Nguy cơ gia tăng nợ xấu tiềm ẩn

0:00 / 0:00
0:00
Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng mạnh trong thời gian tới là hiện hữu, đòi hỏi các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng.
Theo SSI Research, nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới

Theo SSI Research, nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới

Dịch bệnh kéo theo nợ xấu

Dự báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối năm 2021, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/2/2021. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ước tính ở mức từ 2-3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ước tính ở mức 4-4,5%.

Theo thông tin từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%.

Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng cũng cho thấy, tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm ngày 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước, đạt gần 125.000 tỷ đồng. Trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước, chỉ BIDV có số dư nợ xấu giảm nhẹ 1,1%; còn VietinBank, Vietcombank, Agribank ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu lần lượt là 52%, 31,3% và 13,5%. Trong khi đó, các ngân hàng ACB, SHB, MSB, ABBank... đều ghi nhận mức tăng trưởng nợ xấu 2 con số trong 6 tháng qua.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (Word Bank) cho rằng, Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch. Vì vậy, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là quan tâm đến nợ xấu.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu tính riêng khoản nợ đã được tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay gần 800.000 khách hàng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh tế gia đình, thì dư nợ là gần 2 triệu tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN và được NHNN gia hạn đến hết tháng 6/2022. Việc tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch nhiều khả năng còn tăng trong thời gian tới. Như vậy, số dư nợ được cơ cấu lại sẽ không dừng ở con số 2 triệu tỷ đồng.

Nợ tiềm ẩn tăng dần

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, đến ngày 30/6/2022, nếu khách hàng không trả được nợ vay thì khoản nợ đó sẽ chuyển thành nợ quá hạn, khiến nợ xấu ngân hàng tăng. Lúc này, ngân hàng lại tìm cách cơ cấu, nếu không được thì buộc phát mãi tài sản. “Tuy nhiên, việc này rất phức tạp, kéo dài thời gian xử lý, làm cho nguồn thu của ngân hàng bị ảnh hưởng, nợ xấu càng xấu thêm”, vị chuyên gia nói.

Theo SSI Research, nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới, chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và năm 2022. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ước tính giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng đánh giá, lợi nhuận ngân hàng khả quan trong nửa đầu năm, song tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng và có thể lên đến 2,5-3% vào cuối năm 2021. Vì vậy, kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác, bởi ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng tăng trong nửa đầu năm và lên mức khá cao. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 352%, tăng đến 98% so với cùng kỳ, cao nhất ngành. Techcombank, MB và ACB cũng là những ngân hàng đang theo đuổi chiến lược thận trọng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, lần lượt là 259%, 237% và 208% đến cuối tháng 6/2021…

Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao. Tại PGBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 33%, giảm 3% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Viet Capital Bank đến cuối quý II là 45%, giảm 7% so cùng kỳ. Thậm chí, VPBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến tháng 6/2021 chỉ 45%, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước...

Tin bài liên quan