Cần làm rõ thế nào là “ép”?
Sau khi đăng tải bài viết “Những quan điểm quanh vấn đề phạt nặng ngân hàng ép mua bảo hiểm”, Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề này.
Đa số ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần giải thích rõ ràng chữ “ép” trong công văn nên được hiểu là thế nào (vì nhìn ngoài không được coi là ép, nhưng thực tế thì là ép - PV), từ đó mới có căn cứ để ban hành chế tài, xử phạt. Bởi lẽ, ngân hàng không bắt buộc khách vay mua bảo hiểm, mà chỉ áp dụng “các biện pháp kỹ thuật” để "khuyến khích", chẳng hạn sẽ giảm trừ lãi suất nếu mua thêm bảo hiểm, hoặc mua bảo hiểm thì được vay với lãi suất thấp, được giải ngân nhanh...
“Ép người vay vốn mua bảo hiểm lâu nay không còn là chuyện xa lạ tại các ngân hàng, nhưng chưa từng bị xử lý, nhưng nay sẽ khác với công văn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không ép mua mà chỉ can thiệp kỹ thuật, ví dụ như cấp giấy đi đường photo (giấy tờ xe đã thế chấp - PV) chậm lại, hoặc yêu cầu 1 tháng cấp lại 1 lần nếu không mua bảo hiểm… thì sao? Cho nên ở đây cần phải làm rõ khái niệm ‘ép’ và ‘can thiệp kỹ thuật’”, chị Tạ Quỳnh Chi, một đại lý bán bảo hiểm xe của PJICO nêu quan điểm.
Mặt khác, các ngân hàng thường không ép ngay từ đầu, mà sát ngày giải ngân mới ra điều kiện, bởi lúc đó khách hàng sẽ ngại thay đổi sau quá trình làm hồ sơ để bỏ sang ngân hàng khác vay vốn lại phải làm lại từ đầu.
“Thế nên người đi vay cần thỏa thuận bằng văn bản ngay từ đầu, yêu cầu nhà băng viết cam kết giải ngân khoản vay không kèm việc mua bảo hiểm để tránh rắc rối sau này”, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair khuyến nghị.
Đi vay vốn không bát buộc phải mua bảo hiểm
Trả lời câu hỏi đi vay vốn có bắt buộc phải mua bảo hiểm hay không, LS. Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho biết, theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, có một số sản phẩm bảo hiểm thuộc diện bắt buộc phải mua như bảo hiểm xe, tài sản, nhà cửa, kho bãi... (theo Nghị định số 23/2018/NÐ-CP, Thông tư số 22/2016/TT-BTC…), còn các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng chủ yếu là để đảm bảo cho ngân hàng trước các rủi ro có thể xảy ra với tài sản thế chấp hoặc với chính cá nhân người vay, nên không nằm trong diện này.
“Việc đưa ra điều kiện mua bảo hiểm cho khoản vay là một biện pháp ‘bảo đảm tiền vay’, ‘quản lý, giám sát tài sản bảo đảm tiền vay’ và ngân hàng được chủ động quy định điều kiện giải ngân, trong đó có điều kiện về mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo hoặc bảo hiểm tai nạn, sức khỏe cho cá nhân người vay vốn. Các quy định này ‘không mang tính bắt buộc’ thì khách hàng khi vay có thể hiểu là họ không bắt buộc phải mua sản phẩm bảo hiểm mà tổ chức tín dụng đang chào bán”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan tới bảo đảm tiền vay, Điều 15 - Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định rõ: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay. Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật”.
Trở lại với câu chuyện xử phạt ngân hàng ép mua bảo hiểm, ngoài các quan điểm trên, đa số ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng nặng chế tài xử phạt các hành vi ép buộc mua bảo hiểm của ngân hàng. Bởi thu nhập ngân hàng từ kênh này lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nếu chỉ phạt vài chục, vài trăm triệu đồng như hiện nay thì phạt cũng như không, cũng chỉ như muối bỏ bể.
Ngày 30/10 vừa qua, trong công văn số 7928-NHNN-TTGSHH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống.
Theo công văn này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng…