Nguyễn Trung Hà: Làm Chủ tịch HĐQT giỏi rất khó là CEO cừ

Nguyễn Trung Hà: Làm Chủ tịch HĐQT giỏi rất khó là CEO cừ

(ĐTCK) Giữa bộn bề công việc cuối năm, Chủ tịch HĐQT CTCK Thiên Việt (TVS) Nguyễn Trung Hà vẫn “hào phóng” dành nguyên một buổi chiều để dông dài chuyện đời, chuyện kinh doanh với phóng viên ĐTCK. Ông mở lòng nhiều điều về cuộc sống, kinh doanh, khác hẳn với vẻ bề ngoài kín tiếng, thậm chí khó gần như cánh nhà báo về tài chính, chứng khoán nhận xét.

Nguyễn Trung Hà là một trong những học sinh hạng ưu toàn quốc được tuyển chọn để gửi đi đào tạo ở Liên Xô. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lômônôxôp với chuyên ngành toán học, ở thời đó, tương lai với Nguyễn Trung Hà gần như đã được định sẵn là làm nghiên cứu khoa học. Quả vậy, về nước, Nguyễn Trung Hà được nhận vào làm việc ở Viện Cơ học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam ngày nay.

Giữa lúc con đường thăng tiến tại Viện Cơ học đang thuận lợi, Nguyễn Trung Hà bất ngờ thử thách số phận với nghiệp kinh doanh, khi cùng một số đồng nghiệp thành lập Công ty FPT.

“Lúc xin đi khỏi Viện, tôi rất khó nói với lãnh đạo Viện, cũng như các đồng nghiệp, vì kể từ khi về Viện, tôi được ưu ái lắm. Không phải qua giai đoạn tập sự, tôi vào thẳng biên chế, ít lâu sau được cất nhắc lên vị trí trưởng phòng, rồi vào Hội đồng khoa học của Viện. Ngại nhất là người khác nghi ngại không biết có ai ngược đãi, o ép gì mình không, mà đến mức phải dứt áo ra đi. Thực tế không hề có chuyện này, mà hoàn toàn vì lý do khác”, ông Hà chia sẻ. 

Lý do đó là gì, thưa ông?

Sau khi tham gia thành lập FPT, tôi vẫn thuộc biên chế của Viện Cơ học, vẫn ăn lương đầy đủ của Viện, nhưng chỉ làm rất ít cho Viện, thời gian chủ yếu là làm cho FPT. Quá áy náy với tình trạng “chân trong, chân ngoài”, nên tôi xin ra khỏi biên chế. 

Từ đó ông bỏ khoa học, làm kinh tế?

Tôi đâu có làm kinh tế, tôi kinh doanh. Tôi cũng chưa kịp nghiên cứu khoa học nữa. 

Nhưng làm kinh tế và kinh doanh có khác nhau gì nhiều đâu?

Có chứ. Làm kinh tế là làm những gì tốt cho đại chúng, quan tâm đầu tiên là tổng lợi ích của tất cả các bên (xã hội) là số dương, còn làm kinh doanh quan tâm đầu tiên là lợi nhuận cho mình. Làm kinh tế đòi hỏi phải làm tốt tuyệt đối, còn làm kinh doanh đòi hỏi phải làm tốt tương đối (tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, so với các sản phẩm cùng loại…). 

Vậy từ khi nào ông dấn thân vào làm kinh doanh?

Dấn thân gì đâu. Cuộc đời đưa đẩy thôi. Bắt đầu bằng buôn bán lặt vặt vài thứ hàng hóa từ Liên Xô, sau đó mở rộng thêm hàng từ các thủy thủ VOSCO. Làm hoàn toàn bản năng, không có tư tưởng gì. May mắn là lời lãi cũng được. Có lẽ những thắng lợi ban đầu làm tôi có suy nghĩ sai lầm rằng, mình giỏi kinh doanh, nên đã quyết theo hướng kinh doanh. Sau này, nhờ học thêm và có các sai lầm trong kinh doanh, tôi mới biết mình rất dốt. 

Được biết, lối kinh doanh của ông không ồn ào, bước đi có phần chậm, nhưng đã làm là hiệu quả, chặt chẽ đến từng chi tiết nhỏ để tính chuyện lớn. Điều gì đã chi phối ông trong việc định hình phong cách kinh doanh như vậy?

Kinh doanh không ồn ào? Tôi không hiểu nhận xét này. Có lẽ bạn “nghe” tiếng ồn ào từ hành động mà không “nghe” thấy tiếng ồn ào từ ý tưởng chăng?

Sau khi làm việc mang tính điều hành nhiều ở FPT, ACB rồi TOGI, tôi mới hiểu rằng, mình điều hành quá tệ. Năm 2002, nhân dịp 40 tuổi, tôi tuyên bố “nghỉ hưu” điều hành. Lúc ấy, tôi nghĩ sẽ quay sang làm về các sản phẩm phái sinh vào khoảng năm 2010 - 2012, thế mà đến giờ, thị trường các sản phẩm phái sinh vẫn chưa bắt đầu phát triển. Dù muộn hay không, tôi cũng ngộ ra rằng, không thể đồng thời làm tốt công việc mà xác định rõ là cần phải làm gì và làm tốt nhiều việc đó như thế nào.

Có nghĩa là không thể vừa làm chủ tịch HĐQT tốt, vừa làm tổng giám đốc giỏi. Tôi rất may mắn khi có được nhiều bạn, đồng sự làm điều hành tốt, nên tôi chỉ còn mỗi việc… “chém gió” thôi. Nếu bạn thấy tôi hành động có phần bảo thủ là bởi tôi làm việc chủ yếu với các cơ hội - rủi ro, do đó thường nhìn thấy nhiều nguy cơ. 

Phải chăng vì ngấm điều đó mà ông chỉ làm chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của hàng chục công ty, nhưng hầu như không ngồi vào ghế CEO của doanh nghiệp nào?

Tự nhiên thôi, vì nếu bạn cứ cố chiếm lấy vị trí không phù hợp, thì chỉ có hại cho bạn mà thôi. Công việc của HĐQT không phải là thường nhật. Tham gia nhiều công ty, nhưng đa phần tôi chỉ cùng các nhân sự chủ chốt khác đưa ra đường hướng phát triển, chứ không tham gia điều hành trực tiếp hàng ngày.

Tin bài liên quan