Ngược đời chuyện Vinaconex thoái vốn

Ngược đời chuyện Vinaconex thoái vốn

(ĐTCK) Vinaconex liên tục thông báo bán vốn tại các DN thành viên với số lượng lớn. Không chỉ các công ty kinh doanh kém mà danh sách có cả những công ty kinh doanh tốt.

Liên tục từ tháng 4 trở lại đây, Tổng CTCP Vinaconex (VCG) thông báo bán vốn tại các DN thành viên với số lượng lớn. Nếu như trước đây chỉ có những công ty kinh doanh kém hiệu quả mới nằm trong danh sách bán vốn, thì gần đây, cả những DN được đánh giá làm ăn hiệu quả, thậm chí có những DN vừa năm ngoái Vinaconex tham gia tăng vốn cũng được đem ra rao bán.

Ngược đời chuyện Vinaconex thoái vốn ảnh 1

Vinaconex đang ráo riết thoái vốn tại các DN thành viên, nhưng rao bán với giá cao hơn nhiều giá trên sàn

Dù thị trường vốn đang ảm đạm, Vinaconex vẫn liên tục đưa ra thông báo bán vốn. Tháng 4, VCG thông báo bán đấu giá 550.000 cổ phần tại CTCP Xi măng Vinaconex Lương Sơn - Hòa Bình (DN có vốn điều lệ 10 tỷ đồng). Sau đó, tổng công ty này thông báo bán đấu giá 2,19 triệu cổ phiếu (chiếm 44,51% vốn thực góp) tại CTCP Vinaconex Dung Quất tại Quảng Ngãi (có vốn điều lệ 49,2 tỷ đồng). Tiếp đó, tháng 6, Vinaconex công bố bán 3.750.000 cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành, DN có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Mới đây, trong tháng 8, VCG tiếp tục đưa ra danh sách bán cổ phần của CTCP Vinaconex 3, CTCP Vinaconex-VCN và CTCP Vinaconex 6. Trong đó, bán 1,2 triệu cổ phần VC6; bán toàn bộ 4,08 triệu cổ phần tại VC3 và 1,45 triệu cổ phần Vinaconex-VCN. Ngoài thoái vốn tại các công ty thành viên, VCG đang dồn lực để đẩy nhanh “cục nợ” Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Công nghiệp xi măng.

Có 2 lý do có thể giải thích việc tổng công ty này ráo riết thoái vốn. Thứ nhất, tình hình tài chính của Tổng công ty đang căng thẳng. Tháng 5 vừa qua, Vinaconex đã phải chi ra gần 2.400 tỷ đồng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu phát hành hồi năm 2010. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho các dự án Tổng công ty làm chủ đầu tư đang rất lớn. Thứ hai, Vinaconex đang cố gắng thực hiện đúng kế hoạch tái cấu trúc đã đề ra với định hướng tập trung vào 2 lĩnh vực chính là xây lắp và kinh doanh bất động sản. Hiện tổng công ty này có khoảng 60 đơn vị thành viên và trong kế hoạch, đến 2015, sẽ thu gọn xuống còn 22 DN.

Trên thực tế, tương tự nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, khoản mục đầu tư tài chính của Vinaconex không hiệu quả. Tổng số vốn thực góp của VCG tại các đơn vị thành viên tương đương 5.152 tỷ đồng. Song năm 2011, họ chỉ được hưởng 172,9 tỷ đồng cổ tức (tính ra chỉ bằng 1/3 lãi suất ngân hàng). Trong số các công ty thành viên của Vinaconex, có nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, đầu tư kém hiệu quả, dự kiến số tiền trích lập dự phòng đầu tư tài chính của Tổng công ty trong năm 2012 lên tới 1.100 tỷ đồng (trong đó có cả Xi măng Cẩm Phả).

Điểm đáng chú ý trong các đợt thoái vốn của VCG là tính kém khả thi của các phương án này. Trong khi thị trường đang dư thừa cổ phiếu với giá thấp, thì VCG lại đưa ra những mức giá rất cao khi rao bán cổ phần của DN thành viên, trong đó có những DN hoạt động không có gì nổi trội, thậm chí thua lỗ. Cùng được tính mệnh giá 10.000 đồng/CP, giá khởi điểm của Xi măng Vinaconex Lương Sơn - Hòa Bình lên tới 24.130 đồng/CP. Vinaconex Dung Quất giá khởi điểm 16.079 đồng/CP. Vinaconex Hoàng Thành giá khởi điểm 29.220 đồng/CP. Giá chuyển nhượng tối thiểu đặt ra cho Vinaconex-VCN là 16.000 đồng/CP. Sự chênh lệch rất khó được thị trường chấp nhận cũng diễn ra với những thông báo chào bán của VC6 với giá chuyển nhượng tối thiểu là 13.456 đồng/CP, trong khi thị giá kết thúc ngày 28/8/2012 của VC6 là 6.500 đồng/CP. Giá chuyển nhượng tối thiểu của VC3 là 26.541 đồng/CP, trong khi thị giá kết thúc phiên 28/8/2012 của cổ phiếu này là 13.900 đồng/CP.

Đưa ra mức giá khó khả thi (tuy đều được thông báo rằng căn cứ trên giá trị sổ sách của DN tại thời điểm chốt số liệu tài chính gần nhất) như trên, liệu các đợt chào bán của VCG có thành công? Chưa thấy Tổng công ty công bố thông tin về kết quả các đợt chào bán cổ phần trước, song ghi nhận của ĐTCK cho thấy, không nhiều NĐT quan tâm tới các đợt chào bán này. Thị trường cũng đã từng chứng kiến những trường hợp DN thoái vốn theo kiểu khoán cho DN thành viên. Tức là yêu cầu DN con “ôm” lại cổ phần của mẹ với giá cao hơn mức thị trường định giá. Dễ thấy, trong thời buổi đầy khó khăn này, kiểu  ép duyên như trên sẽ khó có thể xuôi chèo mát mái.