Tại Chỉ thị, Thống đốc cũng yêu cầu, đối với các đơn vị tại NHNN Trung ương, thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp;
Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Trước đó, NHNN chính thức giảm lãi suất điều hành từ 17/3, kéo theo mặt bằng lãi suất cả đầu vào và đầu ra giảm theo.
Tại Vietcombank (VCB), Ngân hàng giải ngân mới hơn 41.000 tỷ đồng, giữ nguyên nhóm nợ trên 8.200 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng. VCB đang xem xét cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với các khoản dư nợ khác trong số 50.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.
HDBank thì giảm thêm mức 5%/năm lãi suất cho vay cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ so với lãi vay thông thường.
Ngân hàng Bản Việt cho biết đã cơ cấu lại nợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, các doanh nghiệp đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5 - 1%/năm, tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn.
Gói vay hỗ trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 1.000 tỷ đồng. Ðối với khách hàng cá nhân, Ngân hàng cũng có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay phù hợp với từng đối tượng.
PVcomBank đã thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng ứng phó với dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Theo đó, đối với doanh nghiệp, người dân vay vốn đáp ứng đủ các điều kiện: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch sẽ được tiến hành đánh giá, xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ.
Ðồng thời, PVcomBank triển khai gói tín dụng quy mô lên đến 10.500 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi từ 7,49%/năm phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, mua ô tô, xây sửa nhà…
Nam Á Bank cũng tiếp tục thực hiện giảm lãi vay lên đến 2%/năm hiện hành đối với các khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch. Hay SCB tung gói vay ưu đãi lãi suất chỉ 8,9%/năm dành cho doanh nghiệp.
Không chỉ tập trung nguồn lực để giảm lãi vay, Thống đốc NHNN yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và chịu trách nhiệm trước Thống đốc về kết quả thực hiện.
NHNN sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ðồng thời, các ngân hàng phải tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Về phía điều hành, NHNN khẳng định sẽ cho vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có đảm bảo bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.