Hàng hóa: Cần quy định chặt hơn và rõ ràng hơn
Trải qua 5 vòng thảo luận ở tổ, ở hội trường Quốc hội, cũng như các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn còn một số chủ điểm “nóng”, trong đó có quy định về hàng hóa.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phó tổng giám đốc một ngân hàng đang niêm yết, thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo phương thức riêng lẻ vào Luật Chứng khoán sửa đổi hay Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang là mối quan tâm của các doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư.
Theo thông lệ ở các thị trường tài chính phát triển, dù là phát hành trái phiếu riêng lẻ hay đại chúng đều quy định tại Luật Chứng khoán. Các nước không lấy mốc 100 nhà đầu tư trở lên tham gia đợt phát hành để phân định thành phát hành trái phiếu riêng lẻ hay phát hành đại chúng, mà họ sử dụng khái niệm “nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản cao”.
Đi kèm với đó là hệ thống nguyên tắc mà nhà môi giới phải có trách nhiệm xác minh để đảm bảo rằng đối tượng nhà đầu tư này thực sự am hiểu về sản phẩm, có năng lực tài chính…, thì mới chấp nhận cho tham gia đợt phát hành trái phiếu.
Bởi vậy, ngay cả các đợt phát hành trái phiếu lên đến cả tỷ USD, nhưng có khi không có các tổ chức như ngân hàng, hay quỹ đầu tư tham gia, mà chỉ có 1 - 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia.
“Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại khái niệm phát hành ra đại chúng và phát hành riêng lẻ, vì mốc 100 nhà đầu tư không có nhiều ý nghĩa, tại sao không là một con số khác, căn cứ vào đâu?
Nếu cho rằng 100 nhà đầu tư để tự suy diễn là mức độ ảnh hưởng ra đại chúng, thì lấy ví dụ một thương vụ phát hành ra đại chúng có 100 nhà đầu tư tham gia, nhưng chỉ nắm giữ lượng trái phiếu 10 tỷ đồng, trong khi có thương vụ thu hút 90, thậm chí 50 nhà đầu tư tham gia, nhưng họ lại nắm giữ đến 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Vậy thương vụ nào có ảnh hưởng lớn đến đại chúng, có khả năng gây rủi ro lớn hơn cho nhà đầu tư?”, vị lãnh đạo ngân hàng trên đặt vấn đề.
TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh cho rằng, dự thảo luật hiện nay quy định, chào bán chứng khoán riêng lẻ bao gồm cổ phiếu và trái phiếu của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo của quy định Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Ở đây cần phải làm rõ pháp luật nào để làm căn cứ hướng dẫn triển khai thực hiện. Trái phiếu là một loại chứng khoán, nên cần quy định tại pháp luật về chứng khoán, tương tự như Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, nhưng hướng dẫn cụ thể việc vay và cho vay phải được quy định tại pháp luật về ngân hàng.
Do đó, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và công ty không đại chúng là như nhau.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tương tự như công ty đại chúng và phải được quy định cả ở Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
Quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo thống nhất liên thông giữa hai luật. Luật Doanh nghiệp quy định loại hình doanh nghiệp gì, như thế nào thì được quyền phát hành trái phiếu, còn Luật Chứng khoán sẽ quy định cụ thể về hoạt động chào bán riêng lẻ, vì trái phiếu cũng là một loại chứng khoán.
Cũng liên quan đến hàng hóa, ở “vai” của doanh nghiệp lẫn đại biểu Quốc hội, ông Huỳnh Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước chia sẻ, tuy dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký, nhưng định nghĩa về sản phẩm này chưa rõ ràng, chưa phù hợp, đồng thời không quy định chi tiết về thủ tục, điều kiện phát hành, cơ chế giao dịch, kiểm soát từ phía nhà nước đối với các loại chứng khoán này.
“Mặc dù loại hình chứng khoán này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các công ty cổ phần của Việt Nam, nhưng nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng thì chứng chỉ lưu ký sẽ không có đất sống và sẽ rất khó phát triển”, ông Chung cảnh báo.
Cần lấp khoảng trống trách nhiệm kiểm toán và trách nhiệm minh bạch của UBCK
Cách nào gia tăng minh bạch thông tin cho thị trường, đồng thời xử phạt nặng các đối tượng lợi dụng lợi thế nắm bắt thông tin để trục lợi, là mối quan tâm của không chỉ các thành viên thị trường. Thế nhưng, dự thảo luật đang có những “khoảng trống” về những nội dung này.
Thực tế, vai trò của công ty kiểm toán độc lập trong minh bạch thông tin là rất lớn, nhưng trách nhiệm của họ khi để lọt những báo cáo không trung thực thì như thế nào, trong dự thảo luật lại không đề cập.
Do vậy, dự thảo luật cần đề cập trách nhiệm xử lý đối với cơ quan kiểm toán độc lập nếu để xảy ra tình trạng báo cáo của các công ty không chính xác, hoặc có những thông tin sai lệch.
“Tính minh bạch của thị trường có thực hiện được hay không phụ thuộc vào vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Vì vậy, tôi cho rằng, trong dự thảo luật cần có một quy định, UBCK sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào khi những hành vi vi phạm, không minh bạch trên thị trường không được phát hiện, không xử lý kịp thời”, Đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường đề xuất.
Thực tiễn cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều hành vi thao túng giá chứng khoán có dấu hiệu giao dịch nội gián.
Do đó, dự thảo luật cần có các quy định nhằm tăng cường việc phòng ngừa các hành vi vi phạm, thông qua việc nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, cũng như các bên tham gia thị trường chứng khoán. Cùng với đó, tăng cường chế tài xử phạt để mang tính răn đe. Hiện tại, dự thảo luật thiên về hình phạt tiền, thiếu các chế tài xử lý bổ sung.
