Sau kỳ hạn gửi tiết kiệm 13 tháng tại BAC A BANK, bà N.T.L ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ra đổi sổ với tính toán tiếp tục gửi kỳ hạn dài bởi mức lãi suất huy động cao tại đây. Tuy nhiên, khi nhân viên Ngân hàng cho biết lãi suất huy động kỳ hạn tương tự đã hạ xuống mức 7,85%/năm, thay vì 8,2%/năm từ ngày 13/4/2020 như thời gian qua, bà N.T.L đã tính toán lại phương án gửi để chờ lãi suất tăng trở lại.
“Mọi việc dường như đã quay trở lại bình thường sau dịch bệnh nên tôi định gửi kỳ hạn ngắn chờ lãi suất tăng trở lại bắt đầu từ quý II - giai đoạn huy động vốn mạnh cho cuối năm. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng khuyến nghị thận trọng với phương án này bởi lãi suất huy động có thể giảm thêm”, bà N.T. L nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh đồng loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất.
Đồng thời, kêu gọi các ngân hàng thực hiện giảm lãi vay đối với khách hàng, hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhờ đó, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm từ giữa tháng 3 đến nay.
Thực tế cho thấy, xu hướng giảm lãi suất sẽ tiếp diễn do tín dụng khó tăng. Dịch Covid-19 bùng phát đã làm đình trệ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.
Sự gián đoạn này khiến tăng trưởng tín dụng giảm tốc, với mức tăng toàn ngành ở mức 1,3% vào cuối quý I/2020 - thấp nhất trong 6 năm qua.
Bên cạnh đó, các ngân hàng quan ngại việc nợ xấu tăng trở lại nên càng thận trọng với khoản cho vay mới. Nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ đạt khoảng 11%, thấp hơn mức 13,6% của năm 2019.
Một chỉ số khác cũng hỗ trợ cho lãi suất giảm đó là lạm phát. Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do giá xăng dầu giảm mạnh.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2020 do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện cho biết, số TCTD kỳ vọng lãi suất “giảm” trong thời gian tới nhiều hơn số TCTD kỳ vọng lãi suất “tăng”.
Tỷ lệ TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay “giảm” trong quý tới và cả năm 2020 tăng gần gấp đôi so với kỳ điều tra trước.
Theo đánh giá của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý I/2020 ở trạng thái “tốt” đối với cả tiền đồng và ngoại tệ, dồi dào hơn so với quý IV/2019 do tín dụng tăng thấp, trong khi tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng cao hơn.
Trên cơ sở nhu cầu của khách hàng (về gửi tiền và vay vốn), huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý II/2020 và tăng 11,5% trong năm 2020, điều chỉnh giảm 1,7% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra tháng 12/2019.
Đáng chú ý, trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng các phiên từ 27-29/4, lãi suất VND biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, chốt phiên 29/4, lãi suất VND giao dịch quanh mức: Qua đêm là 2,18%/năm (+0,1%/năm); 1 tuần là 2,32%/năm (-0,06%/năm); 2 tuần là 2,4%/năm (-0,1%/năm); 1 tháng là 2,62%/năm (-0,18%/năm).
Tại thị trường mở, trong 3 phiên từ 27-29/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%/năm.
Kết quả là không có khối lượng trúng thầu trên kênh này, trong tuần chỉ có 1 tỷ đồng đáo hạn vào phiên 1/5. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 1 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Trong tuần, có 10.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn vào các phiên nghỉ lễ.
Khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức gần 122.000 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 9.999 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.