Nghĩ về Hà Nội

Nghĩ về Hà Nội

(ĐTCK) Một ngày cuối tuần, cũng vào cái thời điểm tống cựu, nghinh tân, Hà Nội mịt mù “bụi mịn”. 

Một thuật ngữ mới chỉ xuất hiện chưa lâu, khi thành phố của chúng ta gia nhập nhóm đô thị có mức độ ô nhiễm bậc nhất. Tôi ra phố mà cứ ngỡ Xuân về với lắc rắc mưa phùn, gió lạnh và má đào của các nàng thiếu nữ. Có điều, mũi thấy khó thở quá, mắt thì lại cay xè.

Ngày mới xuống Hà Nội, đám thanh niên quê như tôi thường tìm đến những khu nhà trọ ở khu Cầu Giấy, Láng hay Cổ Nhuế cho hợp túi tiền.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 1

Ảnh: Thành Nguyễn

Thường, nhà lợp mái fibro xi măng, mỗi phòng chừng 12 - 15 m2, chỉ đủ để kê một chiếc giường, cái tủ quần áo và ít đồ lặt vặt.

Xóm trọ ngày đó thường xây dựng theo một mô hình “kinh điển”, đó là có khu sinh hoạt chung, gồm bể nước, sân tắm (dành cho đám đàn ông), nhà vệ sinh, nhà tắm chung cả khu (dành cho nữ)…

Ngày đó, mặt bằng chung chỉ có vậy. Cứ trưa hay chiều về, các bếp dầu, bếp than tổ ong lại đỏ lửa. Nhà rán, nhà xào, hì hụi cơm nước, cười nói rổn rảng, xôn xao. Vui đáo để.

Hồi đó, điện thoại di động còn là thứ đồ xa xỉ với nhiều người. Bao giờ gần xóm trọ cũng có một hàng tạp hóa, bán từ quả trứng, gói mỳ, bột canh, gạo cho đến dầu hỏa…

Nghĩ về Hà Nội ảnh 2

Ảnh: Thành Nguyễn

Ngoài ra, cửa hàng này cũng kiêm luôn dịch vụ viễn thông, mỗi lần nghe nhờ điện thoại là 1.000 đồng. Còn gọi điện thì thường ra các quầy dịch vụ để gọi thuê, có đồng hồ nhảy số như tính tiền taxi bây giờ…

Kể lại chuyện này, có khi ối bạn trẻ chẳng hình dung ra, dù đó là một phần không thể thiếu của đời sống thường nhật cách đây khoảng 16 năm về trước.

Ngày bé, chúng ta thường được nghe người lớn kể những câu chuyện về cái thời “ngày xửa ngày xưa”.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 3

Ảnh: Thành Nguyễn

Và tôi tin, dù có xa xôi thế nào thì cái cảm giác thật thật còn hơn bây giờ, khi nhiều bạn trẻ nghe kể lại những chuyện chỉ cách đây ngót nghét hai chục năm.

Thế giới thay đổi quá nhanh, ai đó từng nói rằng: ngày nay, có khi tốc độ phát triển khoa học công nghệ của 1 ngày bằng cả năm thời trước.

Hôm rồi, anh bạn tôi bảo, giờ không có mạng, có điện, có điều hòa thì sẽ thế nào nhỉ? Tôi không tưởng tượng được tại sao ngày trước mình có thể sống trong những điều kiện  như vậy.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 4

Thật khó có câu trả lời làm hài lòng người hỏi, vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, môi trường xã hội… Nhưng tôi tin, xã hội chỉ tiến lên, nên thật khó để có thể hình dung mình có thể sống được trong những hoàn cảnh thiếu thốn như xưa.

Hãy tạm lấy dấu mốc khi Hà Nội bắt đầu xây dựng những khu đô thị như Linh Đàm (1997), Trung Hòa - Nhân Chính (2001), đây là những dự án đô thị điển hình đầu tiên ở Thủ đô, mở ra một giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ tại Hà Nội. Và nay, sau khoảng 20 năm, Hà Nội đã là thành phố của những cao ốc.

Chung cư mọc lên khắp nơi, giải quyết cơn khát nhà ở của cả người dân Thủ đô và người nhập cư. Người có tiền thì sở hữu, người kém hơn về tài chính thì đi thuê.

Chất lượng nhà ở trước và sau đây khoảng hơn 10 năm đã một trời - một vực.

Thay cho những khu nhà trọ xập xệ ngày nào là các tòa chung cư mini, chung cư cao tầng với đầy đủ trang thiết bị, người thuê chỉ cần xách vali đến là có thể ở ngay.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 5

Hôm rồi, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi cà kê cùng mấy anh bạn chuyên làm mô hình chung cư mini cho thuê.

Các anh cho biết, xu hướng hiện tại của khách thuê là các căn hộ dù lớn hay nhỏ, cũng phải có sẵn vật dụng, thiết bị cần thiết, từ giường tủ, bàn ghế, điều hòa, bình nước nóng…

Mô hình phòng trọ truyền thống kiểu xưa giờ gần như “tuyệt chủng”. Và nếu còn, nó thường bị đẩy xa khỏi trung tâm thành phố, dành cho nhóm khách thuê có khả năng chi trả thấp.

Hiện, một căn hộ chung cư mini diện tích từ 20 - 35 m2 có giá thuê dao động từ 3 - 6 triệu đồng/tháng với đầy đủ trang thiết bị, thậm chí cả bảo vệ, người dọn vệ sinh.

Ông chú tôi quen người Nam Định, chuyên chạy xe ba gác cách đây hai tháng cũng than thở, thời nay, người ta chuyển nhà cũng chẳng nhiều đồ đạc như trước, nghề của chú khó khăn lắm, có khi ngồi cả ngày chẳng có cuốc khách nào.

Giờ chú ấy đã về quê, xe thì bán rẻ. Cái nghề mưu sinh nuôi hai đứa con học đại học ngày nào giờ không còn đất sống ở Thủ đô.

Nhiều năm trước, khi lần đầu tôi đến Thượng Hải, tôi đã choáng ngợp với tàu điện ngầm, cao ốc chọc trời ken đặc.

Ánh mắt của người lần đầu ra ngoài biên giới đã khiến tôi ngưỡng mộ biết bao. Tôi còn ước và mơ, chẳng biết bao giờ Hà Nội của mình hiện đại như vậy.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 6

Nhưng rồi cuộc sống vận hành nhanh hơn tôi tưởng. Chỉ sau khoảng 10 năm, Hà Nội dầu còn kém xa Thượng Hải về mật độ nhà cao tầng, nhưng dường như đã chật chội lắm rồi. Cao ốc khắp nơi, hết kỷ lục này đến kỷ lục kia được thiết lập.

Có con phố nhỏ phải gánh cả chục tòa chung cư. Hà Nội giờ quá ngột ngạt, ô nhiễm. Tôi lại ước, giá Hà Nội đừng nhiều nhà cao tầng như thế.

Một anh bạn tôi là dân kiến trúc, anh bảo, đỉnh cao của văn minh không phải là cao ốc chọc trời, mà đó là những đô thị với nhà thấp tầng, những đô thị tôn vinh giá trị sống, con người hài hòa với môi trường cảnh quan và thiên nhiên.

Năm rồi, tôi có dịp trò chuyện cùng Giáo sư Jan Gehl, tác giả cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” từng được dịch ra 33 ngôn ngữ.

Ông được biết đến nhiều với triết lý phát triển các đô thị vì con người, ông cũng là người đã tư vấn cho Hà Nội việc tạo lập nên các phố đi bộ.

Khi nhìn nhận về mô thức phát triển chung của nhiều đô thị trên thế giới, Giáo sư Jan Gehl cho rằng, đã có một loạt thay đổi ập tới với các đô thị, mạnh mẽ nhất có thể nhắc tới là học thuyết công trình hiện đại - người ta không còn xây dựng thành phố nữa, họ chỉ xây dựng công trình nhà cửa mà thôi.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 7

Ảnh: Thành Nguyễn

Họ không tạo ra không gian nữa, họ chỉ chăm chăm tìm cách tận dụng tối ưu không gian. “Đáng sống” cũng không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, thay vào đó là tiêu chí “giao thông, đi lại thuận tiện”. Và những thay đổi này không hề dễ chịu chút nào.

