Nghịch lý đầu tư cảng Bến Đình

0:00 / 0:00
0:00
Là cảng hở, nhưng lại xây hạ tầng kỹ thuật cảng trước, khi hoàn thiện gặp bất lợi về thời tiết mới đề xuất xây kè chắn sóng… là điều chỉ có ở cảng Bến Đình (Lý Sơn, Quảng Ngãi).
Cầu tàu cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

Cầu tàu cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn.

Tiếp tục lỡ vận hành

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn tỏ ra tiếc nuối: “Nếu cảng Bến Đình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay, thì bà con ngư dân Lý Sơn đỡ vất vả nhiều. Nhìn công trình cảng mới đã xây dựng xong các hạng mục kỹ thuật, nhưng tàu thuyền vẫn chưa được vào neo đậu”.

Huyện Đảo Lý Sơn có 500-700 tàu đánh bắt thủy sản trên biển, công suất từ 90 mã lực đến 600 mã lực, chuyên khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Với lượng tàu thuyền lớn, mỗi khi có gió bão, phương tiện không đủ chỗ neo trú tại đảo, nên đa phần chạy vào đất liền neo đậu tại cảng cá Tịnh Kỳ, Mỹ Á hay Sa Huỳnh.

Đó là chưa kể, Lý Sơn có đội tàu cao tốc hơn 10 chiếc chuyên phục vụ du khách trong và ngoài nước. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh chưa xuất hiện, Lý Sơn có năm đón gần 2 triệu lượt khách trong mùa du lịch.

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo này, cách đây 5 năm, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư cảng Bến Đình mới, thay cho cảng cũ lộ thiên Lý Sơn đã được khai thác từ mấy chục năm nay. Mục đích nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn; đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên đảo.

Được khởi công năm 2016, đến năm 2018, cảng Bến Đình hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật dùng chung, gồm: cầu cảng, bến bãi, khu hậu cần nghề cá, nhà điều hành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này để không. Các cơn bão lớn số 9, số 13 năm 2020 quần thảo đã cơ bản “đánh giá chất lượng công trình”: kết cấu bê tông vỡ toác, cầu dẫn cảng Bến Đình bị bong lớp thảm nhựa, hệ thống lan can bị đánh văng từng đoạn…

“Dự án đang trong thời gian bảo hành, nên các nhà thầu đã khắc phục các điểm hư hỏng và tiếp tục chờ được đưa vào khai thác. Nhưng chưa biết qua mùa mưa bão năm nay, cảng liệu có đủ điều kiện để đưa vào khai thác hay không, bởi cầu cảng Bến Đình thiết kế chỉ chịu gió cấp 12”, ông Đỗ Vũ Bảo, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Chờ đến bao giờ?

Vì sao cảng Bến Đình đến nay vẫn chưa được vận hành, có phải do chất lượng công trình có vấn đề? “Về chất lượng không có vấn đề gì, cảng sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, Đề án khai thác cảng này chưa được Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính thông qua, nên chưa thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Đỗ Vũ Bảo giải thích.

Theo ông Đỗ Vũ Bảo, Đề án bao gồm các nội dung: khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải; mô hình quản lý cảng, đơn vị nào quản lý, cảng biển hay cảng thủy nội địa; có thu phí phương tiện ra vào cảng hay không (vì là ngân sách nhà nước, nên việc thu phí do Bộ Tài chính quy định), bộ máy vận hành và khai thác cảng, thời gian khai thác…

“Do Covid-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nên tiến độ bảo vệ Đề án của tỉnh bị chậm lại. Đầu tháng 10/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, các nội dung trong Đề án vẫn chưa được 2 bộ này thông qua. Vì vậy, Đề án đang được tiếp tục hoàn thiện. Sau khi 2 bộ này thống nhất, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Bảo cho biết thêm.

Còn một vấn đề nữa đang được dư luận quan tâm là cảng Bến Đình đặt ở vị trí chịu tác động tiêu cực của gió bão. Bên cạnh đó, khu vực cảng có nhiều gò cạn, san hô…, gây khó khăn cho các phương tiện ra vào.

Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Vũ Bảo cho biết, Chủ nhiệm Đồ án tư vấn thiết kế cảng Bến Đình là Trường đại học Xây dựng (Hà Nội) báo cáo đã điều tra các yếu tố thủy hải văn trên mô hình toán (bằng phần mềm MIKE-21).

Kết quả cho thấy, vị trí xây cảng chịu tác động chủ yếu của sóng từ tháng 4 đến tháng 9 với chiều cao từ 0,6 m đến 0,9 m; từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thì cảng hầu như không chịu tác động của sóng.

Để hạn chế nhược điểm này và tăng thời gian khai thác, Quảng Ngãi phải đầu tư xây dựng kè, đê chắn sóng cho cảng, biến cảng hở trở thành cảng kín. Diện tích san hô phía bên trong sẽ được tiến hành nạo vét tạo vũng neo đậu và có mớn nước sâu để phương tiện cập cảng.

Lý giải thêm về vị trí xây dựng cảng Bến Đình, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, thời gian đầu, chủ đầu tư khảo sát rất kỹ vấn đề này.

Tuy nhiên, ở huyện đảo này không có vị trí, lựa chọn nào tốt hơn, nên địa phương thống nhất xây cảng Bến Đình theo phương án vị trí hiện nay. Đồng thời, tỉnh cũng đã thống nhất đưa hạng mục đê chắn sóng với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng vào danh mục đầu tư công trung hạn để cảng Bến Đình phát huy hiệu quả”, ông Minh cho hay.

Cảng Bến Đình được khởi công xây dựng tại huyện đảo Lý Sơn vào tháng 11/2016. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng, do Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án gồm các hạng mục: bến cập tàu dài 87 m, cầu dẫn dài 153 m, kè bảo vệ bờ dài hơn 498 m, diện tích khu lấn biển 4,8 ha, khu vực cảng rộng 3,1 ha, nhà ga rộng 1.000 m2, nhà làm việc 250 m2...

Mục tiêu đầu tư là đưa cảng Bến Đình sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hành khách và hàng hóa khi có thể tiếp nhận cùng lúc một tàu có trọng tải 2.000 tấn, một tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cùng khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tin bài liên quan