4 ngân hàng đã hoàn tất 3 trụ cột Basel II
Đến thời điểm này, đã có 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapital Bank, LienVietPostBank, Standard Chartered Việt Nam, ShinhanBank, NamABank, SeABank, BIDV và Vietcombank). Tuy nhiên, trong số này, có tới 14 ngân hàng vẫn chưa đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II.
Tại Việt Nam, việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
VPBank vừa công bố đã hoàn thành triển khai xong việc tuân thủ trụ cột cuối cùng - Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) trong số ba trụ cột cần hoàn thành của Basel II. Cùng với việc hoàn thành triển khai hai trụ cột trước đó, trụ cột cuối cùng cũng được VPBank hoàn thành sớm 1 năm so với yêu cầu của NHNN và được hoàn thành chỉ sau hơn nửa năm kể từ khi VPBank chính thức được phê chuẩn việc áp dụng sớm Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro, VPBank cho biết, việc hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn 1 năm so với yêu cầu của NHNN chính là điểm tựa cho phép VPBank tiếp tục tiên phong trên thị trường trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đây được coi như những nền tảng ban đầu để VPBank tiếp tục tiến tới các tiêu chuẩn cơ bản của Basel III, đưa chuẩn mực quản trị tiến gần hơn các chuẩn mực của ngân hàng tiên tiến trên thế giới.
Ngân hàng thứ hai chính thức hoàn thành 3 trụ cột của tiêu chuẩn Basel II là VIB. Trong đó, trụ cột 1 về mức độ an toàn vốn tối thiểu, trụ cột 3 về kỹ thuật thị trường được Ngân hàng triển khai trong năm 2018; trụ cột 2 về đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn được hoàn thành vào tháng 11/2019.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, nền tảng quản trị rủi ro của VIB được chuyển giao từ cổ đông chiến lược CommonWealth Bank of Australia (CBA). Việc đặt ra lộ trình rõ ràng khi triển khai Basel II sớm hơn thời hạn do NHNN quy định cho thấy Ngân hàng đã có cách tiếp cận không chỉ dừng lại ở mục đích tuân thủ. VIB luôn coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro. Ngân hàng dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của Ngân hàng.
Với việc triển khai đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn, TPBank đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột
Basel II. Trước đó, vào tháng 4/2019, TPBank được Thống đốc NHNN trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, trụ cột đầu tiên của Basel II và trở thành 1 trong 5 ngân hàng triển khai thông tư này nhanh nhất toàn hệ thống.
Việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để ngân hàng tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn.
- Ông Nguyễn Hoàng Linh - Quyền Tổng giám đốc MSB
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, Ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện các quy định tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN, thể hiện ở việc các chính sách cũng như bộ máy cơ cấu tổ chức ngân hàng đều được điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định của pháp luật. KPMG cũng đánh giá cao việc TPBank coi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Thông tư 13 về yêu cầu vốn nội bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu quản trị tiên tiến ngân hàng. TPBank còn đồng thời chuẩn bị triển khai IFRS 9 (chuẩn mực kế toán quốc tế về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính, trong đó có đưa ra các mô hình tổn thất tài chính dự kiến, làm tăng trích lập dự phòng của các ngân hàng khi áp dụng). Đồng thời, KPMG đánh giá đây là bước đi thông minh của TPBank, khi tận dụng một cách tối ưu nguồn lực triển khai Basel II để thực hiện IFRS9.
MSB là ngân hàng thứ 4 chính thức công bố thực hiện trụ cột 3 của Basel II. Cùng với việc hoàn thành triển khai trụ cột 1 và 3 từ tháng 7/2019, trụ cột 2 được Ngân hàng hoàn thành trước gần 1 năm so với yêu cầu của NHNN.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Quyền Tổng giám đốc MSB cho biết, việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để Ngân hàng tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn. Ngân hàng tiếp tục triển khai phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của Ngân hàng, lên kế hoạch triển khai áp dụng IFRS9 trong hoạt động tài chính và quản trị rủi ro.
