Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời được đánh giá là một hành lang pháp lý rất quan trọng cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi trong triển khai thu hồi xấu thông qua thu giữ tài sản bảo đảm?
Nghị quyết 42 ra đời khi ngành ngân hàng đã đi qua giai đoạn tái cơ cấu 2013 - 2015, bắt đầu triển khai đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1058 năm 2017 của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu và gặp rất nhiều khó khăn.
Nghị quyết 42 đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Theo đó, quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng được quy định rõ ràng, cụ thể hơn; các điều kiện về thu giữ, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan, từ chính quyền địa phương, cơ quan công an, văn phòng đăng ký nhà đất, vấn đề thuế chuyển nhượng tài sản đều được quy định cụ thể.
Với việc áp dụng Nghị quyết 42, chỉ trong hơn 2 năm, VIB đã thu giữ thành công xấp xỉ 100 bất động sản với giá trị hàng trăm tỷ đồng, giúp giảm tương ứng số lượng nợ xấu liên quan, đồng thời giảm đáng kể thời gian và công sức so với việc phải thông qua các thủ tục tố tụng thông thường.
Ðể vận dụng được các thuận lợi do Nghị quyết 42 mang lại và đạt kết quả như vậy, VIB đã có những điều chỉnh về chiến lược xử lý nợ xấu và quy trình nội bộ của Ngân hàng.
Cụ thể, chúng tôi đã thực hiện rà soát, phân loại tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đủ điều kiện thu giữ theo Nghị quyết 42, ưu tiên áp dụng biện pháp thu giữ đối với các tài sản có yếu tố chống đối thấp như nhà cho thuê, nhà không người ở, đất trống... Ðể tăng tỷ lệ thu giữ thành công, chúng tôi cũng chuẩn bị kỹ lưỡng quy trình trước, trong và sau ngày thực hiện thu giữ.
Trước khi thực hiện thu giữ, chúng tôi rà soát hồ sơ pháp lý của khoản vay để đảm bảo phương án thu giữ là phù hợp theo Nghị quyết 42; làm việc với chính quyền địa phương và chỉ tiến hành thu giữ khi có sự ủng hộ của chính quyền nơi có tài sản bảo đảm;
Phối hợp với công ty đo vẽ và cơ quan địa chính thực hiện đo vẽ cắm mốc thực địa đảm bảo xác định đúng và đủ tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán tài sản sau khi thu giữ thành công; chuẩn bị trước phương án bảo vệ tài sản tránh bị tái chiếm;
Vận động, thuyết phục khách hàng hợp tác để hạn chế các tình huống chống đối trong buổi thu giữ; thực hiện đầy đủ các thủ tục thông báo, niêm yết, đăng tin theo đúng quy định của pháp luật.
Trong ngày thu giữ, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương để thu giữ và lập các biên bản thu giữ. Trường hợp thu giữ thành công thì thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ tài sản đã được phê duyệt, đồng thời tiến hành công tác chào bán tại địa phương để đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh tái chiếm.
Trường hợp bị tái chiếm sau thu giữ thì phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an để thu hồi lại tài sản.
Chúng tôi luôn khuyến khích và ưu tiên cho khách hàng thanh toán nợ và giải chấp tài sản bảo đảm nếu có phương án thanh toán nợ phù hợp. Trường hợp thu giữ không thành thì lập biên bản thu giữ không thành để chuyển sang phương án khởi kiện xử lý tài sản bảo đảm.
Theo ông, việc thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 để giải quyết các khoản nợ xấu liệu có được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB.
Sau 2 năm thực hiện công tác này, chúng tôi nhận thấy phương án thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 để giải quyết các khoản nợ xấu sẽ còn hiệu quả hơn nữa nếu có giải pháp khắc phục các vấn đề sau.
Thứ nhất, mặc dù hầu hết các phường/xã hỗ trợ, phối hợp với ngân hàng trong việc thu giữ tài sản, nhưng vẫn có một số địa phương chưa hiểu rõ trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng, do đó không hỗ trợ, thậm chí ngăn cản việc thu giữ tài sản cho dù Ngân hàng đã thực hiện đầy đủ thủ tục thu giữ theo quy định pháp luật.
