6 tháng đầu năm, NHNN đã phải mua vào tới 7 tỷ USD.

6 tháng đầu năm, NHNN đã phải mua vào tới 7 tỷ USD.

Ngoại tệ chờ… NHNN

(ĐTCK-online) Tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại liên tục đặt ở mức sàn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá đang có dấu hiệu giảm, đó là những biểu hiện của việc dư thừa ngoại tệ. Tình trạng đặt tỷ giá giao dịch ở mức thấp nhất trong biên độ cho phép (+/-0,5% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng) không phải bây giờ mới xảy ra, mà là tình trạng khá thường xuyên từ cuối năm ngoái tới nay khi các ngân hàng liên tục dư thừa ngoại tệ.

Nhưng đến thời điểm này là tuần thứ ba liên tục, nhiều ngân hàng đã thừa nhận thực sự gặp khó khăn do trạng thái ngoại hối của họ đã kịch trần cho phép. Giải pháp gần như duy nhất mà nhiều ngân hàng đang kỳ vọng là NHNN sẽ tiếp tục tăng cường mua ngoại tệ, bởi tình trạng dư ngoại tệ ở mức cao kéo dài lâu hơn nữa sẽ không chỉ khó khăn với ngân hàng mà còn cả với khách hàng của họ.

 

Chờ đợi…

Trả lời ĐTCK, một ngân hàng thương mại quốc doanh lớn thừa nhận, hiện tại "dòng vào" ngoại tệ của họ đang lớn hơn "dòng ra", lượng ngoại tệ mua vào lớn hơn lượng bán ra khoảng vài triệu USD/ngày. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, mặc dù việc dư cung ngoại tệ chưa lên tới mức kịch trần trạng thái ngoại hối cho phép, nhưng với tình trạng mua vào lớn hơn nhiều so với bán ra như hiện nay thì việc "chạm trần" chỉ còn trong thời gian ngắn nữa.

Đó là ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ thì tình trạng này đã xảy ra từ hơn 1 tuần qua. Theo quy định trong quản lý ngân hàng, để đảm bảo an toàn thì mỗi ngân hàng chỉ được giữ một tỷ lệ ngoại tệ nhất định và không được phép vượt. Chính vì vậy, khi lượng ngoại tệ đang nắm giữ chưa tìm được đầu ra thì đồng nghĩa nguồn mua vào sẽ phải cơ cấu lại.

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Á châu (ACB), việc không mua ngoại tệ của khách hàng khi họ có nhu cầu bán là gần như không thể với mỗi ngân hàng, bởi một "nghĩa vụ đương nhiên" đối với ngân hàng là phải đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Giải thích về tình trạng dư cung ngoại tệ này, nhiều ngân hàng cho biết, đó là tình trạng chung của nền kinh tế, chứ không riêng ngân hàng nào khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối,… đang đổ mạnh vào Việt Nam , trong đó nguồn vốn gián tiếp giữ vai trò quan trọng.

Theo báo cáo tổng hợp của NHNN, từ tháng 12/2006 đến nay, chỉ duy nhất khoảng 10 ngày giữa tháng 8/2007 là thị trường có biểu hiện thiếu ngoại tệ và NHNN phải bán ngoại tệ ra cho các ngân hàng thương mại. Nhưng đó chỉ là "khoảnh khắc" hiếm hoi của thị trường, còn hầu hết trong tình trạng dư cung và chỉ riêng 6 tháng đầu năm, NHNN đã phải mua vào tới 7 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại.

Hiện tại, tình trạng dư cung đã trở lại khi khách hàng truyền thống mua ngoại tệ của ngân hàng là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể "tiêu hóa" được số ngoại tệ mà các ngân hàng đã mua vào. Chính vì vậy, giải pháp đang được chờ đợi là việc NHNN đẩy mạnh việc mua vào như đã làm trong suốt gần 1 năm qua. Nhưng dường như NHNN vẫn đang "nghỉ giải lao" và việc của các ngân hàng thương mại là phải chờ đợi.

 

Cân đối khó?

Trao đổi vấn đề này, một quan chức NHNN đã từ chối bình luận sâu, tuy nhiên ông cũng cho biết, trong quản lý vĩ mô, NHNN phải cân đối ở nhiều khía cạnh. Cụ thể, việc mua vào ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm VND ra thị trường, điều này sẽ có tác động tới lạm phát đang cao, rồi can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua bán ngoại tệ làm sao phải hợp lý để tỷ giá không biến động quá bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu… Tất cả các điều này cần phải cân nhắc và chắc chắn có những động thái tác động để thị trường ổn định, NHNN vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thị trường.

Đối với các ngân hàng thương mại, việc để trạng thái ngoại tệ ở mức cao là điều không hề muốn. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, "lý tưởng nhất" là trạng thái ngoại tệ ở mức 0, tức là mua bán cân bằng với nhau. Việc dư ngoại tệ khối lượng lớn cũng giống như một hình thức đầu tư cưỡng bức, tức là mặc dù không muốn nắm giữ quá nhiều ngoại tệ nhưng buộc phải làm điều đó. Trong xu hướng tỷ giá giảm thì điều này thậm chí gây lỗ cho ngân hàng.

Có một vấn đề có thể chưa được quan tâm nhiều, đó là sự tác động của tình trạng dư thừa ngoại tệ đối với thị trường vốn. Nguồn vốn gián tiếp bằng ngoại tệ vào Việt Nam khi không bán được cho các ngân hàng thương mại trong nước để chuyển thành VND để đầu tư thì nguồn vốn đó cũng vô nghĩa.

Trong tháng 12/2006, đã có một đợt dư ngoại tệ kéo dài khi NHNN hết hạn mức cung VND để mua vào, mà nguyên nhân chính là do dòng vốn gián tiếp đổ vào mạnh và gây sốc cho thị trường, và lần này tình hình dường như cũng tương tự.