Dân Vũ Hán mặc đồ bảo hộ đi trên phố ngày 31/3. Ảnh: AFP.
Lệnh hạn chế ở hầu hết địa phương của Trung Quốc đang dần được nới lỏng, dân sẽ được phép rời khỏi Vũ Hán, nơi khởi phát Covid-19, lần đầu tiên sau hơn hai tháng. Song khi Trung Quốc dường như bước sang trang mới trong đại dịch, nhiều câu hỏi đặt ra về tính xác thực của con số được báo cáo và liệu đợt bùng phát tồi tệ nhất qua đi hay chưa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh ngày 3/4 giận dữ bác bỏ hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo, tuyên bố nước này "đã đưa ra các cập nhật công khai, minh bạch và kịp thời cho thế giới" về tình hình Covid-19.
"Về an ninh y tế công cộng quốc tế, chúng ta nên lắng nghe Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia về vấn đề dịch tế học cùng kiểm soát dịch bệnh, thay vì nghe một số chính trị gia nói dối quen mồm. Một quan chức cấp cao của WHO đã bác bỏ cáo buộc không chính đáng về 'dữ liệu không được cung cấp của Trung Quốc' trong cuộc họp báo ở Genava hôm qua", phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 3/4.
Bà Hoa cáo buộc các quan chức Mỹ cố gắng "chuyển hướng đổ lỗi" do "tình hình nghiêm trọng" mà nước này phải đối mặt. "Thật vô đạo đức và vô nhân đạo khi chính trị hóa vấn đề y tế cộng đồng. Điều này phải bị lên án tại Mỹ và nhiều nơi khác. Tôi hy vọng họ sẽ không phí thời gian và thay vào đó tập trung vào chiến đấu với đại dịch để cứu mạng dân Mỹ", bà Hoa nói.
Không chỉ Mỹ đặt ra nghi vấn về báo cáo của Trung Quốc. Trang tin tức hàng đầu Caixin từng đưa tin về hàng nghìn bình đựng tro cốt được chuyển đến Vũ Hán, cao hơn số người chết được thông báo. Tuy nhiên, các dịch vụ tang lễ tại thành phố 11 triệu dân này bị dừng lại ngày 25/1 do lệnh phong tỏa nên việc số bình đựng tro cốt được dùng cho những người chết không phải do nCoV là "rất hợp lý".
CNN nhận định những con số được Trung Quốc công bố không khớp với các bản tin họ đưa từ Vũ Hán và đặt ra nghi vấn. Khác biệt có thể do xét nghiệm nCoV chưa đủ, tình trạng nhiều quốc gia đang chật vật giải quyết.
Dora Jiang cho biết chú của cô ở Vũ Hán phải đợi 4 ngày để được xét nghiệm. "Điều này thật khó khăn và khiến tôi xúc động. Tôi không nghĩ họ muốn kiểm soát con số mà cho rằng nguyên nhân do năng lực", Dora Jiang nói.
Kyle Hui cho biết mẹ của anh qua đời vào giữa tháng 1 nhưng "chưa bao giờ được xét nghiệm axit nucleic" để phát hiện nCoV. "Nguyên nhân cái chết của bà là viêm phổi nặng. Nhưng trong quá trình điều trị, bác sĩ nói rất có khả năng bà đã nhiễm nCoV", Kyle Hui nói.
Mẹ của Kyle Hui có thể là ca nhiễm chưa được xác nhận và không được liệt kê trong báo cáo của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc luôn bác bỏ nghi ngờ dữ liệu của họ không chính xác, đồng thời nhấn mạnh tới tốc độ phục hồi, với hơn 76.000 người đã hồi phục trong số hơn 81.000 người nhiễm nCoV.
Tuy nhiên sau một số áp lực, Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu về "các ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng". Họ là những người nhiễm nCoV nhưng không biết mình mắc bệnh và vẫn có khả năng truyền virus sang người khác. Điều này dẫn tới lo ngại về đợt bùng phát thứ hai tại Trung Quốc khi dân chúng di chuyển khắp nước và bắt đầu đi làm trở lại.
Giới chức Trung Quốc tuần trước áp các lệnh hạn chế nghiêm ngặt với người nhập cảnh để ngăn đợt bùng phát thứ hai. Song nếu nghi vấn về số ca nhiễm nCoV là đúng, nguy cơ đợt bùng phát thứ hai có thể ở chính trong nội địa Trung Quốc.