Nguyễn Hải Quân, sáng lập RGB Coffee: “Sự tinh tế là giá trị cốt lõi khiến khách hàng cảm thấy an tâm”

0:00 / 0:00
0:00
Kinh doanh cà phê ngày càng trở nên phổ biến hơn và được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Chàng trai trẻ Nguyễn Hải Quân cũng chọn cho mình con đường đó.

Kinh doanh cà phê ngày càng trở nên phổ biến hơn và được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Chàng trai trẻ Nguyễn Hải Quân cũng chọn cho mình con đường đó.

Đam mê và quyết tâm theo đuổi mô hình kinh doanh F&B cà phê tới cùng, Nguyễn Hải Quân không ngần ngại khởi nghiệp ngay thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành. Bởi anh cho rằng, “trong nguy luôn có cơ”.

Với vai trò đồng sáng lập RGB Coffee và là Trưởng phòng Marketing của một công ty cà phê, Nguyễn Hải Quân chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, xác định Unique Selling Point (điểm bán hàng độc nhất) chính là một lợi thế trong lĩnh vực F&B, từ đó mỗi thương hiệu, sản phẩm được tạo ra chắc hẳn sẽ đem lại điểm nhấn và giá trị cao hơn”.

Xuất phát điểm là sinh viên chuyên ngành Báo Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Nguyễn Hải Quân (sinh năm 1991, tại Hà Nội) từng làm biên tập viên cho Đài Truyền hình Việt Nam trong 5 năm kể từ khi ra trường. Anh tham gia tổ chức nhiều chương trình truyền hình lớn như: “Điều ước thứ 7”, “Cà phê sáng” “Không giới hạn - Sasuke Việt Nam”...

Sau một thời gian, Nguyễn Hải Quân bén duyên và trở thành chuyên viên truyền thông, marketing thuộc Tập đoàn Vingroup. Được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi từ nhiều doanh nhân thành đạt và uy tín đã giúp Nguyễn Hải Quân quyết tâm khởi nghiệp với món đồ uống gắn bó và được anh coi trọng hơn bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào.

Tận dụng khó khăn thành tiền đề để phát triển cơ hội mới

Cơ duyên nào đã khiến anh mở RGB Coffee?

Thực ra, năm 2010, khi đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi đã bắt đầu khởi nghiệp với công việc kinh doanh thời trang dành cho nữ. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình cũng không phải kinh tế khó khăn, nhưng không hiểu sao tôi luôn khát khao được kinh doanh, được tự kiếm tiền.

Tôi vẫn nhớ như in, khi đó, số vốn ban đầu để khởi nghiệp là 100 triệu đồng. Sau nửa năm kinh doanh, tôi lãi 200 triệu đồng. Với một sinh viên, số tiền đó không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi ấy, tôi vẫn chưa thể xác định rõ mục tiêu kinh doanh của mình đích đến là gì, nếu chỉ là kiếm tiền thì bản thân tôi lại thấy chưa thực sự ý nghĩa. Mặt khác, bản thân tôi cũng chưa có kinh nghiệm hay chiến lược kinh doanh dài hơi, nên một thời gian sau, tôi thất bại.

Tôi nhận ra, bản thân mình đang đi sai đường. Là một người trẻ bắt đầu khởi nghiệp, nhưng tôi hoàn toàn không biết đến khái niệm marketing, hay tầm quan trọng trong chiến lược kinh doanh cụ thể.

Lúc đó, tôi chỉ nghe và biết rằng, marketing là ngành bán hàng, quảng cáo. Mọi thứ ngay từ đầu không được sắp xếp thì việc đi sai hướng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, sau một thời gian dài vấp ngã, tôi đã tự học hỏi, nghiên cứu cũng như phát triển được định hướng trong mô hình kinh doanh lĩnh vực F&B và từ đó có thêm động lực để mở quán cà phê cho riêng mình.

Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc khi tìm hiểu về ngành marketing là cuốn “Dốc hết trái tim” của Starbucks. Lúc đó, tôi mới thấy marketing thực sự rất rộng, có quá nhiều kiến thức bản thân tôi cần phải tìm hiểu thêm, lĩnh hội và đào sâu. Tôi nhận ra rằng: “À, mình cần phải đọc thật nhiều sách hơn nữa mới có thể vỡ ra và áp dụng lý thuyết vào thực tế”.

Bên cạnh đó, tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có những người bạn cùng chung đam mê về xu hướng này. Chúng tôi vẫn luôn hợp tác cùng nhau đến tận bây giờ, mọi người xung quanh đều ủng hộ công việc hiện tại cũng như đứa con tinh thần mới - RGB Coffee.

