Ban lãnh đạo SCD đánh giá, Công ty có lợi thế đặc biệt về thương hiệu, mang tính di sản.

Ban lãnh đạo SCD đánh giá, Công ty có lợi thế đặc biệt về thương hiệu, mang tính di sản.

Người Thái kỳ vọng phục hồi thương hiệu Chương Dương

(ĐTCK) Bên cạnh cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SAB), Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) đang nhận được sự hỗ trợ từ các công ty con thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC như Công ty F&N, với mục tiêu khôi phục thương hiệu lâu năm này.

Kỳ vọng của người Thái

Ông Neo Gim Siong Bennett, Chủ tịch HĐQT SCD, Tổng giám đốc SAB cho biết, đội ngũ nhân sự từ F&N đang xem xét mọi khía cạnh cần giải quyết tại SCD và tiến hành hỗ trợ, trong đó tập trung vào hoạt động bán hàng, marketing và phân phối. Đây là lý do ông Neo Hock Tai, Schubert được biệt phái từ F&N đến giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Nước giải khát Chương Dương. Bên cạnh đó, cổ đông lớn là Sabeco - công ty con của Vietbev (được sở hữu bởi Thaibev) sẽ hỗ trợ tài chính, nhân sự và sản xuất.

“Ở góc độ nhất định, chúng tôi đã biết cần phải làm gì để phục hồi sức mạnh của SCD”, ông Neo Gim Siong Bennett chia sẻ.

Bước đầu tiên khi người Thái tiếp nhận SCD là thay máu nhân sự tại các vị trí chủ chốt. Trong năm 2018, HĐQT SCD đã thực hiện 3 cuộc họp và ban hành 16 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết quan trọng với nội dung phê duyệt Chủ Tịch HĐQT mới, bổ nhiệm Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng; có Giám đốc kinh doanh mới; tạm dừng chức vụ Tổng giám đốc cũ và bổ nhiệm Tổng giám đốc lâm thời. 

“HĐQT đánh giá, việc triển khai các kế hoạch sẽ có hiệu quả tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Tôi đã chỉ đạo SAB hỗ trợ SCD thực hiện kế hoạch năm 2019 một cách nghiêm ngặt hơn”, ông Bennett nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch cụ thể để vực dậy Nước giải khát Chương Dương, ông Bennett vẫn chưa đưa ra câu trả lời thực sự thuyết phục. Theo ông Bennet, trong giai đoạn này, HĐQT chưa có chiến lược tổng thể cho Công ty, mà sẽ ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn trong bối cảnh SCD chưa được đầu tư đầy đủ cho tương lai, nhất là các hạng mục như thương hiệu, cơ sở vật chất và con người. Do vậy, thời gian tới, Công ty sẽ tập trung đầu tư và cải thiện các yếu tố này.

Theo đánh giá của đội ngũ lãnh đạo người Thái, Nước giải khát Chương Dương sở hữu lợi thế đặc biệt về thương hiệu, mang tính di sản khi nhiều người dân đã lớn lên cùng với tên tuổi của doanh nghiệp. Đây là điều hiện nay không còn thương hiệu nào có được và sẽ trở thành lợi thế để Công ty tiếp cận thị trường. Hiện tại, SCD có kế hoạch di dời và nâng cấp trang thiết bị nhà máy, tuy nhiên, tiến trình này đang chờ phương án, ngân sách đầu tư và sự phê duyệt của HĐQT. 

Nhận diện hiệu quả hoạt động

Nhìn lại quá trình hoạt động của SCD trong 10 năm qua, có thể thấy, doanh thu không có nhiều biến động mạnh, dao động quanh mức 327 tỷ đồng  đến 417 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trung bình các năm vào khoảng 26 tỷ đồng.Trong cơ cấu lợi nhuận của SCD có sự đóng góp đáng kể từ lợi nhuận khác (cổ tức được chia, lãi tiền gửi có kỳ hạn…). Tuy nhiên, năm 2017, lần đầu tiên SCD ghi nhận lợi nhuận âm trong 10 năm qua.

 Doanh thu thuần.

Đáng chú ý, chi phí giá vốn lớn (chiếm trên 70%) và chi phí bán hàng, chi phí quản lý cao (hơn 25%) đã ăn mòn lợi nhuận của Công ty. Năm 2017 - 2018, doanh thu tạo ra không đủ bù đắp chi phí khiến SCD lỗ hoạt động kinh doanh, thậm chí năm 2017 bị âm lợi nhuận sau thuế. Công ty chỉ thoát lỗ năm 2018 nhờ “cái phao” lợi nhuận tài chính và lợi nhuận khác.

