Ngân hàng vào cuộc chống dịch
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Anh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB cho hay, SCB đã rà soát và đánh giá những đối tượng sẽ chịu tác động lớn của dịch nCoV, gồm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú; du lịch, nhà hàng - ăn uống;
Các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (điển hình là doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thủy sản); các khách hàng có nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc…
Theo đó, cơ chế hỗ trợ của SCB được ông Dũng cho biết, đó là giảm lãi suất cho vay và giảm phí thanh toán quốc tế.
Cụ thể, giảm 0,5% so với mức lãi suất thông thường đối với khoản vay ngắn hạn; giảm 1% so với mức lãi suất thông thường đối với khoản vay trung - dài hạn.
Giảm phí thanh toán quốc tế dành cho doanh nghiệp sản xuất dược, thiết bị y tế (bao gồm vật tư y tế) chịu tác động lớn của dịch nCoV với mức giảm 30% phí phát hành L/C so với mức phí thông thường.
“Thời gian ưu đãi lãi suất sẽ kéo dài đến cuối năm và tùy theo diễn biễn dịch bệnh, SCB sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ cơ cấu lại các khoản nợ của khách hàng như giãn nợ, tái cấu trúc khoản vay phù hợp với tình hình dịch bệnh và thực tế của khách hàng”, ông Dũng nói.
Cũng với đối tượng khách hàng chịu tác động từ dịch nCoV, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, Ngân hàng thực hiện biện pháp đầu tiên là cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các khách hàng, không tính lãi phạt...; biện pháp thứ hai là giảm 1%/năm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu ngắn hạn bằng VND, giảm 1,5%/năm lãi suất trung - dài hạn; giảm 0,5%/năm lãi suất các khoản vay ngắn hạn và 0,75%/năm các khoản vay trung - dài hạn đối với khách hàng vay USD hiện hữu.
Với các khoản vay mới, sẽ giảm lãi suất tối đa 1%/năm khi vay bằng VND và 0,5%/năm khi vay bằng USD. Thời gian áp dụng ưu đãi từ 11/2 đến 30/4/2020.
“Dư nợ của các khách hàng nói trên hiện đạt khoảng 30.000 tỷ đồng và ước tính Vietcombank sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng không tính đến thiệt hại, mà quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn”, ông Tùng nói.
Thống kê của VPBank cho thấy, tổng số khách hàng bị tác động trong đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
“Những doanh nghiệp chịu thiệt hại sẽ được VPBank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số yêu cầu nhất định”, một lãnh đạo cao cấp VPBank thông tin.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, đối với hoạt động cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, hiện thiệt hại chưa thể đánh giá được cụ thể, song Ngân hàng đang bám sát diễn biến dịch bệnh để có thể nhận diện kịp thời những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng. Agribank cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Không tăng lãi suất, kể cả huy động và cho vay
Phân tích tình hình sơ bộ đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dịch cúm có tác động tới nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực bị gián đoạn trên diện rộng, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận tải, du lịch, sản xuất - nuôi trồng - chế biến nông sản…
Một số ngành chịu tác động 2 chiều như dệt may, da giày, logistic…, bên cạnh một số ngành được cho là hưởng lợi như dược phẩm, vật tư y tế, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
“Dự báo tình hình cho thấy dịch cúm còn diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, từ đó ảnh hưởng tới việc đi vay và trả nợ ngân hàng.
NHNN đã có văn bản chỉ đạo, có giải pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đề nghị các ngân hàng theo dõi sát sao, đồng thời chỉ đạo các chi nhánh nắm bắt những vướng mắc từ thực tế để báo cáo cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp trình Chính phủ”, ông Hùng nói.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV; chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.
Về phía Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để báo cáo và có phương án xử lý kịp thời.
“NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, nên các ngân hàng không tăng lãi suất, kể cả huy động và cho vay. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có những điều chỉnh để gián tiếp giúp các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Đối với TCTD, Phó thống đốc yêu cầu chủ động đánh giá khả năng, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch.
“Doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn thì ngành ngân hàng mới khoẻ mạnh”, Phó Thống đốc nói.
Bên cạnh đó, Phó thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng chương trình hành động, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch nCoV gửi NHNN trước ngày 12/2, bao gồm một số nội dung như cơ cấu lại nợ, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi, cho vay mới, hoãn trả lãi trong thẩm quyền…
Bên cạnh đó, lãi suất theo tinh thần giảm phải được thông tin rộng rãi cho khách hàng.
“Đây là cơ hội để các tổ chức tín dụng thể hiện năng lực, cũng như trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, người dân”, Phó thống đốc nhấn mạnh.