Người đàn ông sưu tập hàng trăm chuông độc lạ ở Sài Gòn

Hơn 200 chiếc chuông của ông Tầm có cái cả nghìn năm tuổi, nguồn gốc từ nhiều quốc gia.

 Hơn 10 tìm kiếm, ông Bùi Đức Tầm (68 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM) đang có bộ sưu tập với hơn 200 chiếc chuông. Ông cho biết, trong lần ra Khánh Hòa và may mắn sở hữu chiếc chuông có niên đại khoảng 1.000 năm, từ đó ông bắt đầu đam mê thú vui này.

Những chiếc chuông của ông mang đủ hình dáng, kích thước, xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới. Hầu hết chuông đều có tuổi đời trên nửa thế kỷ cho đến cả nghìn năm. 

 Chuông được trưng bày bằng cách treo lủng lẳng trên cao hoặc xếp ngay ngắn trong tủ kính. Để có bộ sưu tập đặc sắc, cứ mỗi chuyến đi nước ngoài ông lại tìm đến chợ trời mua chuông hoặc nhờ bạn bè tìm giúp. Chi phí bỏ ra nhiều, nhưng ông cho rằng bộ sưu tập của mình vô giá, nên không thể quy ra tiền cụ thể được.

"Chuông và tiếng kêu của nó là nét văn hóa đặc sắc của mỗi nền văn hóa, quốc gia. Từ chuông phổ biến như chuông chùa, nhà thờ đến tiếng chuông tính tiền, chuông gọi ô sin, kẻng tan trường, lục lạc đeo cho trâu bò... đều thú vị. Ngay cả cha mẹ gọi con cái cũng có tiếng chuông riêng", ông Tầm nói.

 Cổ nhất trong bộ sưu tập là chiếc chuông có tuổi đời khoảng 1.000 năm. Ông Tầm cho biết, chuông này được ông mua ở Nha Trang, có nguồn gốc từ nền văn hóa Champa.

 Chiếc chuông của người Việt, chỉ nhỏ bằng nắm tay, có tuổi đời khoảng 300 năm được ông tìm thấy ở Huế.

 Chiếc chuông có tuổi đời hàng trăm năm với đường nét của văn hóa Ấn Độ được ông mua trong lần sang Pháp cách đây chục năm.

 Chuông có nguồn gốc từ Tây Tạng với dáng như cái bát, bên trong có khắc hình tượng Phật. "Loại này thường gọi là chuông quay, chỉ cần dùng cây rà vòng quanh miệng thì sẽ phát ra tiếng kêu rất vang", ông vừa nói vừa chứng minh.

 Chiếc chuông có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, dùng trong các buổi thánh lễ của nhà thờ do một cha xứ tặng cho ông.

 "Đây là chuông gọi tính tiền của các nước phương Tây, chỉ cần ấn một lần là bồi bàn sẽ đến phục vụ. Tôi mua lại nó từ một người bạn ở Long An", chủ nhân bộ sưu tập cho biết.

 Chiếc chuông được mua ở bên Pháp, thường gắn trước cửa nhà, để cho khách gọi gia chủ ra tiếp đón. Vào thời kỳ các nước phương Tây chưa có điện thì loại chuông này rất phổ biến.

 "Chiếc chuông mà ngày xưa người già dùng để gọi con cháu khi cần hỗ trợ. Loại này có nguồn gốc Ấn Độ được tôi mua bên Pháp. Bây giờ, họ đa phần dùng chuông điện nên những món đồ này mang nhiều giá trị lắm", ông chia sẻ.

 "Cái này tôi mua ở khu chợ đồ cổ Sài Gòn. Tôi chỉ biết chiếc chuông của một người lính Mỹ tham chiến tại chiến trường miền Nam năm 1972, có lẽ đây là kỷ vật của ông ấy. Ngoài ra còn nhiều chuông mà tôi vẫn chưa xác định được niên đại, công năng của chúng", chủ nhân bộ sưu tập nói.

 Một xâu nhiều lục lạc được đeo cho ngựa, thường thấy ở những xe thổ mộ cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngoài ra, ở cả Việt Nam và nhiều nước khác cũng có chuông dành riêng cho bò, dê, cừu... được ông Tầm sưu tập.

Tin bài liên quan