Trước khi sáng lập RGB Coffee, anh có mở một quán cà phê khác với tên gọi “...Ka”, quá trình kinh doanh này đã đem lại bài học gì trên con đường phát triển sự nghiệp của anh?

“...Ka” là quán cà phê mà tôi và hai người khác cùng hợp tác. Tuy nhiên, đã có giai đoạn chúng tôi bất đồng quan điểm và đưa ra quyết định không cùng làm việc chung nữa. Cuối cùng, mọi người cũng bình tĩnh ngồi lại, đưa ra giải pháp sáng lập “đứa con” khác, đó chính là lý do RGB Coffee ra đời.

Bài học mà tôi rút ra ở đây là sự hình thành mâu thuẫn giữa các đồng sáng lập là không thể tránh khỏi, quan trọng là mình phải có niềm tin đối với bạn đồng hành, rạch ròi và minh bạch với nhau trong tất cả các trường hợp để khi xảy ra bất cứ xích mích nào thì đều đưa ra được hướng giải quyết tối ưu nhất.

Tôi vẫn luôn mong muốn tìm kiếm, học hỏi những kiến thức mới để khắc phục những khuyết điểm của bản thân. Tôi muốn biết hiện tại mình làm chưa tốt tới đâu, và các cộng sự sẽ giúp tôi nhận ra điều đó. Không thể đi một mình nếu không có đồng đội tốt. Tôi nghĩ rằng, mọi khó khăn sẽ trở thành tiền đề mở ra những cánh cửa mới, bài học trước tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cơ hội tiếp theo.

Tạo dấu ấn riêng, xây dựng niềm tin đối với khách hàng

“Khai sinh” trong mùa dịch hơn 1 năm trước, đến giờ Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp, công việc kinh doanh cà phê hẳn không phải dễ dàng?

Tôi luôn trăn trở trong thời điểm đại dịch bùng phát: “Phải bán cái gì? Nên làm thế nào để khách hàng đón nhận sản phẩm trong điều kiện này? Phải làm thế nào để cà phê đến với khách hàng khi giãn cách xã hội?”. Đối mặt với tình hình này, tôi và các cộng sự đã tìm cách cho ra bộ sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của công chúng. Từ đó mà các bộ sản phẩm đóng chai đã được ra đời.

Tôi thấy tự tin và tự hào một chút khi bộ sản phẩm đóng chai của “...Ka” đi đầu trong việc sử dụng cà phê đóng chai tại Hà Nội, nó giống như cách mạng làm thay đổi nghệ thuật thưởng thức cà phê của mọi người. Sản phẩm đóng chai thành công ngay từ tháng đầu tiên ra đời, cũng là lúc đỉnh điểm của dịch Covid-19 năm 2020. Doanh thu mà cà phê đóng chai của “...Ka” đem lại trong tháng đầu sau khi ra mắt đạt mức 100 triệu đồng. Đây đều là những sản phẩm chiến lược, mang đậm dấu ấn khi đưa ra thị trường và nhận được rất nhiều những đánh giá tích cực từ khách hàng. Do đó, tôi đã quyết định sử dụng hình thức này vào các sản phẩm của RGB Coffee.

Anh có thể chia sẻ những cơ hội anh nhìn thấy từ thị trường F&B?

F&B có nghĩa là kinh doanh trên thực phẩm, đồ uống. Tôi nghĩ sản phẩm làm ra cần phải được chú trọng về chất lượng, tạo được nét riêng đối với tệp khách hàng mà mình hướng đến.

Các sản phẩm được tung ra thị trường đều phải chỉ ra được phong cách riêng, gọi là Unique Selling Point (Điểm bán hàng độc nhất). Khi xác định được điều này thì sẽ có lợi thế hơn rất nhiều trong ngành F&B, từ đó mỗi thương hiệu, sản phẩm mình tạo ra sẽ đem lại điểm nhấn và giá trị cao hơn.

Trong xu hướng này, cá nhân tôi thấy rằng, sự tinh tế chính là giá trị cốt lõi khiến cho khách hàng cảm thấy an tâm. Đội ngũ nhân viên và kể cả bản thân tôi cũng cần phải quan sát tâm lý khách hàng và thấu hiểu họ muốn gì. Bạn phải nhạy bén trong việc xử lý tình huống cũng như để ý tiểu tiết.

