Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được chủ động hoàn toàn về giá bán, nên họ sẽ rất cân nhắc khi ngân hàng đề nghị giá bán USD cao hơn giá niêm yết.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không được chủ động hoàn toàn về giá bán, nên họ sẽ rất cân nhắc khi ngân hàng đề nghị giá bán USD cao hơn giá niêm yết.

Ngoại tệ: mua không nổi, vay không xong

Doanh nghiệp nhập khẩu lại đau đầu xoay xở nguồn ngoại tệ, khi mua không nổi, vay cũng không xong. Dẫu mức độ có khác nhau, song một thực tế chung thị trường ngoại tệ đang hết sức căng kéo, chất chồng khó khăn lên đầu các doanh nghiệp.

Vài tháng nay, công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) không thể mua được ngoại tệ từ ngân hàng. Nguyên nhân, theo tổng giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang, giá thực ngân hàng bán cho doanh nghiệp chênh lệch tới 500 – 600 đồng/USD. Điều này cũng đồng nghĩa, chi phí giá thành xăng, dầu nhập khẩu của Saigon Petro sẽ đắt lên 500 – 600 đồng (mỗi lít xăng trong nước hiện có giá bán xấp xỉ 1 USD), trong khi doanh nghiệp không thể chủ động tăng giá bán.

 

“Nếu mức chênh lệch 100 đồng/USD thì chúng tôi còn “cắn răng” mua. Trong khi nhu cầu ngoại tệ của chúng tôi tới 50 triệu USD mỗi tháng, số tiền chênh lệch phải trả cho ngân hàng lên tới 25 – 30 tỉ đồng. Mà khoản tiền chênh lệch này không có chứng từ, nên chúng tôi không thể hạch toán vào chi phí để được bù lỗ”, ông Sang than thở.

 

Cực chẳng đã, doanh nghiệp phải vay vốn USD, nhưng canh cánh mối lo tỷ giá tăng. Với khoản vay xấp xỉ 100 triệu USD, tỷ giá điều chỉnh vài phần trăm, khoản lỗ của Saigon Petro cũng vào cỡ vài chục tỉ đồng (vì hàng đã bán hết ra thị trường trước đó).

 

Cũng đau đầu với tỷ giá, nhưng một doanh nghiêp tại Hà Nội chuyên nhập khẩu nguyên liệu (trong nước chưa sản xuất được), cung cấp cho khoảng 100 nhà máy lại rơi vào “hoàn cảnh” khác. Theo đó, ba tháng trước, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn một ngân hàng tại Hà Nội khoảng 500.000 USD.

 

Tuy nhiên, ngân hàng này lại giải ngân một lượng tiền VND tương ứng, để doanh nghiệp mua USD của ngân hàng (cũng với mức giá cao hơn vài trăm đồng/USD so với giá ngân hàng công bố công khai). Cộng tất cả các chi phí, lãi suất doanh nghiệp đang phải trả cho ngân hàng ở mức 23 – 24%/năm.

 

Mặc dù đã phải chấp thuận phương án tín dụng lòng vòng ngân hàng đưa ra, song lượng vốn giải ngân cũng rất nhỏ giọt. Ngày 10.11, đến hạn phải thanh toán cho đối tác nước ngoài nhưng vẫn chưa xoay đủ lượng vốn USD cần thiết, giám đốc doanh nghiệp đã phải bỏ tiền túi, cộng với vay mượn bạn bè, người thân… Tài chính eo hẹp cũng khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên gấp gần bốn lần so với trước. Cụ thể, chi phí để nhập khẩu mỗi container nguyên vật liệu của doanh nghiệp vào khoảng 18 triệu đồng (bao gồm cả chi phí vận tải, kho bãi, hải quan…) Và trước kia, doanh nghiệp thường nhập mỗi lần hai container – lượng hàng đủ cung cấp cho các đối tác trong vòng khoảng hai tháng. Nay, do thiếu USD, doanh nghiệp buộc phải nhập xé lẻ, lượng hàng chỉ đủ bán trong hai tuần, trong khi chi phí mỗi lần nhập khẩu tới 28 – 30 triệu đồng. Và để có lượng hàng bán đủ trong hai tháng, chi phí cho bốn lần nhập đã xấp xỉ 120 triệu đồng!

 

Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ: “Chi phí đội lên quá cao, doanh nghiệp cầm chắc lỗ. Nhưng nếu tạm ngưng nhập khẩu, chúng tôi cũng gây khó cho hoạt động sản xuất của hàng trăm doanh nghiệp đối tác – những khách hàng phải mất nhiều năm mới gây dựng được”.