Một số trường hợp, chính quyền địa phương cho rằng, khi khách hàng nợ xấu thì ngân hàng phải khởi kiện ra tòa để đòi tiền và xử lý tài sản bảo đảm, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ các cơ quan thi hành án thi hành bản án có hiệu lực của tòa.
Có địa phương quan ngại ảnh hưởng an ninh trật tự nên không muốn hỗ trợ, đặc biệt là với việc thu giữ các tài sản bảo đảm đang có người sinh sống trên đất, mặc dù Ngân hàng đã có phương án thuê và thanh toán tiền thuê nhà cho khách hàng;
Không muốn hỗ trợ thu giữ các tài sản mà khách hàng hoặc bên thứ ba (có thể là chủ nợ hoặc người tranh chấp giả tạo) cố tình nguỵ tạo tình huống tranh chấp; một số chính quyền địa phương từ chối hỗ trợ mà không nêu lý do.
Thứ hai, sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan việc xử lý tài sản thế chấp của ngân hàng đã thu giữ thành công theo đúng quy định của pháp luật.
Các trường hợp hay gặp phải là chủ tài sản nguỵ tạo nên một lý do tranh chấp, khởi kiện ngân hàng ra tòa về những chuyện vụn vặt (ví dụ đòi bồi thường do việc dỡ bỏ một lều tạm mà họ dựng trái phép trên mảnh đất giá trị nhiều tỷ đồng sau khi đã bị thu giữ) mà tòa vẫn thụ lý giải quyết, dẫn đến ngân hàng không thể bán tài sản, mà phải chờ tòa giải quyết xong vụ án.
Nhiều trường hợp khác, chủ tài sản hoặc những người liên quan gửi đơn yêu cầu ngăn chặn lên các văn phòng đăng ký đất đai một cách vô căn cứ.
Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn phong tỏa giao dịch sang tên chuyển nhượng của tài sản, dẫn đến Ngân hàng không thể hoàn tất thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá, do vậy không thể thu hồi nợ xấu.
Thứ ba, thiếu hướng dẫn cụ thể phương án xử lý tố tụng theo thủ tục rút gọn về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm thu giữ không thành, hoặc quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với các tài sản.
Hiện nay, hầu hết tòa án không thụ lý các hồ sơ khởi kiện của ngân hàng theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp này; nếu thụ lý thì thẩm phán cũng yêu cầu ngân hàng rút đơn khởi kiện theo hình thức này và khởi kiện lại theo vụ án kiện đòi tiền và xử lý tài sản bảo đảm theo thủ tục thông thường.
Trường hợp tòa án giải quyết thì thời gian kéo dài, dẫn đến quy định về thủ tục tố tụng rút gọn trong tranh chấp tài sản bảo đảm không còn nhiều ý nghĩa.
Từ thực tiễn nêu trên, ông có kiến nghị gì để Nghị quyết 42 phát huy hơn nữa tính ưu việt trong việc hỗ trợ xử lý nợ xấu?
Chúng tôi kiến nghị có một Nghị định của Chính phủ và một Thông tư của Bộ Công an quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan công an cấp phường/xã trong việc phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, cũng như các chế tài cụ thể nếu các cơ quan này không thực hiện đúng nhiệm vụ.
Ðồng thời, có văn bản hướng dẫn cụ thể và tập huấn cho ngành tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, cho viện kiểm sát nhân dân các cấp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về thụ lý và xét xử các vụ án theo thủ tục rút gọn về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với các tài sản thu giữ không thành của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, có văn bản hướng dẫn cụ thể và tập huấn cho hệ thống văn phòng đăng ký đất đai các cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý các đơn thư ngăn chặn đối với các tài sản thu giữ thành công theo Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, có sự phân công nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước đối chi nhánh các tỉnh, thành phố giữ vai trò đầu mối hỗ trợ các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc truyền thông, hướng dẫn, phối hợp với chính quyền địa phương khi xảy ra khó khăn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 do sự thiếu hợp tác của chính quyền.