Quốc hội chưa yên tâm về cách xử phạt trên TTCK
Dự thảo Luật Chứng khoán đã đưa ra chế tài đối với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán theo hướng tăng nặng, nhưng một số đại biểu Quốc chưa yên tâm, nên đề xuất có các hình thức xử phạt bổ sung như treo giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp công bố thông tin gian dối, rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên thị trường chứng khoán khi bị kết luận có các hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật...
Tăng mức phạt tiền không phải là biện pháp duy nhất hiệu quả nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, theo ông Huỳnh Thành Chung, cần có cơ chế thu hồi số tiền thu lợi bất chính do vi phạm mà có.
Trong dự thảo luật đã đưa lên mức phạt bằng 10 lần thu nhập có được, nhưng trong thực tế, doanh nghiệp không phải trực tiếp vi phạm, mà có thể mang danh nghĩa của doanh nghiệp khác, hoặc người thứ ba để hưởng lợi. Do đó, luật phải quy định rõ hơn, trong trường hợp kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp vi phạm mà thu lợi bất chính thì phải có cơ chế để thu hồi số tiền này.
Với hệ thống giải pháp gồm vừa thu hồi số thu lợi bất chính mà có, đối tượng vi phạm còn bị phạt tiền nặng, đồng thời tùy mức độ vi phạm mà còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung thì mới đảm bảo tính răn đe.
Chỉ khi chế tài xử phạt phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, đối tượng vi phạm sẽ bị mất hơn rất nhiều so với mối lợi có được từ hành vi vi phạm thì họ mới chùn tay, qua đó mới đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Sở GDCK Việt Nam: Nỗi lo nếu đặt trụ sở tại Hà Nội sẽ phá vỡ sự tồn tại hiện nay
Tương tự như nhiều vòng thảo luận trước, quy định về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tiếp tục còn những ý kiến băn khoăn.
Có góc nhìn cho rằng, dự thảo luật mới quy định quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, theo Quyết định số 32/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, thì Sở có mô hình công ty mẹ - con.
Hiện tại, chỉ có quy định về công ty mẹ, mà chưa quy định công ty con, trong khi công ty còn lại đang trực tiếp thực hiện các giao dịch chứng khoán, thực hiện khớp lệnh mua bán chứng khoán.
Đại diện cho tiếng nói của nơi đặt trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn nhà nước và tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, không nên quy định Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo.
“Nhiều thành viên khi đọc dự thảo cảm thấy lo lắng. Nếu chúng ta tổ chức Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội, còn tại TP.HCM chỉ là chi nhánh, rồi kết nối với nhau, thì sẽ phá huỷ sự tồn tại hiện nay, kìm hãm sự phát triển của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Với sự nghiên cứu và hết sức thận trọng, tôi rất mong Quốc hội ủng hộ Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 100% vốn ngân sách nhà nước và hình thành dưới hình thức là công ty mẹ - con, còn lại những chức năng khác được Thủ tướng quy định chi tiết...”, ông Ngân đề xuất.
Vị trí của UBCK: Chưa có lộ trình đứng độc lập
Thay vì tồn tại hai phương án là UBCK nên là cơ quan thuộc Chính phủ, hay Bộ Tài chính, sau nhiều vòng thảo luận, tại dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo luật chỉ còn chốt một phương án: UBCK là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.
Kèm theo đó là bổ sung một số nội dung mới như: trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của thị trường chứng khoán, UBCK có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường, an toàn, an ninh tài chính;
Về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc khôi phục một phần hoặc toàn bộ hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; đình chỉ, hủy bỏ quyết định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam...
Mô hình tổ chức của UBCK như trên hiện nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, vì có tính khả thi, tránh gây xáo trộn bộ máy cũng như hoạt động của cơ quan này.
Cũng có ý kiến cho rằng, trước mắt, UBCK là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần nghiên cứu lộ trình cụ thể để UBCK mang tính độc lập trực thuộc Chính phủ, qua đó đáp ứng về quy mô, xu thế phát triển của thị trường, phát huy hiệu quả tốt nhất cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.
Sẽ sắp xếp 2 Sở GDCK thành Sở GDCK Việt Nam từ nay đến 2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Về mô hình Sở GDCK, không cần quy định trong dự thảo mô hình công ty mẹ - con, vì theo Luật Doanh nghiệp là có mẹ - con, nếu không rất dễ nhầm lẫn là quyền, trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam với 2 Sở hiện nay.
Ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân nói về Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội lộ trình, trước hết là sắp xếp hai Sở giao dịch chứng khoán hiện tại thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2023.
Trong 5 năm tới có lẽ chưa cổ phần hóa được sở này, theo thông lệ quốc tế thì các sở giao dịch chứng khoán là cổ phần, thậm chí là tư nhân, nhưng trong điều kiện của chúng ta, thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức, chúng tôi cho rằng, việc kế thừa để đảm bảo ổn định thị trường phát triển trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập là quan trọng.
Luật tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBCK trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Một số ý kiến đề nghị mô UBCK cần độc lập và trực thuộc Chính phủ, trong khi ý kiến khác nhất trí giữ mô hình UBCK trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCK trong hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định UBCK trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối.
Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.
Dự thảo luật đã được rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho UBCK trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).
Cụ thể, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở luật hóa quy định tại Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCK trực thuộc Bộ Tài chính.
Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của UBCK trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK, bao gồm: tổ chức, phát triển TTCK; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…