Với Hà Nội hiện tại, vị khách phương xa nhận xét: “Khi đến, ngay lập tức tôi cảm thấy số lượng xe ô tô trên đường phố tăng lên đáng kể. Theo đó là ô nhiễm hơn, khói bụi hơn và ồn ào hơn. Tôi nghĩ đây không phải là một hướng đi đúng đắn cho phát triển đô thị bởi chất lượng sống của con người sẽ ngày càng bị giảm sút”.

Ông Jan Gehl cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhận ra sự cần thiết của việc trả lại thành phố cho con người, làm cho thành phố dễ đi bộ hơn, mọi người có nhiều chỗ để ngồi chơi hơn, trẻ em có nhiều không gian vui chơi hơn.

Nhờ thế, thành phố sẽ không còn bị ô nhiễm, con người cũng vận động nhiều hơn, khỏe mạnh hơn.

Cách làm này sẽ giúp chúng ta giữ được bản sắc của con người và nâng cao chất lượng cuộc sống trong các đô thị.

“Chúng ta không nên để các phương tiện máy móc đánh bại con người. Không nên để vấn nạn giao thông chi phối và nhấn chìm cuộc sống của con người”, ông nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của người ngoài, không khó để nhận thấy, Hà Nội của chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề cần giải quyết.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 8

Ảnh: Thành Nguyễn

Đô thị hóa vốn là xu thế không thể đảo ngược, nhưng cách chúng ta quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có vẻ đang cần được xem xét lại.

Và có lẽ, gợi ý về việc lấy góc nhìn đô thị phục vụ con người là một hướng đi chuẩn mực, điều mà các đô thị lớn trên thế giới đã kịp thức tỉnh, còn chúng ta vẫn đang mơ màng.

Trong một cuộc trò chuyện với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà dân tộc học, chuyên gia văn hóa, tôi rất tâm đắc với chia sẻ của ông về câu chuyện phát triển đô thị.

Ông nói, không đô thị nào mở ra đã là thành phố hoàn chỉnh, mà nó phải là quá trình hình thành theo thời gian.

Các nước phát triển họ đi trước chúng ta cả thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ hay vài thế kỷ, ta đi chậm hơn họ và đang phải trải qua tiến trình tương tự. Đô thị nào cũng vậy, đều phải đối mặt với câu chuyện này.

Theo ông Huy, đô thị hiện đại giờ khác đô thị hình thành từ các thế kỷ 13, 14. Câu chuyện hiện nay là vấn đề quản lý văn hóa đô thị gắn với quản lý đô thị.

Cái này nói chung là rất mới với chúng ta, chúng ta làm chưa tốt trên rất nhiều phương diện. Có nhiều khu chung cư mới mà công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch, văn hóa đều kém.

Nghĩ về Hà Nội ảnh 9

Ảnh: Thành Nguyễn

“Khi xây chung cư phải thỏa mãn tất cả nhu cầu đời sống của người dân, nhưng chúng ta chưa tính toán đầy đủ hoặc bị những lợi ích khác nhau chèn lấn, lấn át, không cho thấy sự đồng bộ của tất cả các khía cạnh”, ông Huy nhấn mạnh.

Hà Nội hôm nay và vài năm trước khác nhau thế nào, có lẽ, mỗi người trong chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình.

Sự phát triển, bao giờ cũng vậy, luôn đi kèm với những áp lực gìn giữ những giá trị cũ, hay tìm ra phương thức phù hợp. Nhưng tôi vẫn tin rằng, một đô thị như Hà Nội sẽ tốt hơn nếu ở đó con người được đặt ở vị trí trung tâm...

Tin bài liên quan