Nhiều sự kiện kinh tế lớn được Standard Chartered tổ chức tại Việt Nam năm qua.

Nhiều sự kiện kinh tế lớn được Standard Chartered tổ chức tại Việt Nam năm qua.

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong trung hạn duy trì mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, danh tiếng từ nước ngoài vào đầu tư và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định.

Với tác động của đại dịch Covid-19 và kế hoạch triển khai vaccine, nhận định của bà về triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong ngắn và trung hạn?

Chúng tôi tin rằng, nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong trung hạn duy trì mạnh mẽ. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nền tảng cơ bản vững chắc của một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động trẻ, được giáo dục tốt, thị trường nội địa ngày càng mở rộng và quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trên giới trong công tác kiểm soát đại dịch Covid-19.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,91%, mặc dù thấp nhất trong gần 30 năm, nhưng đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia châu Á và nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới năm qua.

Tâm lý đầu tư ảm đạm và những bất ổn kéo dài liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngắn hạn. Vốn FDI cam kết - một chỉ báo về đầu tư trong tương lai - trong quý I/2021 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 6,5%.

Điều đó cho thấy, việc triển khai vaccine toàn cầu sẽ hỗ trợ đà hồi phục của nhu cầu thế giới cũng như nhu cầu về đầu tư. Điều này đã được phản ánh qua sự cải thiện tình hình xuất khẩu tại các nước châu Á.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng 22,0% so với cùng kỳ trong quý I/2021; nhập khẩu tăng 26,3% và thặng dư thương mại là 2 tỷ USD. Đây là những tín hiệu tích cực.

Đối với câu chuyện Covid-19, Việt Nam bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 8/3/2021, dự kiến sẽ phổ biến rộng rãi hơn trong quý III. Đây là tiền đề cho sự phục hồi của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng về thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy sự dịch chuyển của các hoạt động sản xuất không sử dụng hàm lượng công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.

Sau một năm 2020 đầy biến động, theo bà, Việt Nam cần làm gì để có thể nắm bắt cơ hội và thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn trong dài hạn?

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Các biện pháp hữu hiệu và nghiêm ngặt của Chính phủ trong việc kiểm soát sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cần tiếp tục được duy trì, điều đó sẽ giúp tăng cường sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam sẽ cần cho cộng đồng đầu tư trên thế giới thấy rằng những cải cách mạnh mẽ sẽ được thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu trở một thành trung tâm trong chuỗi cung ứng của khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao.

Vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất ở châu Á - vốn đang vượt trội so với các nền kinh tế phương Tây - giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư như: tốc độ tăng trưởng cao, thị trường nội địa lớn, chi phí lao động thấp, dân số trong độ tuổi lao động dồi dào (có sức mua cao), tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do và có vị trí chiến lược. Các chính sách tài khoá cần tập trung vào việc cải thiện công tác quản lý ngân sách, rà soát và tăng cường những sự hỗ trợ về tài khóa để thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ hơn nữa của nền kinh tế.

Theo quan điểm của bà, Việt Nam có thể làm gì để tiếp tục cải thiện sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư?

Việt Nam sẽ cần giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc có thể cản trở nỗ lực đưa nền kinh tế phát triển lên một tầm cao mới.

Các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông, tính đa dạng về kinh tế cần được tháo gỡ để giúp Việt Nam xóa bỏ những rào cản trong quá trình khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi cho rằng, sự gia tăng trong cạnh tranh có thể giúp Việt Nam cải thiện các sản phẩm và chuỗi cung ứng, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực để trở thành một địa điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Điều đó đòi hỏi sự cải thiện về năng suất, giáo dục, chuyển giao công nghệ, đồng thời chi phí và thủ tục mở hoặc đóng doanh nghiệp cũng có thể được giảm thiểu để khuyến khích các công ty tìm đến và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, cùng nhiều yếu tố khác.

Chính phủ đã đạt được nhiều bước tiến trong việc phòng chống và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và rắc rối hành chính để đảm bảo một sân chơi công bằng và minh bạch, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những thành tựu này cần được tiếp tục duy trì và thúc đẩy trong thời gian tới.

Công tác đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao tính hiệu quả và ứng dụng những hệ thống số hóa có tính tích hợp cao để các doanh nghiệp có thể kết nối và sử dụng hiệu quả.

Bà đánh giá thế nào về những lợi ích mà Việt Nam đã đạt đươc từ quá trình thu hút dòng vốn FDI trong thời gian gần đây?

Sau 30 năm thực hiện những cải cách theo định hướng thị trường, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Với lịch sử 117 năm tại Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered là một phần trong quá trình chuyển mình này. Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, danh tiếng từ nước ngoài vào đầu tư và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị.

Những lợi ích từ quá trình này khi nhìn vào trung và dài hạn là rất to lớn khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó gia tăng sự thịnh vượng, sức mua của người dân và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Một lợi ích khác mà dòng vốn FDI mang lại đó là sự phát triển của nguồn nhân lực. Quá trình chuyển giao kiến thức và kỹ năng từ các công ty nước ngoài trong quá trình đào tạo sẽ giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Là một ngân hàng quốc tế có mạng lưới hoạt động toàn cầu, Standard Chartered đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong thu hút đầu tư nước ngoài?

Tận dụng thế mạnh về mạng lưới và chuyên môn quốc tế cùng sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước, chúng tôi mang đến những sự hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng trong việc thực hiện các giao dịch xuyên biên giới và giúp khách hàng định hướng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Chúng tôi kết nối thế giới với Việt Nam và ngược lại, kết nối Việt Nam với thế giới. Chúng tôi đã hiện diện tại Việt Nam được 117 năm, điều đó mang đến cho chúng tôi những góc nhìn và sự am hiểu sâu sắc về thị trường. Là một ngân hàng nước ngoài, chúng tôi hiểu rõ nhu cầu của các khách hàng là doanh nghiệp FDI và mang đến những giải pháp phù hợp liên quan đến tài chính và vận hành.

Standard Chartered là ngân hàng quốc tế duy nhất hiện diện tại tất cả 10 quốc gia ASEAN, do đó, chúng tôi ở một vị thế thuận lợi để hỗ trợ khách hàng phát triển hoạt động kinh doanh ở trong khu vực một cách hiệu quả.

Chúng tôi cũng làm việc với các cơ liên quan của chính phủ để tổ chức các sự kiện kinh doanh và đầu tư.

Ví dụ, năm 2020, Standard Chartered tổ chức Diễn đàn Kinh doanh ASEAN 2020 theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp và tổ chức đến từ châu Á, Trung Đông, châu Âu và Mỹ.

Chúng tôi rất vinh hạnh khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại sự kiện.

Hồi tháng 9/2020, chúng tôi tổ chức một Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam với chủ đề “Tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19”, với thành phần tham dự là lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đó đã có bài phát biểu tại sự kiện và tham gia phiên thảo luận về các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, sự kiện thuyết trình về kinh tế toàn cầu của chúng tôi cũng được tổ chức hai lần trong một năm, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mong muốn tìm hiểu về triển vọng kinh tế Việt Nam khu vực và thế giới.

Chúng tôi duy trì cam kết mạnh mẽ với Việt Nam, với Chính phủ, khách hàng và cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động và sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để giúp họ đạt được thành công bền vững.

Tin bài liên quan