 Lợi nhuận thuần.

Đây là vấn đề mà cổ đông SCD rất quan tâm. Chia sẻ mối lo này, HĐQT Công ty cho biết, hiện SCD đã có sự chuẩn bị và có kế hoạch để cải thiện hiệu quả hoạt động. Điều này sẽ được thể hiện rõ hơn trong 3 quý tới của năm 2019, nhất là khi có sự phối hợp, tư vấn từ Sabeco.

 Cơ cấu lợi nhuận trước thuế.

Thực tế, ban lãnh đạo SCD thừa nhận, điểm hạn chế trong năm 2018 của Công ty là phải đối mặt với việc lạm dụng chiết khấu để bán hàng; không tiếp cận được khách hàng trực tiếp, lệ thuộc vào nhà phân phối. Thêm vào đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của một nhà máy nước giải khát hiện đại.

 Phân tích chi phí kinh doanh.

Ông Neo Hock Tai, Schubert, Tổng giám đốc SCD cho rằng, năm 2018, GDP Việt Nam cao nhất 10 năm, kéo theo sự thay đổi trong môi trường kinh doanh của thị trường nước giải khát, chẳng hạn nhiều mô hình bán lẻ mới xuất hiện, các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng ăn uống bùng nổ.

Môi trường này thuận lợi cho sản phẩm nước giải khát không cồn, khiến nhiều doanh nghiệp dẫn đầu tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm và đẩy mạnh bán hàng để củng cố vị thế, đồng thời nhiều nhãn hiệu quốc tế đẩy mạnh thâm nhập thị trường, gia tăng sức cạnh tranh. Điều này khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cao hơn, bao gồm chi phí nhân sự, phân phối và marketing.

Bối cảnh này cộng với sự hạn chế về năng lực thương mại khiến thị phần của SCD giảm 20% trong năm 2018, doanh thu giảm 15%. Tuy vậy, năm 2019, SCD tự tin đặt kế hoạch tăng sản lượng bán hàng thêm 7%, ở mức 25 triệu lít, doanh thu thuần 332,5 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 84%, ở mức 10 tỷ đồng. 

Tham vọng “nhỏ xinh”

Theo báo cáo của công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), giai đoạn 2017 - 2019, thị trường nước giải khát có doanh thu dự đoán tăng 10,9%. Trong đó, Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh dịch vụ thực phẩm đồ uống tại khu vực ASEAN.

Với hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm - đồ uống tiềm năng nhất khu vực. Những thương hiệu chiếm thị phần lớn là Coca Cola, Pepsi, Tân Hiệp Phát… Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tham vọng chiếm lĩnh thị trường với những kế hoạch quy mô và số vốn đầu tư dự báo là khổng lồ.

Tuy nhiên, với Nước giải khát Chương Dương, Công ty đang có những tham vọng “nhỏ xinh” là khôi phục thương hiệu sá xị Chương Dương và bước đầu tập trung tại thị trường TP.HCM, cũng như các tỉnh lân cận.

“SCD tập trung vào thương hiệu hiện đã có lợi thế là sá xị Chương Dương với trọng tâm là thị trường Việt Nam, trước khi nghĩ đến phát triển sản phẩm mới”, ông Schubert cho biết.

Đối với các vấn đề hạn chế về kênh bán hàng, theo ông Schubert, Công ty tập trung kênh phân phối tại TP.HCM và các tỉnh lân cận để tiết giảm chi phí vận chuyển, đồng thời có thể kiểm soát tốt hơn hiệu quả. Các kênh bán hàng trọng tâm bao gồm kênh truyền thống - GT chủ yếu do các nhà phân phối phụ trách, tiếp theo là kênh hiện đại - MT, sau đó là kênh bán lẻ trực tuyến và bán hàng doanh nghiệp B2B.

Công ty vừa tiến hành gặp gỡ các nhà phân phối để sắp xếp lại cơ chế, quy trình làm việc với nhau nhằm cải thiện hiệu quả. Từ trước tới nay, đây vẫn là một phần quan trọng trong hệ thống phân phối của SCD và Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh này, bên cạnh việc tiếp cận các điểm bán lẻ.

Hiện tại, SCD chưa chia sẻ mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng hệ thống phân phối, cách phủ các điểm bán lẻ, tuy nhiên, Công ty đã thực hiện một số chiến dịch để tăng độ nhận diện thương hiệu sá xị tại điểm bán, kích hoạt thương hiệu bằng chương trình mời dùng thử sản phẩm… 

Tin bài liên quan