Trong thông báo gửi các trường THPT tại Hà Nội “Về đối tượng diện tuyển thẳng và khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017 TP.Hà Nội” mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trả lời phụ huỵnh, học sinh rằng, có 4 đối tượng được tuyển thẳng, là học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao, các cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.
Bốn đối tượng được tuyển thẳng căn cứ trên các quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 1580/SGD&ĐT-QLT về việc Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017; Tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Hà Nội năm học 2016-2017” và Công văn số 10267/SGD&ĐT-QLT ngày 03/11/2015 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về Thông tin các cuộc thi, Olympic dành cho học sinh phổ thông.
Theo đó, bên cạnh các môn học văn hóa, học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn nghệ, thể dục thể thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức được tuyển thẳng vào THPT; học sinh đạt giải đồng đội trong Hội khỏe Phù Đổng cấp Quốc gia cũng được tuyển thẳng vào…lớp 10 THPT năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, học sinh đạt giải trong Cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên internet (IOE) cấp quốc gia lại không được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2016-2017.
Quy định trên khiến nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn, và có người ví rằng, quy định như vậy thì tiếng Anh dường như đã bị đánh giá thấp hơn tiếng... hát!
Không cần nói cũng rõ vai trò của tiếng Anh đối với các em học sinh, với sự phát triển hội nhập của đất nước. Hơn nữa, cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên internet (IOE) cấp quốc gia là một kỳ thi được chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thể lệ cuộc thi, đích thân Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển làm Trưởng Ban chỉ đạo cấp Toàn quốc từ năm 2010, thu hút sự tham gia của hơn 10.000 học sinh từ 59 tỉnh thành dự thi. Nhưng không hiểu sao, kết quả một kỳ thi tiếng Anh quốc gia như thế lại không được đánh giá tương xứng?
Hơn nữa, nếu xét đối tượng tuyển thẳng là các em học sinh đạt thành tích trong kỳ thi văn hóa, thì việc không tuyển các em đạt giải tiếng Anh có thể dẫn đến cách hiểu rằng, tiếng Anh không phải là môn văn hóa?
Người viết không có ý định so sánh giữa kết quả thi các môn học với thành tích văn nghệ, thể dục - thể thao, bởi việc các em học sinh đạt các giải về văn nghệ, thể dục - thể thao cũng rất đáng ghi nhận và khuyến khích, nhưng có lẽ cách chọn đối tượng tuyển thẳng như vậy cũng khó tránh khỏi băn khoăn, nhất là khi chúng ta đang rất cần nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Chưa kể đến việc, chúng ta sẽ phát triển kinh tế tri thức như thế nào, khi ngoại ngữ - một công cụ quan trọng để tiếp cận tri thức nhân loại lại không được coi trọng bằng văn nghệ, thể dục - thể thao? Lẽ nào chúng ta chỉ hội nhập quốc tế bằng lời ca, tiếng hát, bằng các thành tích thể dục thể thao, chứ không phải là bằng một trong những công cụ quan trọng là tiếng Anh?
Có lẽ, hệ quả của cách đánh giá này vượt xa hơn rất nhiều sự băn khoăn của hơn 100 em học sinh Hà Nội vừa đạt giải kỳ thi Olympic Tiếng Anh trên internet. Nó như gáo nước lạnh dội vào tinh thần học tập ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng của các em học sinh, mà bấy lâu nay cả nền giáo dục và xã hội đang nỗ lực thúc đẩy.
Năm học 2015-2016, Trường THPT FPT đã dành ưu tiên đặc biệt cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc. Theo đó, học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp quốc gia năm học lớp 9 và học sinh đạt giải Nhất ViOlympic và tốt nghiệp THCS trong năm 2015 được tuyển thẳng vào Trường THPT FPT.