Nguyễn Thị Cẩm Hằng, sáng lập Công ty Cao Nguyên Bình Phước
Động lực để Nguyễn Thị Cẩm Hằng mở nhà máy sản xuất than gáo dừa khi đương nhiệm vị trí giám đốc chi nhánh tại một ngân hàng không chỉ vì nhìn thấy cơ hội từ thị trường, mà còn vì mục tiêu tạo việc làm ổn định cho người dân ở quê hương.
Bài học từ sự đổ gãy hợp tác
Cẩm Hằng gặp tôi sau khi cô vừa kết thúc cuộc thỏa thuận bán căn hộ còn lại để có tiền đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất than gáo dừa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước do cô thành lập từ đầu năm nay.
Bắt đầu sản xuất than gáo dừa từ năm 2015 với nguồn vốn từ một đối tác nước ngoài góp vào để lập nhà máy sản xuất đầu tiên tại Bình Dương, nhưng đến cuối năm 2019, Cẩm Hằng ra đi tay trắng khi một số thỏa thuận bằng miệng không được thực hiện như cam kết ban đầu.
Điều hành doanh nghiệp hơn 2 năm, hình thành hệ thống sản xuất, xây dựng thương hiệu… rồi phải dời đi, Cẩm Hằng đã tự rút ra nhiều bài học.
“Nếu chỉ nhìn vào những điều tiêu cực, tôi sẽ không thể làm lại khi quyết định mở nhà xưởng thứ hai”, Cẩm Hằng bộc bạch. Cô bảo, hơn 2 năm làm việc cùng đối tác, cô xem như thời gian học nghề. Dù mối quan hệ hợp tác đổ gãy, nhưng cô đã có cơ hội học hỏi để tiếp tục thực hiện ước mơ mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng, đặc biệt là người dân ở quê hương mình.
Năm 2018, sau 16 năm công tác trong ngành tài chính - ngân hàng, Cẩm Hằng quyết định rời vị trí giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại để dò dẫm những bước đầu tiên vào nghề sản xuất than gáo dừa nhân một dịp tình cờ.
Khi đó, Cẩm Hằng phải xử lý một vụ việc hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ với một người nước ngoài đang mua than tại Việt Nam và phân phối đến nhiều thị trường. Bằng sự nhạy cảm của một người có “máu kinh doanh”, Cẩm Hằng đã nhìn thấy cơ hội từ thị trường. Theo tìm hiểu của Cẩm Hằng, riêng thị trường Dubai có nhu cầu khoảng 200 container than các loại mỗi tháng, do thói quen ăn các món nướng tại nhà và hút shisha.
Sau thời gian quen biết, cô cùng người bạn mở xưởng sản xuất nhỏ, sau đó mang sản phẩm đến một triển lãm, rồi gặp gỡ đối tác góp vốn lập nhà máy ở Bình Dương.
Khi hợp tác đổ vỡ, Cẩm Hằng phải bán nhà, cộng với phần hỗ trợ từ họ hàng, bạn bè, cô xây dựng nhà máy trong khuôn viên 11.000 m2 ngay tại quê hương Bình Phước.
Hiện xưởng chỉ có một dây chuyền, công suất khoảng 10 - 12 tấn/ngày. Chạy hết công suất, vẫn cần đến 5 ngày mới đủ 1 container hàng để xuất khẩu, trong khi đó, nhu cầu của thị trường rất lớn. Đó là lý do Cẩm Hằng quyết định bán căn nhà thứ hai.
Muốn tạo nhiều việc làm cho người dân quê hương
Hai tháng sau khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước đã xuất khẩu container than gáo dừa đầu tiên vào tháng 4/2020.
Tại thị trường nội địa, than gáo dừa mang thương hiệu Tcha Tchello và Highland Cool của Công ty cũng được tiêu thụ tại chuỗi nhà hàng nướng Barbecue Garden, khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ (Bình Phước)...
Cẩm Hằng cho biết, nhu cầu tiêu thụ than tại thị trường nội địa khá lớn, nhưng than gáo dừa lại chưa được ưa chuộng, dù loại than này có nhiệt lượng cao hơn than củi, cháy hoàn toàn và an toàn.
Nguyên liệu sản xuất than gáo dừa được Công ty Cao Nguyên Bình Phước mua từ than do người dân miền Tây đốt ra từ gáo dừa, sau đó xay mịn và trộn với nước để tạo khuôn, tùy từng loại.
Khi được hỏi tại sao không đặt nhà máy gần vùng nguyên liệu, Cẩm Hằng bảo: “Nếu nhà máy gần vùng nguyên liệu, thì tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng không được lợi về công nhân, bao bì và công việc tìm kiếm khách hàng, vì tôi xác định sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu”.
Một lý do quan trọng nữa là, Nhà máy đặt tại Bình Phước có thể tạo ra nhiều việc làm cho người dân quê hương, trong đó có cả những thành viên trong gia đình của Cẩm Hằng.
Hiện nay, ngoài những khách hàng ở Trung Đông, các đối tác của Công ty Cao Nguyên Bình Phước tại Đức, Australia, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng số lượng từng đơn hàng và mỗi khách đều có thói quen mua hàng khác biệt.
Dẫu còn khó khăn, nhưng Cẩm Hằng không giấu tham vọng tiếp tục chinh phục những thị trường lớn.
Trò chuyện với Nguyễn Thị Cẩm Hằng
Điều gì khiến chị nghỉ việc ở ngân hàng để bước vào ngành sản xuất mà mình không có kinh nghiệm, khi đã ở tuổi 40?
Khi thấy bản thân không cống hiến được nhiều nữa, thì tôi sẽ dừng lại. Hơn nữa, tôi muốn chủ động trong kinh doanh. Lập nhà máy ở quê hương sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng. Làm ngân hàng, chắc chắn tôi sẽ có vị trí cao, nhưng chỉ mang lại lợi ích cho mình. Nếu muốn giúp đỡ người thân, chỉ có thể hỗ trợ họ vài triệu đồng, nhưng khi mở nhà máy, sẽ tạo cho họ công việc, giúp họ có kỹ năng làm việc, nâng dần khả năng làm quản lý.
Giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, việc sản xuất của nhà mày có bị xáo trộn?
Covid-19 bùng phát, nhiều chủ doanh nghiệp đóng cửa nhà máy, chờ thị trường thuận lợi mới mở lại. Làm vậy lợi cho mình, nhưng công nhân bị nghỉ việc sẽ không có tiền để sống. Vì vậy, tôi cố gắng duy trì sản xuất. Sinh mệnh của nhiều người gắn liền với mình chính là động lực để mình phải phát triển hơn nữa.