Tuần trước, các hiệu trưởng trường học ở Mumbai (Ấn Độ) đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, khi xung đột chính trị giữa hai nước leo thang.
Bắc Kinh và New Delhi đang trải qua hơn một tháng căng thẳng, khi cả hai bên đều cáo buộc binh sĩ của đối phương xâm nhập lãnh thổ của nhau.
“Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự với Ấn Độ. Là người dân, chúng ta cần đảm bảo không giúp kinh tế Trung Quốc phát triển”, Prashant Redij - người đứng đầu Hiệp hội Hiệu trưởng Trường học Mumbai cho biết.
Hiệp hội này đã quyết định kêu gọi học sinh và hiệu trưởng các trường ngừng sử dụng văn phòng phẩm và các sản phẩm khác từ Trung Quốc, nhằm thể hiện sự yêu nước.
“Nếu các bậc phụ huynh ý thức được về việc mua sản phẩm trong nước, nó sẽ thúc đẩy kinh tế của chúng ta, thay vì đóng góp cho kinh tế Trung Quốc”, ông Redij giải thích.
Một tổ chức phi chính phủ ở Andheri cũng kêu gọi biểu tình phản đối hàng nhập khẩu Trung Quốc để “gửi đi thông điệp yêu nước”. Những cuộc biểu tình này không phải chuyện mới mẻ gì ở Ấn Độ.
Tháng 10 năm ngoái, một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm tẩy chay hàng Trung Quốc cũng đã nổ ra nhưng không mấy thành công.
Chiến dịch tẩy chay không phải không có căn cứ. Tài khóa trước, Ấn Độ nhập khẩu tới 60 tỷ USD từ Trung Quốc, đẩy thâm hụt lên hơn 50 tỷ USD.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Nam Á. Các mặt hàng Ấn Độ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc là hàng điện tử, máy móc và hóa chất.
Dù vậy, tính khả thi của việc này cũng đang bị nghi ngờ. Phần lớn người bán hàng tại Bazaar Road - một khu chợ ở ngoại ô Bandra đều không tin tưởng có thể khiến khách hàng chuyển từ sản phẩm rẻ và phổ biến như Trung Quốc sang hàng hóa Ấn Độ.
“Hàng hóa Trung Quốc đa dạng lắm, còn rẻ nữa. Kể cả chúng tôi có quảng cáo cho hàng Ấn Độ, mọi người cũng chưa chắc đã mua đâu”, chủ một cửa hàng cho biết. Còn ở một quầy khác, 99% sản phẩm ở đây có xuất xứ Trung Quốc.
Tại một sạp quần áo, bà Rukaiya đang chọn đồ cho cháu. Bà cho biết mình không mua hàng Trung Quốc, nhưng cũng khá ngạc nhiên về lời kêu gọi tẩy chay. “Yêu nước và thương mại là hai việc hoàn toàn khác nhau”, bà nói, “Lợi nhuận chia cho cả hai quốc gia mà”.
Ramesh - chủ một cửa hàng văn phòng phẩm cũng thừa nhận: “Nếu chiến dịch tẩy chay xảy ra, việc kinh doanh của tôi chắc chắn bị ảnh hưởng, do hơn nửa sản phẩm là hàng Trung Quốc”.
Tuy nhiên, các cửa hàng lớn hơn trong vùng lại có quan điểm khác. “Nếu chính phủ hỗ trợ, tại sao chúng tôi lại không làm chứ. Chẳng có gì thiệt thòi cả khi đó là lợi ích của quốc gia”, chủ cửa hàng tên Twinkle Gifts cho biết.
Dù vậy, họ cũng kêu gọi các hãng sản xuất Ấn Độ nâng cấp năng lực nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ vui hơn nhiều nếu bán được hàng Ấn Độ.
Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần nhiều hàng Ấn Độ được sản xuất hơn nữa”, đại diện một cửa hàng đồ chơi kết luận.