiều dư địa để tăng giá.

“Tất nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều tăng, mà có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng. Đồng thời, nợ xấu vẫn là một trong những rào cản tác động tới lợi nhuận do dự phòng rủi ro bị kéo tăng”, ông Khánh nói.

Tin bài liên quan