Nâng cao quản trị rủi ro
Quy trình ICAAP là sự đánh giá toàn diện về vốn, bao gồm các cấu phần từ việc xác định hồ sơ rủi ro của ngân hàng, xây dựng chiến lược, khẩu vị rủi ro, tính toán mức vốn yêu cầu cho các rủi ro trọng yếu (với mức độ bao quát rộng hơn trụ cột 1, bao gồm thêm rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung) không những trong điều kiện kinh doanh thông thường, mà còn trong tình trạng có những biến động bất lợi của thị trường. Từ đó, ngân hàng xác định được mục tiêu về vốn để đảm bảo các hoạt động kinh doanh nằm trong khả năng chấp nhận rủi ro.
Báo cáo ICAAP cùng với các báo cáo khác theo yêu cầu của NHNN về quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ là nguồn thông tin minh bạch, toàn diện để giúp NHNN có thể thực hiện giám sát và điều hành hệ thống các ngân hàng thương mại trên cơ sở rủi ro. Đó là lý do để các ngân hàng nỗ lực sớm hoàn tất 3 trụ cột của Basel II.
Ngân hàng Bản Việt đã chính thức khởi động dự án “Xây dựng quy trình đánh giá mức độ đủ vốn (ICAAP)” theo Thông tư 13/2018/TT-NHNN với sự tư vấn toàn diện của KPMG. Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, khi dự án hoàn thành và quy trình ICAAP được vận hành, Ngân hàng sẽ hoàn tất cả 3 trụ cột của chuẩn mực Basel II, qua đó tuân thủ toàn diện các yêu cầu của NHNN và đáp ứng các thông lệ quốc tế.
“Thông qua dự án triển khai ICAAP, dựa trên các phương pháp đo lường rủi ro và các dự báo trong nhiều kịch bản khác nhau, công tác định hướng lập kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch phân bổ vốn của Ngân hàng sẽ được xây dựng và hoàn thiện một cách chủ động và hiệu quả”, ông Trung nói và cho biết thêm, VietCapital Bank sẽ đáp ứng yêu cầu về Basel II nâng cao ngay trong quý III/2020 - trước thời hạn so với lộ trình do NHNN quy định.
BIDV cũng cho biết, Ngân hàng đã hoàn thành dự án quản lý rủi ro và quản lý vốn, chuẩn bị tuân thủ trước thời hạn các quy định tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Giữa tháng 1/2020, BIDV và Deloitte đã tổ chức công bố và bàn giao kết quả Dự án “Đánh giá rủi ro toàn diện, triển khai khung đánh giá nội bộ về mức đủ vốn” (Dự án MRA&ICAAP). Trước đó, NHNN đã chấp thuận cho BIDV triển khai áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào cuối năm 2019. Dự án MRA&ICAAP được triển khai trong 12 tháng với phạm vi bao trùm quy định về quản lý rủi ro tổng thể và đánh giá nội bộ mức đủ vốn tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN.
Theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025, đến năm 2020, các ngân hàng thương mại về cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II, ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Mục tiêu đến năm 2025, mọi ngân hàng thương mại phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel III theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, ít nhất 2 - 3 ngân hàng thương mại trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu lục.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành tài chính - ngân hàng cần xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện theo từng giai đoạn trong lộ trình triển khai Basel II tại Việt Nam. Đồng thời, hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 cần được triển khai.
Basel II có ba trụ cột chính: Trụ cột 1: Yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); trụ cột 2: Rà soát giám sát; và trụ cột 3: Thực hiện các nguyên tắc thị trường.
Theo đó, trụ cột 1 quy định mức an toàn vốn tối thiểu theo phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp nâng cao cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Trụ cột 2 là đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn. Ở đó, các ngân hàng phải chuẩn hóa quy trình, phương pháp, công cụ đo lường rủi ro, đồng thời phải kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn.
Trụ cột thứ 3 là minh bạch và kỷ luật thị trường, theo đó, các ngân hàng phải báo cáo và thuyết minh định kỳ về các chỉ tiêu định tính và định lượng về an toàn vốn. Trụ cột này tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin. Các ngân hàng thương mại cần công bố thông tin một cách định kỳ và minh bạch. Nội dung công bố thông tin cần đáp ứng yêu cầu của NHNN, ngoài ra nên tham khảo đến các chuẩn mực tốt nhất trên thế giới.