Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín sắp hầu tòa

Vụ án “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí,” trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín sẽ được xét xử trong 3 ngày là 26, 27 và 30/12.
Bị can Nguyễn Hữu Tín. (Nguồn: TTXVN)

Bị can Nguyễn Hữu Tín. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong đó có bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, vụ án được xét xử trong 3 ngày là ngày 26, 27 và 30/12/2019.

Giao đất công cho doanh nghiệp

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bị can gồm Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố);

Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố); Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các bị can Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và các bị cáo khác đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79) thâu tóm nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá rẻ, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Cụ thể, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín là người được giao phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thức rõ nhà, đất số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, việc tham mưu sắp xếp, xử lý thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 09 thành phố.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận đề nghị về việc cho phép Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được trực tiếp ký hợp đồng thuê đất tại số 15 Thi Sách thì ông Tín không báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;

Không giao Ban Chỉ đạo 09 tham mưu đề xuất mà đã bút phê chỉ đạo: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục.”

Sau đó, các bị can Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út đã tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách trái quy định.

Hậu quả là Nhà nước bị thất thoát hơn 6,7 tỉ đồng do Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 17/9/2018).

Đồng thời, hành vi vi phạm của các bị can tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng, bán và cho thuê cho 114 khách hàng trong và ngoài nước, thu hơn 1.033 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của các bị can còn gây thiệt hại cho những người thứ ba trong giao dịch, mua bán hợp pháp tại số 15 Thi Sách.

Triệu tập đại diện nhiều cơ quan Nhà nước

Để phục vụ việc xét xử vụ án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập đại diện nhiều cơ quan nhà nước với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong đó đáng chú ý, Tòa triệu tập đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 09 Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thuế thành phố.

Ngoài ra, Tòa cũng triệu tập đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giám định viên Bộ Tài chính.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ tọa.

Về phía Viện Kiểm sát, các kiểm sát viên Nguyễn Đức Bằng, Ngô Phạm Việt, Lê Thị Đông của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là người tham gia phiên tòa.

Trong quá trình Tòa án thụ lý hồ sơ vụ án, thẩm phán đã nhận được 4 văn bản kiến nghị của các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo kiến nghị nhiều nội dung.

Trong đó đáng chú ý là vấn đề mật, giải mật trong một số tài liệu trong vụ án. Sau đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố xin ý kiến.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Tư pháp, Công an Thành phố tham mưu về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong tố tụng hình sự.

Tin bài liên quan