Đại diện một tập đoàn lớn của Nhật Bản chia sẻ, họ rất quan tâm đến lộ trình cổ phần hóa 2 doanh nghiệp có tên trong danh sách cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco).
Dofico được thành lập từ 2005, là một trong những tổ hợp kinh tế lớn mạnh và hiệu quả của tỉnh Đồng Nai, có vốn điều lệ 3.035 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, bao gồm: sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu, chăn nuôi, du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu, kinh doanh và khai thác mủ cao su, khai thác tài nguyên khoáng sản…
Hiện doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong con mắt của nhà đầu tư, kết quả kinh doanh này có thể bứt phá hơn nữa nếu được cộng hưởng thêm các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản trị và công nghệ nước ngoài.
Với thế mạnh có cùng một số ngành nghề, nhà đầu tư Nhật Bản này rất quan tâm đến cơ hội mua cổ phần số lượng lớn ở Dofico.
Tương tự, họ cũng dành sự chú ý lớn đối với Tổng công ty Khánh Việt, doanh nghiệp địa phương thuộc tỉnh Khánh Hòa, có quy mô thuộc hàng lớn nhất miền Trung, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá, công nghiệp bao bì, giấy…
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 tổng công ty trên đều thuộc diện cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ cổ phần trên 50% và dưới 65%.
Điều này có nghĩa, nếu đầu tư vào doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài không thể tính đến chuyện đến một ngày sẽ gia tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu lên chi phối, hình thức đầu tư thường được nhắm đến trong các thương vụ mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam.
Biết rõ điều này, song nhà đầu tư Nhật Bản trên không hề ngại, bởi họ muốn thông qua doanh nghiệp Việt Nam để có sự hiện diện sâu tại thị trường, thay vì hình thức văn phòng đại diện của tập đoàn nước ngoài như hiện nay.
Thị trường 100 triệu dân và vị trí trung tâm ở khu vực Đông Nam Á để phát triển sang các thị trường khu vực là bài toán mà tập đoàn nước ngoài đang tìm lời giải.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, tìm kiếm các cơ hội đầu tư từ việc bỏ vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam đang thuộc diện cổ phần hóa vẫn là phương án được nhiều tập đoàn nước ngoài, tập đoàn tư nhân trong nước tính đến.
Trong danh sách các doanh nghiệp đính kèm theo Quyết định 26/2019, có rất nhiều cái tên đáng chú ý với giới đầu tư, mà nếu được đem ra IPO, theo nhận xét của tổng giám đốc một công ty chứng khoán, sẽ tạo ra sự hứng khởi và sôi động với thị trường.
Đó là MobiFone, VNPT, Vàng SJC, Nước sạch Hà Đông, Công viên Thống Nhất Hà Nội, Tổng công ty Bến Thành Sài Gòn, Tổng công ty Du lịch Hà Nội…
Do những quy định ngặt nghèo tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về định giá doanh nghiệp, trong đó có việc sắp xếp lại tài sản liên quan đến đất đai, nên quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang quản lý diện tích đất lớn gần như bị tê liệt.
Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, những bất cập tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP đã được nhận diện và hiện nay Bộ Tài chính đang ở bước dự thảo lần cuối Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Nếu văn bản này được ban hành từ đầu năm 2020, nhiều khả năng trong năm 2020 sẽ có một lượng hàng hóa đáng kể đến từ các doanh nghiệp IPO.
Tại cuộc gặp của cộng đồng doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2019, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công kiến nghị, Chính phủ cần sớm xem xét ban hành các chính sách gỡ khó để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, IPO và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh việc thu lại được một lượng lớn tiền bán cổ phần để đầu tư cho các dự án hạ tầng cấp thiết, bản thân hoạt động doanh nghiệp hiệu quả hơn khi có thêm nguồn lực khác bổ sung sẽ đem đến tiền thuế và đóng góp lớn cho ngân sách.
Ông Thành lấy ví dụ, Nhà máy đường Biên Hòa trước khi Nhà nước thoái vốn hoạt động kém, đóng thuế gần như bằng 0, khi Nhà nước thoái vốn giá trị thu về được 68 tỷ đồng, hiện giờ mỗi năm, Nhà máy đóng thuế không dưới 70 tỷ đồng. “Mạnh dạn cổ phần hóa, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp, Nhà nước không lo mất gì”, ông Thành nói.