Ông Mark Carney

Ông Mark Carney

“Người lạ” ở xứ sở sương mù

(ĐTCK) Lần đầu tiên trong lịch sử 17 thế kỷ hoạt động, BOE mới có 1 vị Thống đốc là “người ngoài”.

Con đường cải tổ Ngân hàng Anh (BOE) cho Thống đốc sắp kế nhiệm Mark Carney đang ngày một rộng rãi. Phó thống đốc đương nhiệm Paul Tucker vừa tuyên bố sẽ từ nhiệm, để lại cơ hội cho Carney bổ nhiệm một cộng sự đắc lực hơn.

Bị đánh bại bởi đối thủ người Canada trong cuộc đua đến chức Thống đốc, Tucker tuyên bố cuối tuần vừa rồi rằng, ông sẽ kết thúc ba thập kỷ sự nghiệp tạo lập chính sách của mình vào cuối năm nay. Người đồng sự của Tucker là Phó thống đốc Charlie Bean cũng có kế hoạch từ nhiệm trong năm tới. Trong khi đó, các quan chức đương nhiệm khác cũng đang gần kết thúc nhiệm kỳ của họ. Về phía Carney, ông đã rời NHTW Canada và sẽ chính thức làm việc ở London từ 1/7 tới.

Hồi tháng 11/2012, tham vọng trở thành người dẫn đầu BOE của Turkey tan biến khi Osborne quyết định lựa chọn một người nước ngoài về làm Thống đốc - sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử 17 thế kỷ ngân hàng này được thành lập.

Các ý kiến quan sát, cụ thể là từ các cựu kinh tế gia của BOE, nói rằng những cuộc ra đi của người cũ sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne và vị Thống đốc mà ông lựa chọn là Carney rộng đường để bổ nhiệm những người mới có cùng quan điểm chính sách tiền tệ.

“Tôi đoán là Carney và Osborne sẽ tận dụng cơ hội để bổ nhiệm một người của họ”, Shamik Dhar, người từng là kinh tế gia của BOE và giờ là Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của Aviva Investors ở London nói.

Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE bao gồm 9 thành viên, trong đó, 5 thành viên là người của Ngân hàng và 4 thành viên là các thành viên bên ngoài làm việc bán thời gian. Mỗi thành viên đều có quyền biểu quyết ngang nhau về vấn đề lãi suất và nới lỏng định lượng. Trên cương vị Phó thống đốc phụ trách ổn định tài chính, Tucker cũng ngồi trong Ủy ban Chính sách tài Chính và HĐQT của Cơ quan Quản lý An toàn.

Sự ra đi này của Tucker cũng là lối thoát cho sự giằng co đang diễn ra liên quan đến chính sách tăng mua trái phiếu chính phủ tại Anh. Tucker là 1 trong 6 quan chức phản đối chính sách tăng nới lỏng định lượng của vị thống đốc sắp từ nhiệm Mervyn King và hai quan chức khác.

Tucker tham gia Ủy ban Chính sách tiền tệ từ tháng 6/2002 và đã tham dự 133 cuộc họp. Ý kiến mà ông biểu quyết đã thắng thế 7 lần, 6 lần trong số đó là quyết định tăng lãi suất. Ông cũng luôn luôn ở cùng phe với số đông về vấn đề nới lỏng định lượng.

Simon Hayes, kinh tế gia của Barclays Plc ở London và là một cựu quan chức của NHTW Anh nhận xét rằng, việc lựa chọn Mark Carney làm Thống đốc tiếp theo của BOE dường như đã thể hiện sự ưu ái của Bộ trưởng Osborne đối với chính sách tiền tệ nới lỏng.

“Do đó, có khả năng lớn là người thay thế Tucker lần này sẽ có thiên hướng hỗ trợ cho việc mở rộng tiền tệ hơn”.

Ngược lại với Tucker, Carney đã từng phát biểu, các NHTW nên đem đến “tốc độ vũ trụ” cho nền kinh tế của họ. Phát biểu này khiến giới quan sát phỏng đoán rằng, ông sẽ hăng hái thúc đẩy nền kinh tế khi nhậm chức Thống đốc BOE. Carney cũng là người quảng bá các chính sách đi theo phong cách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - trong đó một NHTW sẽ phải đạt được một số hạn mức đã được thiết lập sẵn trước khi quyết định tăng lãi suất - một phương pháp mà các nhà tạo lập chính sách hiện tại đang né tránh.

Trong 1 năm kể từ khi được bổ nhiệm ở Ngân hàng Canada hồi năm 2008, Carney đã tổ chức lại Ngân hàng bằng việc lập ra bộ phận ổn định tài chính và đã cải thiện mối liên kết giữa các nhà nghiên cứu kinh tế, ngân hàng và tài chính. Ông cũng tập trung khuyến khích các nghiên cứu về vấn đề chính sách hiện tại và nhấn mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu chính sách dài hạn.

“Carney được kỳ vọng sẽ đem đến một cách tiếp cận kiểu ‘tân chính sách’ tới cho BOE và giờ đây, ông đã có cơ hội để chọn cánh tay phải đắc lực”, Simon Wells, kinh tế trưởng ở Anh của HSBC Holdings Plc và nguyên là của BOE nhận xét.