Những người làm trong nghề F&B có một đặc điểm chung, đó là họ rất để ý các chi tiết, từ cách bài trí chiếc thìa, đôi đũa, hướng xoay của chiếc cốc cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng của họ. Một người khô khan và vô tâm thì không thể làm F&B được.

Tôi có một quy tắc đặt ra đối với chính bản thân mình trong ngành F&B, đó chính là tôi phải khiến bản thân mình trở thành một khách hàng khó tính nhất trong tất cả các khách hàng, khó tính đối với chính sản phẩm của mình.

Khi bản thân mình cảm thấy hài lòng, tôi tin chắc điều đó cũng làm hài lòng những khách hàng khác.

Tôi không cam đoan 100% các khách hàng cũng có chung suy nghĩ như vậy, nhưng tôi tin chắc rằng, đa số khách hàng đều đồng tình nếu như bản thân tôi thấy ưng ý với sản phẩm được ra đời.

Tôi là một người rất tỉ mỉ từ hình thức sản phẩm đến cách truyền đạt thông tin và nội dung của sản phẩm, cách sử dụng dấu câu trong đoạn văn, góc máy chụp ảnh có đẹp không, phông chữ được sử dụng có thuận mắt không... Một khi bạn đã chau chuốt với chính sản phẩm của bạn rồi thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ là một sản phẩm khá chỉn chu. Tôi tin như vậy.

Tệp khách hàng hiện nay trong thị trường F&B nói chung là những người ưa chuộng sự đầu tư trong tất cả các khâu: Sản phẩm ngon, đẹp mắt; không gian thoáng đãng, mát mẻ; dịch vụ tốt; chủ cửa hàng chu đáo, tận tình...

Vì thế, tôi nghĩ rằng, nếu bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong ngành F&B, bạn sẽ đưa ra các cách giải quyết tốt nhất đối với từng nhu cầu của khách hàng. Do vậy, họ sẽ không cảm thấy lấn cấn trong việc lựa chọn quay lại quán của bạn một lần nữa.

Bộ phận chăm sóc khách hàng tại RGB Coffee.

Bộ phận chăm sóc khách hàng tại RGB Coffee.

Phong cách của RGB mà anh hướng tới là gì?

Phong cách mà tôi chọn cho RGB Coffee là phong cách hiện đại (Modern), đáp ứng hầu hết tất cả nhu cầu của khách hàng: Không gian có thể ngồi được theo nhóm, dành cho 2 người, dành cho những người thích riêng tư hay thậm chí là cả những người thích thoải mái ngồi vỉa hè...

Ngoài ra, không gian của quán hướng đến các bạn trẻ năng động, biết thưởng thức và cảm nhận.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải hoàn thiện hơn nữa không gian quán trong tương lai để từ đó cả sản phẩm và không gian kết hợp với nhau sẽ đem lại sự thoải mái nhất cho khách hàng.

Khởi nghiệp là chứng minh giá trị của bản thân

Ở thời điểm hiện tại, anh đã cảm thấy hài lòng với RGB Coffee?

Hiện tại, điều khiến tôi cảm thấy tự hào và tương đối hài lòng đối với RGB chính là bộ 4 sản phẩm đặc biệt (The Sun, The Sea, The Shade, The Snow), bên cạnh đó là dịch vụ khách hàng.

Ở RGB Coffee, chúng tôi gọi các nhân viên phục vụ với tên gọi “bộ phận chăm sóc khách hàng”. Theo tôi, bộ phận này khá quan trọng trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay, để giữ lại những khách hàng quen thuộc và tìm kiếm khách hàng mới. Hai điều này phải luôn được thực hiện song song với nhau.

Tôi nghĩ khởi nghiệp ở Việt Nam hay các nước khác cũng đều có một điểm chung về ý nghĩa: Khởi nghiệp là niềm đam mê, khao khát của những người trẻ tuổi, muốn chứng minh giá trị của bản thân mình, muốn tự mình làm chủ.

Tuy nhiên, khát khao ở khởi nghiệp thôi thì chưa đủ, chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực duy trì kỹ năng của bản thân. Chặng đường phía trước của tôi còn rất dài, tôi luôn tự nhủ mình cần phải trau dồi và có một tinh thần ham học hỏi hơn nữa mới có thể đứng vững hơn trên hành trình khởi nghiệp này.

Vậy nên đừng bao giờ có ý định bỏ cuộc trước những dấu hiệu thất bại, bạn hãy đứng lên đấu tranh và thể hiện trách nhiệm đối với đứa con tinh thần của mình.

Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.

Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.

Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.

Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?

Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: huyhaodautu@gmail.com.

Tin bài liên quan