Ngoại giao chủ động tích cực hội nhập quốc tế

Ngoại giao chủ động tích cực hội nhập quốc tế

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp năm mới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển, trọng tâm của công tác đối ngoại năm 2014 là ưu tiên đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, với chủ đề: “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Xin Phó thủ tướng cho biết, đâu là những dấu ấn nổi bật trong một năm 2013 rất thành công của ngành ngoại giao?

Năm 2013, chúng ta đã kiên trì giữ vững nguyên tắc linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu; triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Ngoại giao chính trị đã triển khai mạnh mẽ chủ trương đưa các quan hệ hợp tác của nước ta với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất. Nội hàm này được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và của các bộ, ngành và địa phương.

Năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược với Italy, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp; quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và Đan Mạch. Nếu tính những quan hệ đối tác đã thiết lập trước đó với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản..., thì đến nay, Việt Nam đã thiết lập 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện, trong đó có 5 nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Năm 2013 cũng là năm triển khai mạnh ngoại giao đa phương. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với số phiếu cao nhất trong số các nước ứng cử; được bầu và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014, tiếp đó là được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017.

Lần thứ hai, Việt Nam được tín nhiệm giao đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và chúng ta đang tích cực triển khai việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, ứng cử lần thứ hai vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ứng cử vào Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Những kết quả trên của ngoại giao đa phương cho thấy, Việt Nam không chỉ tham gia, mà còn khẳng định vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Cùng với việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong năm qua, chúng ta đã chủ động tham gia, đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan.

Đồng thời, chúng ta cũng đẩy mạnh công tác vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến nay, có 43 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch cũng được đẩy mạnh, nhằm hỗ trợ ngành, địa phương, doanh nghiệp tìm đối tác, mở rộng thị trường…

Việc Việt Nam đang đàm phán một loạt FTA song phương và đa phương tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào đối với nền kinh tế, thưa Phó thủ tướng?

Chúng ta đang đàm phán 6 FTA, trong đó, năm 2014 khả năng phải hoàn tất TPP và FTA với EU. Có thể nói, TPP là một trong những hiệp định có tiêu chuẩn cao nhất. Ngoài những yêu cầu về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, hải quan, minh bạch hóa, TPP còn tập trung vào những vấn đề đòi hỏi cam kết cao như: lao động, môi trường. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam vừa phải nỗ lực trong đàm phán để đảm bảo tối đa lợi ích của mình, hạn chế tối thiểu các thiệt hại, mặt khác cũng phải nỗ lực thay đổi thể chế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn để đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tham gia TPP, cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu. Vì vậy, việc tham gia TPP nói riêng, cũng như các FTA nói chung sẽ tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, thông qua việc mở rộng thị trường, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, dệt may, da giày…

Ngoài ra, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu máy móc, nguyên liệu từ các nước thành viên TPP với giá rẻ hơn khi các loại thuế được miễn giảm. Điều này sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, tạo sự cạnh tranh cho các ngành xuất khẩu. Việc ký kết các FTA cũng sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài, trợ giúp các doanh nghiệp cả về vốn và kỹ thuật, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, hội nhập càng sâu vào kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam càng phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Nếu doanh nghiệp trong nước không cải thiện được năng lực cạnh tranh, không nâng được khả năng sản xuất với giá thành rẻ, thì chắc chắn sẽ thất bại, bởi TPP cũng như nhiều FTA khác có những yêu cầu rất khắt khe.

Ngoài ra, nếu Việt Nam không nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện tính minh bạch của môi trường đầu tư, thì cũng sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Khảo sát cho thấy, có rất ít doanh nghiệp quan tâm hoặc không nắm được các nội dung liên quan đến các FTA mà Việt Nam đang đàm phán với các đối tác. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ thiếu sự chuẩn bị cần thiết và nhiều khả năng sẽ thua ngay trên sân nhà khi môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Ngành ngoại giao sẽ làm gì để thay đổi điều này trong năm 2014 cũng như các năm tới?

Đúng là hiện vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm được thông tin hoặc khá thờ ơ với các nội dung hội nhập. Đơn cử, năm 2015 sẽ chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: an ninh chính trị, văn hóa xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đều chưa hiểu hoặc không quan tâm tới các cam kết khi hình thành cộng đồng ASEAN, cũng như lợi ích của mình trong một thị trường ASEAN 500 triệu dân, với một cơ sở thị trường chung. Đây là điều mà Chính phủ, trong đó có Bộ Ngoại giao, có trách nhiệm thông tin, quảng bá nhiều hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Các FTA mà chúng ta đang đàm phán, chuẩn bị tiến tới ký kết với các đối tác có đôi chút khác biệt, vì khi tiến trình đàm phán đang diễn ra thì chưa thể có các cam kết cụ thể. Hơn nữa, trong quá trình đàm phán, từng nước cũng phải có phương án đàm phán của mình, mà các phương án này phải được giữ kín, nên không thể tuyên truyền trước cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thông qua các thông tin đại chúng trong quá trình đàm phán giữa Việt Nam và các đối tác, các doanh nghiệp cũng có thể và nên tự tìm hiểu để biết thêm về các diễn biến có thể xảy ra để có sự chuẩn bị kịp thời cho các kịch bản cạnh tranh.

Thưa Phó thủ tướng, công tác đối ngoại trong năm 2014 sẽ tập trung vào những trọng tâm nào?

Năm 2014 là năm then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm thứ hai đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị. Những dự báo của tình hình thế giới năm 2014 cho thấy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phức tạp, khó lường. Do đó, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.

Trong đó, trọng tâm của công tác đối ngoại năm 2014 là ưu tiên đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, với chủ đề của công tác đối ngoại năm 2014 là: “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.

Tiếp tục ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ với Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực. Đồng thời, nỗ lực xử lý ổn thỏa những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề phát sinh trong quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng và luật pháp quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh và đưa quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt là với những nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định; chủ động, tích cực thúc đẩy việc thực hiệp các hiệp định, thỏa thuận đã ký với các nước đối tác, tăng cường đan xen lợi ích.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trọng tâm là tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu triển khai các chủ trương lớn về kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai vận động chính trị, ngoại giao phục vụ các cuộc đàm phán về TPP, RCEP, và FTA với EU, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; đẩy mạnh hơn nữa vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh; bảo vệ lợi ích của ta trong các cuộc tranh chấp thương mại, chống bảo hộ, áp đặt các tiêu chuẩn kép trong thương mại.

Thông qua các hoạt động trên, ngoại giao kinh tế cần góp phần tích cực vào khôi phục nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu hút FDI, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát huy thế mạnh của ngoại giao đa phương, kết hợp ngoại giao song phương và đa phương, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và Hội đồng Nhân quyền từ năm 2014. Triển khai đồng bộ và toàn diện công tác đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta trên thế giới.

Tin bài liên quan