Chỉ số giá sản xuất tăng vọt
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, một trong những thước đo lạm phát bằng việc theo dõi giá cả của nhiều hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 0,9% trong tháng 4/2021 so với cùng kỳ năm ngoái - đây là mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này, thước đo giá bán tại các nhà máy, đã tăng 6,8% - tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2017.
Dong Lijuan, một chuyên gia thống kê số liệu tại Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số giá sản xuất tháng 4/2021 tăng mạnh, nổi bật là mức tăng 85,5% trong lĩnh vực khai thác dầu khí và khí đốt tự nhiên, còn giá luyện và chế biến kim loại đen tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hu Yanhong, một nhà phân tích tại Yingda Securities, giá nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng tới các sản phẩm trung nguồn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hàng hóa thuộc phân khúc trung nguồn và hạ nguồn, khiến cho giá chung của toàn bộ xã hội tăng cao.
Sự gián đoạn kéo dài của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực là các yếu tố cơ bản thúc đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu và hàng hóa tăng. Các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, nhưng cũng đẩy mạnh xuất khẩu. Thực tế cho thấy, họ là những người được hưởng lợi lớn trong thời kỳ đại dịch với việc giành được thị phần xuất khẩu trên toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại nước ngoài bùng nổ.
Sự gián đoạn kéo dài của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực đã thúc đẩy giá hàng hóa tăng.
Vì thế, với giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, các nhà đầu tư khắp thế giới lo ngại về nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát, nhất là trong bối cảnh các gói kích thích kinh tế liên tục được nhiều nước tung ra trong thời gian đại dịch. Do đó, nhà đầu tư mong muốn các ngân hàng trung ương sớm tăng lãi suất và thực hiện một số biện pháp thắt chặt khác nhằm khống chế lạm phát - yếu tố gây tổn hại đến tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vượt qua mức dự đoán của thị trường trong tháng 4 vừa qua, trong khi đó, mức nhập khẩu trong tháng đạt kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Điều này thể hiện hoạt động kinh tế mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
GDP của Trung Quốc đã tăng kỷ lục 18,3% trong quý đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, khi đất nước này hồi phục sau hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Dù sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mức so sánh cơ bản cao hơn có thể làm suy giảm tốc độ tăng trưởng trong những quý tới, nhưng các nhà kinh tế dự đoán, tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể vượt mức 8% (năm 2020 tăng 2,3%).
Lạm phát chưa đến mức phải thay đổi chính sách
Mức tăng CPI 0,9% trong tháng 4/2021 cao hơn mức tăng 0,4% trong tháng 3, chủ yếu là do giá các mặt hàng không phải thực phẩm tăng. Tuy nhiên, mức tăng này ở dưới ngưỡng dự đoán 1% của nhiều nhà phân tích.
Lạm phát thực phẩm vẫn yếu tại Trung Quốc. Giá tháng 4/2021 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái và không đổi so với tháng trước, phần lớn là do giá thịt lợn giảm. Trong khi đó, chỉ số lạm phát đối với các mặt hàng không phải thực phẩm tăng lên mức 1,3% theo năm trong tháng 4/2021, từ mức 0,7% trong tháng 3, do giá vé máy bay và giá xăng dầu tăng.
Chỉ số lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,7% trong tháng 4/2021, cao hơn mức tăng 0,3% trong tháng 3.
“Kể cả khi áp lực lạm phát nhập khẩu toàn cầu đang gia tăng, chỉ số CPI cả năm của Trung Quốc được dự đoán nhỏ hơn mức 3%”, Phó cục trưởng NBS Sheng Laiyun nói.
Mức lạm phát thấp của Trung Quốc là nhờ mức tăng lạm phát cơ bản chậm chạp, các yếu tố cơ bản của kinh tế nơi cung vượt quá cầu, sự hỗ trợ tương đối hạn chế của Chính phủ, nguồn cung thịt hợn phục hồi và tác động chuyển tiếp hạn chế từ PPI lên CPI.
Ông Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế học Trung Quốc tại Capital Economics cho biết: “Lạm phát giá sản xuất tăng cao nhất kể từ tháng 10/2017 trong tháng trước là do áp lực giá ở thượng nguồn vẫn còn đáng kể do hạn chế về nguồn cung. Điều này dẫn đến sự phục hồi của lạm phát giá tiêu dùng. Tuy nhiên, với việc lạm phát giá tiêu dùng tương đối thấp và áp lực giá đầu vào khả năng cao chỉ là thoáng qua, tôi không nghĩ rằng, lạm phát sẽ là động lực chính trong các chính sách của Ngân hàng Trung ương”.
“Sắp tới, sự gián đoạn từ bên cung cấp có lẽ sẽ kéo dài thêm một khoảng thời gian, giữ cho lạm phát giá sản xuất tăng cao trong tương lai gần. Cùng với việc thị trường lao động đang bị thắt chặt, lạm phát giá tiêu dùng có thể tiếp tục gia tăng - nhiều khả năng lên mức 2% vào cuối quý III năm nay. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng, áp lực tăng giá đầu vào gần đây chỉ mang tính ngắn hạn, với khả năng giá kim loại công nghiệp sẽ giảm trong thời gian tới, khi mà các chính sách sắp được ban hành sẽ hạn chế hoạt động xây dựng. Do đó, chúng tôi không nghĩ rằng, lạm phát sẽ chạm mức mà Ngân hàng Trung ương phải thay đổi đáng kể chính sách của họ”, ông Julian Evans-Pritchard chia sẻ.
Thực tế, khi lạm phát tăng, các quan chức Trung Quốc liên tục phát biểu rằng, họ sẽ tránh việc thay đổi chính sách đột ngột có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế, thay vào đó, họ sẽ từ từ bình thường hóa chính sách, đồng thời có các giải pháp nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản.